Tổng thống Donald Trump tới Brussels, luồng gió mới trong quan hệ Mỹ - EU

Ảnh: Express
Ảnh: Express
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/5 đã đặt chân tới Brussels (Bỉ)  đánh dấu chuyến công du đầu tiên của ông tới châu Âu kể từ khi nhậm chức tổng thống Mỹ. Tại đây, Tổng thống Donald Trump có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump gặp người đứng đầu các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU). Dư luận cho rằng, chuyên thăm của Tổng thống Donald Trump sẽ mở đường cho việc cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và EU trong thời gian tới.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần có những phát biểu gây bất lợi cho khối.

Hồi tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump từng nói EU là một “cỗ máy của Đức”, gọi quyết định rời EU của Anh là “một điều tuyệt vời”, rằng sẽ còn có nhiều nước nối gót Anh.

Tổng thống Donald Trump cũng đã có lần gọi Brussels là cái "đáy của địa ngục". Đặc biệt, ông từng tuyên bố muốn rút Mỹ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris - một quan ngại lớn với châu Âu.

Tất cả những điều này khiến nhiều người ở châu Âu không khỏi đặt ra những dấu hỏi lớn về cam kết của người đứng đầu Nhà Trắng đối với những đồng minh của mình ở bên kia bờ Đại Tây Dương. 

Tuy nhiên, bất chấp những lo lắng và bi quan, nhiều người vẫn hy vọng chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Donald Trump sẽ mở đường cho việc cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và EU trong thời gian tới.  

Cụ thể nhiều quan chức EU cho biết họ hài lòng vì Tổng thống Donald Trump cuối cùng cũng đã quyết định thăm châu Âu.

Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tới EU, cùng các cuộc gặp mặt trực tiếp với các quan chức cấp cao của EU có thể là bước đi đầu tiên để hai bên hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ song phương khi Washington từ chối ký Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại Xuyên Đại Tây Dương (TTIP), một thỏa thuận thương mại tự do quy mô lớn. 

Giáo sư Ted Malloch, người nhiều khả năng sẽ trở thành Đại sứ Mỹ tại châu Âu, cho rằng đã đến lúc Mỹ cần xem xét lại quan điểm và các chính sách đối với châu Âu, và rằng Mỹ nên đánh giá lại toàn bộ mối quan hệ của nước này với châu Âu cũng như tương lai của liên minh.

"Từ thời cựu Ngoại trưởng Dulles, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn cho rằng cách tốt nhất để đảm bảo hòa bình tại châu Âu là duy trì sự thống nhất của liên minh. Mối quan hệ Pháp-Đức là tâm điểm của chính sách này. Không ai muốn châu Âu sụp đổ hoặc tan rã ngay lập tức. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chúng ta muốn một châu Âu hay cụ thể hơn là một liên minh châu Âu như thế nào?”, Giáo sư Ted Malloch nói.

Thực tế chứng minh gần đây Tổng thống Donald Trump đã có những phát biểu ít gay gắt hơn về EU. Trong cuộc gặp diễn ra ngày 20/4 với Thủ tướng Italy, Paolo Gentiloni, Tổng thống Donald Trump nói rằng một châu Âu lớn mạnh là điều "rất quan trọng" đối với ông và nước Mỹ.

Ông cũng kêu gọi hai bên xây dựng một quan hệ thương mại song phương theo hướng "cân bằng và tương hỗ". Những bình luận này hoàn toàn trái ngược với những gì ông từng nói trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, khi không chỉ hoan nghênh Brexit mà còn cho rằng EU là “công cụ của Đức”.  

Các chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù ông Donald Trump đã đảo ngược nhiều tuyên bố vô lý về chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử trong đó có chính sách của Mỹ đối với EU.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump chọn châu Âu là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức cho thấy chính quyền Mỹ đã nhận thức được rằng quan hệ đối tác giữa Mỹ và châu Âu có ý nghĩa chiến lược quan trọng và hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên chính trị nội địa của nước Mỹ. 

Mặc dù, Mỹ và EU còn nhiều bất đồng, nhưng chuyến thăm đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng tới EU sẽ thổi một luống gió mới vào quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Chuyến thăm sẽ mở đường cho việc cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và EU trong thời gian tới, đồng thời sẽ giúp định hình rõ hơn chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Washington bởi sau hơn 100 ngày cầm quyền, đường hướng đối ngoại của Nhà Trắng vẫn còn mơ hồ, chưa rõ ràng và cụ thể.

MỚI - NÓNG