Tới nơi cỏ đắt sữa rẻ

Cuộn cỏ tươi được nén gọn hút chân không để dự trữ cho mùa đông.
Cuộn cỏ tươi được nén gọn hút chân không để dự trữ cho mùa đông.
TP - Không khí trong lành và cảnh đẹp của những triền cỏ xanh mịn trùng điệp bất tận là lý do khiến tôi hơn một lần cố nhắm mùa hè để trở lại Tây Âu.

Trước đây trong những lần ghé Ðức, thăm thú nhiều điểm chủ yếu ở thành phố, theo kiểu chạy sô nên tôi cảm tình đều và không có cảm nhận rõ ràng. Lần sang Thụy sĩ thong thả hơn. Sau vài lần di chuyển bằng tàu hỏa và xe con, tôi nhận ra ngàn vạn bức tranh tuyệt mỹ ngoài cửa kính kia mới là phần thưởng đáng giá nhất của hành trình.

Dịp gần đây nhất, tôi gặp được bạn đồng hành lý tưởng. Johannes Ruhl, nhà làm phim nhân học người Ðức sống ở Thụy Sĩ, đồng ý chở tôi và một bạn nữa chu du thắng cảnh vùng núi Tây Âu.

Cỏ đắt sữa rẻ

Cứ ngỡ bức tranh cỏ xanh hùng vĩ chạy liền mạch giữa những triền núi là món quà thiên nhiên. Hóa ra chính phủ và  bao ngành nghề tham gia vào đây.

Ðể có được thảm cỏ phẳng đều như photoshop, hàng ngàn máy cắt cỏ chạy miệt mài từ chân lên đỉnh núi. Máy cắt xong một lượt phải lộn lại luôn vì cỏ đầu kia kịp mọc như cũ.

Cỏ mùa hè cắt xong, được đóng gói tại chỗ vào túi plastic trắng, hút chân không thành những cuộn tròn hình trụ khoảng một mét khối. Nhà kho chứa cỏ toàn vùng Châu Âu được làm bằng gỗ sơn nâu. Nhìn từ xa có thể tưởng nhầm thành một nhà hàng hoài cổ trên thảo nguyên.

Nông dân nuôi bò sữa là những công dân hạnh phúc nhất ở xứ này. Họ chăn thả bò mùa hè. Mùa đông có cỏ tươi từ túi hút chân không chở vào tận chuồng trại. Gặp dịch bệnh, thiên tai, nhà nước đền bù mọi thiệt hại.

Các sản phẩm sữa là nguồn thực phẩm chi phối sức khỏe quốc gia nên sữa được trợ giá. Nhà nước phải mua giá cao, nông dân mới có lãi và thu nhập đủ sống. Nhưng sau đó phải bán giá rẻ thì dân mới dùng nhiều.

Vào siêu thị bên này, khách nước ngoài hoa cả mắt vì bạt ngàn nhãn sữa và fromage (pho mát) ngon và rẻ bất ngờ. Thế mới biết bơ sữa nhập vào Việt Nam không thể trở thành thực phẩm đại trà vì giá trên trời.

Mùi cỏ mới cắt thơm lừng không gian mỗi buổi sáng mùa hè. Ðó là điều tuyệt vời thứ nhì sau khi mãn nhãn với màu xanh của đồng cỏ bất tận.

Ði dọc đường sát vùng biên Ðức-Áo thấy một đàn bò đeo khuyên đánh số ở tai đang gặm cỏ. Gặp người chăn bò tên Martin, hỏi chuyện mới hay nông dân chăn bò cũng không thích nghề của mình lắm. Ða phần thanh niên bỏ lên thành phố. Không có chí tiến thủ mới an phận làm đối tượng được chính phủ nịnh.

Ngành du lịch cũng phải đóng phí cho bức tranh cỏ hoành tráng. Ở một số khách sạn, khách phải nộp khoảng 75 cent mỗi ngày phí du lịch và, có lẽ, cũng phải trích chỗ ấy ra một phần cho công nghệ cắt cỏ.

Có lý. Nhờ cỏ đẹp, tôi mới quay lại nơi này đấy thôi. Mỗi khi bắt gặp cảnh thanh bình với đàn bò đeo lục lạc con đứng con nằm trên một thung lũng trên cao, tôi vẫn nói đùa bọn đó ăn lương của công ty du lịch để dụ khách.

Bơ và luật tục ở Allgau

Johannes chưa từng đến Allgäu nhưng anh đọc về nơi này trước hành trình để có thể vừa tự khám phá vừa thuyết trình cho chúng tôi.

Allgäu là vùng núi thuộc Nam Ðức sát biên giới Áo nối với dãy Alpes. Nơi đây cung cấp sản phẩm sữa cho phần lớn dân Ðức, Áo, Thụy Sĩ. Ðể chứng minh tiếng tăm của bơ sữa Allgäu, Johh đánh xe rẽ vào chợ nông sản.

