Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tọa đàm với các doanh nghiệp Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại buổi tọa đàm Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh: Đức Tám/TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại buổi tọa đàm Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh: Đức Tám/TTXVN.
Theo TTXVN, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 tại Nhật Bản, sáng 3/7, tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và chủ trì buổi tọa đàm với 15 tập đoàn lớn của Nhật Bản trên các lĩnh vực, trong đó nhiều tập đoàn đã và đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự tọa đàm với các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản và đều là các thương hiệu uy tín toàn cầu như ngân hàng Tokyo-Mitsubishi, Canon, Mitsubishi, Sumitomo, Hitachi, Bridgestone...

Tọa đàm lần này là sự tiếp nối thành công của tọa đàm lần thứ nhất diễn ra vào cuối năm 2013 giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với 11 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, là cơ hội để Chính phủ Việt Nam cùng các doanh nghiệp Nhật Bản đối thoại thẳng thắn các vấn đề vướng mắc trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng cao hơn và kiểm soát tốt lạm phát, trong đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm nay tăng 6,28% và cả năm có thể tăng tới 6,5%, mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Cùng với tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng cơ sở, Việt Nam cũng đang cùng các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay để hình thành cộng đồng kinh tế tự do với 625 triệu dân và GDP 2.500 tỷ USD. 

Việt Nam cũng đang cùng các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản sớm kết thúc đàm phán và ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do đang mở ra quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam với 55 quốc gia, đối tác, trong đó có 15 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh tới quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp. Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam với tổng vốn ODA khoảng 27 tỷ USD trong 20 năm qua. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm nay đạt gần 30 tỷ USD và cũng là đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam với 38 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ “mặc dù hiện nay môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn, nhưng Việt Nam đang quyết tâm thực hiện, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thực thi thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng... Việt Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh ngang mức bình quân ASEAN-4 trong năm 2016. Nhiều luật quan trọng đã được sửa đổi và ban hành mới có hiệu lực từ 1/7 như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định về đầu tư đối tác công​-tư PPP (4/2015) và đang xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị định công nghiệp hỗ trợ... Đó là những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết thương mại tự do… ”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thông điệp: “Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung và Nhật Bản nói riêng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.” 

Trên tinh thần này, Thủ tướng cùng một số Bộ trưởng đã trực tiếp lắng nghe, trao đổi thẳng thắn và giải đáp thỏa đáng nhiều kiến nghị, đề xuất của các tập đoàn kinh tế Nhật Bản, nhất là liên quan đến cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với đào tạo nghề; phát triển sản xuất ôtô và công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô; các lĩnh vực, dự án phát triển năng lượng, phân phối, cơ sở hạ tầng, thuế, hải quan, bất động sản, dược phẩm, ODA, cơ sở hạ tầng…

Đánh giá cao quan điểm và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu của Nhật Bản khẳng định cơ hội và mong muốn tăng cường, mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhằm khai thác thời cơ, thuận lợi trong quan hệ kinh tế giữa hai nước trên nền tảng Đối tác chiến lược, cũng như đón bắt những cơ hội phát triển mới đem lại khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương...

Cũng trong sáng 3/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản như Nikkei, Mitsui Sumitomo, Mitsubishi...

Theo Theo TTXVN/Vietnam+
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.