Thủ tướng Anh đánh cược với cuộc bầu cử sớm

Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua bất ngờ kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Ảnh: The Independent.
Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua bất ngờ kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Ảnh: The Independent.
TP - Thủ tướng Anh hôm qua đột ngột thông báo sẽ kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, vào ngày 8/6. Đây được coi như một sự đánh cược vào cử tri nhằm giúp đảng Bảo thủ đạt được tính chính danh lớn hơn trong quá trình đàm phán đưa Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Trước đây, Thủ tướng Theresa May nhiều lần gạt bỏ đề xuất bầu cử sớm. Với việc hôm qua kêu gọi bầu cử sớm, Thủ tướng Anh được cho là đang đánh cược vào cử tri để đảng Bảo thủ của bà đạt được tính chính danh lớn hơn, trong bối cảnh đảng này chỉ chiếm 330/650 ghế trong Hạ viện.

Công đảng đối lập đang trong tình trạng lộn xộn dưới sự lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn - người theo đường lối cánh tả cứng rắn. Không lâu sau tuyên bố của bà May, ông Corbyn nói rằng, Công đảng hoan nghênh bầu cử sớm, dù nhiều người không ưa ông cho rằng, đảng này sẽ mất thêm ghế.

Tuy nhiên, ván cược của bà May không phải không có rủi ro, giới quan sát nhận định. Bầu cử sẽ khơi dậy tình trạng chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Anh, tạo cơ hội để những người phản đối Brexit (Anh rời khỏi EU) khiến chính phủ phải giảm nhẹ các điều khoản để đưa nước Anh ra khỏi EU bằng cách bỏ phiếu cho các nhà làm luật thuộc đảng Dân chủ Tự do và Công đảng ủng hộ EU.

Nó sẽ tạo cơ hội mới cho đảng Quốc gia Scotland nêu lại lời kêu gọi độc lập cho Scotland, sau khi đảng này giành được vài chục ghế từ Công đảng trong cuộc bầu cử năm 2015. Nếu Thủ tướng May không giành được số phiếu vượt trội trong ngày 8/6, vị thế của bà sẽ yếu hơn hiện tại.

Trò chơi chính trị

Nhiều người Anh đã mệt mỏi với việc bỏ phiếu sau cuộc trưng cầu ý dân về việc độc lập cho Scotland (tháng 9/2014), tổng tuyển cử (tháng 5/2015) và trưng cầu ý dân về Brexit (tháng 6/2016). Các cuộc bầu cử cấp địa phương đã được lên lịch vào ngày 4/5.

Bà May lên lãnh đạo vào tháng 7 năm ngoái, sau khi người tiền nhiệm David Cameron từ chức vì kết quả cuộc trưng cầu ý dân về Brexit mang lại kết quả không như ý ông muốn. Tháng trước, bà May chính thức khởi động quá trình Anh “ly dị” EU - một trong những quyết định gây nhiều hậu quả nhất đối với nước này kể từ Thế chiến 2.

Hôm qua, bà May nói rằng, quyết định kêu gọi bầu cử sớm là để đối phó tình trạng bế tắc do phe đối lập gây ra. “Trong những tuần gần đây, Công đảng dọa bỏ phiếu chống lại thỏa thuận cuối cùng mà chúng tôi đạt được với EU”, bà nói.

“Các thành viên đảng Dân chủ Tự do nói rằng, họ muốn đưa công việc của chính phủ đến chỗ bế tắc. Đảng Quốc gia Scotland nói rằng, họ sẽ bỏ phiếu chống lại luật chính thức từ bỏ tư cách thành viên của Anh trong EU. Và các thành viên khác trong Hạ viện tuyên bố sẽ đấu tranh với chúng tôi trên mỗi bước đi”, Thủ tướng Anh lý giải. Bà cũng nói rằng, nếu không tổ chức bầu cử bây giờ, trò chơi chính trị sẽ vẫn tiếp diễn.

Trong khi đó, những người chỉ trích bà May nói ngược lại. “Thông báo này là một trong những bước quay đầu bất thường nhất trong lịch sử chính trị gần đây, và nó cho thấy bà Theresa May một lần nữa lại đặt lợi ích của đảng mình lên trên lợi ích của đất nước”, bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland, tuyên bố.

Những người ủng hộ bầu cử sớm thúc giục bà May rút ra bài học từ ông Gordon Brown, vị thủ tướng của Công đảng lên nắm quyền năm 2007 sau khi người tiền nhiệm Tony Blair lui bước. Dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Công đảng có thể chiến thắng dễ dàng, ông Brown từ chối kêu gọi bầu cử sớm vào thời điểm đó, và tỷ lệ ủng hộ dành cho ông tụt giảm thê thảm trong đợt khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Sau 13 năm nắm quyền, Công đảng thất bại trong cuộc bầu cử năm 2010, sau đó đảng Bảo thủ của ông Cameron thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ Tự do. Liên minh đó thông qua một luật khiến việc tổ chức bầu cử sớm khó khăn hơn. Theo Đạo luật Quốc hội nhiệm kỳ cố định, 2/3 thành viên Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu trong hôm nay để ủng hộ một cuộc bầu cử sớm. Công đảng của ông Corbyn khẳng định sẽ ủng hộ điều này.

“Công đảng sẽ mang đến cho đất nước một giải pháp khác hiệu quả hơn đối với một chính phủ thất bại trong việc tái thiết nền kinh tế, nâng cao đời sống và cắt giảm chi tiêu cho các trường học và hệ thống y tế”, ông Corbyn tuyên bố. Ông Tim Farron, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, cũng đồng ý ủng hộ bầu cử sớm. Cựu thủ tướng Cameron gọi quyết định của bà May là dũng cảm và đúng đắn.

Theo Theo New York Times, Guardian
MỚI - NÓNG