Dân trong vùng mang fromage, bơ, váng sữa, sữa tươi bán cùng thịt xông khói, salami nhà làm. Sau khi nếm hàng chục mẫu fromage, chúng tôi chọn một loại hợp với khẩu vị, không quá nặng mùi, dẻo và ngậy.

Các sản phẩm sữa là nguồn thực phẩm chi phối sức khỏe quốc gia nên sữa được trợ giá.

Bơ thì vớ miếng bất kỳ vì thương hiệu đã được khẳng định trên Google. Ngồi trên xe, chúng tôi chén sạch hai ổ bánh mỳ nóng giòn phết bơ tươi rắc muối, tráng miệng bằng fromage. Ngon bá đạo. Ăn bơ Allgäu ngay tại thủ phủ, trong ngày chớm thu nắng nhẹ, đám bạn gái sành điệu ẩm thực của tôi ở quê nhà có cớ để ghen tị rồi.

Người miền núi Allgäu giữ truyền thống cũng thành danh như bơ sữa của họ. Mỗi dòng họ giữ một quả đồi của ông cha. Theo qui ước từ xửa xưa, nhà phải xây chính giữa đồi.

Nhìn từ xa, trên mỗi thảm cỏ dựng đứng, có một chấm nâu tâm điểm duy nhất. Ðấy chính là làng của người Allgau. Mỗi gia đình chỉ có một người con duy nhất được thừa kế. Người đó ở lại căn nhà tiếp tục giữ quả đồi và kế tiếp nghề của tiền bối.

Những người con còn lại phải tìm mảnh đất khác để định cư và sinh sống. Nhờ luật tục này, mật độ xây dựng không tăng, cảnh quan không thay đổi, môi trường không bị phá vỡ. Mỗi gia đình luôn có người nối nghiệp. Hậu duệ người Allgäu đi khắp Châu Âu và thế giới, mở rộng cộng đồng.

Tới nơi cỏ đắt sữa rẻ ảnh 1

Cũi củi miễn phí trên các bãi tắm thiên nhiên ở Thụy Sĩ.

Củi thạch sanh ở Thụy Sĩ

Cuối hành trình, Johannes đưa chúng tôi về Thụy Sĩ thăm nhà anh ở Ticino, một vùng sát biên giới Ý. Làng Loco nằm trên núi ở độ cao 700m. Từ ba giờ chiều, đã có mây bay la đà.

Giống như mọi ngôi làng trên núi, nhà thờ, nhà ở, cổng, cầu, đường đi cùng nhiều vật dụng đều làm từ đá và có kích thước nhỏ. Làng chỉ có vài trăm người nhưng đầy đủ phương tiện giao thông công cộng như xe bus, xe tải.

Tuy vậy bà con vẫn chuộng thuê trực thăng để chở đồ nặng. Giá cả ở Thụy Sĩ đắt hơn hẳn so với các nước ở Châu Âu nhưng có hai thứ duy nhất rẻ là củi và cước phí trực thăng.

Củi rẻ gần như cho không. Bà con chỉ mất khoảng 100 euro (tương đương 2,6 triệu đồng ta) cho một chuyến máy bay chở củi sưởi đủ dùng cho ba gia đình cả mùa đông.

Tới nơi cỏ đắt sữa rẻ ảnh 2

Cành cây trang trí cho mặt hồ vẻ tự nhiên.

Hồ Thụy Sĩ đẹp mê hồn, nước trong xanh như ngọc. Ðiểm vui chơi ngoài trời đâu đâu cũng sạch lau li như phòng thí nghiệm. Ở một số nước lân cận không khó để bắt gặp túi plastic rác nổi lềnh phềnh ở bến cảng.

 

Có lần tôi thắc mắc khi nhìn thấy một hai cây gỗ dập dềnh ở bãi tắm sạch bong bên Hồ Lucerne, anh bạn chủ nhà Thụy Sĩ giải thích: “Người ta cố tình thả cây gỗ để mọi người thấy gần gũi với thiên nhiên. Nếu không có đám gỗ đó, họ có thể nhầm đây là bể bơi resort”.

Picnic ở bất cứ hồ nào ở Thụy Sĩ cũng thấy trên bờ cứ cách 100 metre có một cũi củi bổ sẵn xếp ngay ngắn để mọi người dùng nướng thịt hoặc sưởi.

Những cũi củi thạch sanh cứ hết lại đầy như điều kỳ diệu nho nhỏ khiến bất cứ du khách nào cũng vui lòng chi tiêu đắt hơn một tý. Nhưng đấy là quan điểm của khách ghé thăm như tôi. Biết đâu dân bản địa coi những chăm sóc tỉ mỉ ấy là quyền lợi đương nhiên cho mỗi công dân của một quốc gia giàu mạnh.

MỚI - NÓNG