Bầu cử Nhật Bản:

Thủ tướng Taro Aso thừa nhận thất bại

Thủ tướng Taro Aso thừa nhận thất bại
TP - Trong cuộc họp báo tối 30/8, Thủ tướng Taro Aso thừa nhận đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) thất bại trong cuộc tổng tuyển cử khi báo chí nước này đưa tin đảng đối lập Dân chủ (DPJ) giành chiến thắng áp đảo. với hơn 300 ghế trên tổng số 480 ghế Hạ viện.
Thủ tướng Taro Aso thừa nhận thất bại ảnh 1
Ông Hatoyama (phải) và vợ - Ảnh: Reuters

Ông Aso cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm về kết quả trên và tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo LDP. Các thành viên cấp cao khác của LDP cũng tuyên bố sẽ từ chức dù kết quả chính thức sáng nay mới công bố.

Kết quả bầu cử ngày 30/8 công bố hôm nay, nhưng các cuộc khảo sát và thông tin ban đầu đều cho rằng đảng đối lập Dân chủ (DPJ) sẽ giành chiến thắng áp đảo trước LDP, đảng chỉ nhường quyền lãnh đạo đất nước cho đảng khác có 11 tháng trong suốt 54 năm qua.

Khảo sát của truyền hình NHK sau khi đóng cửa bầu cử cho biết DPJ giành khoảng 300 ghế hạ viện, đồng nghĩa với việc lãnh đạo đảng, ông Yukio Hatoyama sẽ thay ông Taro Aso làm Thủ tướng và Nhật Bản sẽ có nội các mới trong ít tuần tới.

Vài nét về ông Hatoyama

Ông Hatoyama, 62 tuổi, xuất thân từ một gia tộc giàu có, bốn đời làm chính trị và là cháu của một cựu thủ tướng, con của cựu ngoại trưởng Nhật Bản.

Ông Hatoyama học ngành kỹ sư ở Tokyo trước khi lấy bằng tiến sĩ của đại học Stanford (Mỹ).

Năm 1986, ông Hatoyama chính thức gia nhập chính trường khi được bầu làm nghị sĩ thuộc đảng LDP. Năm 1999, ông sáng lập và làm lãnh đạo đảng DPJ trong ba năm.

Tháng 5/2009, ông Hatoyama trở lại ghế lãnh đạo DPJ sau khi người tiền nhiệm Ichiro Ozawa mất chức vì một vụ tai tiếng.

Ông Hatoyama kết hôn với cựu diễn viên, người đã xuất bản vài cuốn sách về nấu ăn.

“Chúng ta sẽ thay đổi Nhật Bản”, tuyên bố của DPJ khi cử tri bắt đầu bỏ phiếu lựa chọn 480 nghị sĩ trong tổng số gần 1.400 ứng cử viên với số lượng nữ cao ở mức kỷ lục (229 người).

“Đảng cầm quyền đẩy nền kinh tế tới bờ vực, tăng nợ công lên sáu ngàn tỷ yen (64,1 tỷ USD), hoang phí tiền, làm tổn hại mạng lưới an ninh xã hội và làm gia tăng khoảng cách giàu – nghèo”, DPJ khoét sâu những hạn chế của LDP trong bốn năm nắm quyền vừa qua.

Trong chiến dịch tranh cử, lãnh đạo DPJ luôn nhấn mạnh rằng, nếu lên nắm quyền, họ sẽ chuyển từ chính sách ưu tiên các tập đoàn khổng lồ được thực thi từ hơn nửa thế kỷ qua sang hỗ trợ dân thường. DPJ cam kết cắt giảm các khoản chi tiêu công lãng phí, giúp nhân dân có nhiều tiền hơn nhằm kích thích tiêu dùng, nhanh chóng vực dậy nền kinh tế.

Theo DPJ, chính phủ mới cũng sẽ ưu tiên ngân sách cho giáo dục, y tế, trợ cấp cho trẻ em, nông dân và các giải pháp nhằm tạo thêm việc làm.

Về đối ngoại, DPJ khẳng định sẽ từng bước giúp Nhật Bản khẳng định vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trên trường quốc tế.

Với đường lối trung dung, DPJ chủ trương cải thiện quan hệ với các nước châu Á và còn hé mở khả năng đối thoại, hợp tác với CHDCND Triều Tiên. Lãnh đạo DPJ, ông Hatoyama cũng bày tỏ mong muốn sự độc lập hơn của Nhật Bản với Mỹ.

Mệt mỏi với sự nắm quyền quá lâu của LDP, nhưng nhiều cử tri Nhật Bản ủng hộ đảng đối lập chưa hẳn đã tin vào các cam kết mạnh mẽ của DPJ.

“Chúng tôi chưa rõ liệu DPJ có thể tạo ra sự khác biệt hay không, nhưng muốn trao cho họ cơ hội”, viên chức Junko Shinoda, 59 tuổi, phát biểu với hãng tin AP sau khi bỏ phiếu tại Tokyo.

MỚI - NÓNG