Tổng thống Macron: Người vẽ lại bản đồ chính trị Pháp

Ảnh: France24
Ảnh: France24
TPO - Đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) và liên minh Phong trào Dân chủ (MoDem) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành tổng cộng 351 ghế trên tổng số 577 ghế của Quốc hội Pháp. Kết quả này đã định hình một bức tranh chính trị hoàn toàn mới cho nước Pháp.

Sau Tướng Charles De Gaulle, Tổng thống Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên trong nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp tập trung được quyền lực lớn trong tay. 

Chỉ mới vài tháng trước, ông Macron còn được cho là ít có khả năng trở thành tổng thống, chứ đừng nói đến viễn cảnh kiểm soát Quốc hội Pháp. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 39 tuổi này cùng phong trào mới được thành lập cách đây 16 tháng đã không ngừng “tiến bước” nhờ đà ủng hộ và sự mong mỏi về những thay đổi toàn diện của nhiều người dân Pháp. Đây quả là một phép màu khó ai có thể tưởng tượng cách đây chỉ vài tháng.

Sau cuộc bầu cử tổng thống Pháp, rất nhiều người đặt câu hỏi liệu phong trào chính trị của nhà lãnh đạo trẻ tuổi có thể tìm kiếm đủ ứng cử viên tham gia cuộc tổng tuyển cử hay không. Kết quả cho thấy không chỉ thu hút đủ nhân sự, đội ngũ của ông Macron còn tuân thủ gần như hoàn toàn các tiêu chí rất khắt khe mà LREM tự đặt ra để đáp ứng sự mong đợi của cử tri.

Nhìn vào thành phần nội các của ông Macron có thể nhận thấy, phần lớn ứng cử viên của LREM là những gương mặt mới trên chính trường và ông Macron đã bước đầu thực hiện được sứ mệnh đổi mới diện mạo nền chính trị Pháp. 

Quả thực, đội ngũ mới mẻ đó đã tạo ra một cơn "đại hồng thủy" cuốn phăng tất cả các đối thủ để về đích. Lần lượt những thành trì của các đảng chính trị lớn sụp đổ. Miền Bắc nước Pháp, nơi đảng Xã hội hùng cứ suốt bao nhiêu năm, nay không giữ được ghế nghị sỹ nào. Miền Nam trù phú, thánh địa của cánh hữu cũng gần như "sạch bóng" các nghị sỹ của cả đảng Xã hội và Cộng hòa.

Kết quả qua 2 vòng bầu cử cho thấy, đảng LREM và liên minh MoDem đã giành được 351 ghế, vượt xa đa số tuyệt đối (289 ghế) trên tổng số 577 ghế hạ viện. Theo sau là đảng Những người Cộng hòa (LR) và liên minh giành được 131 ghế, giảm từ con số hơn 200 ghế nhiệm kỳ trước. Đảng Xã hội (PS) chỉ giành được 29 ghế, giảm mạnh so với hơn 250 ghế trước đây. Trong khi đó, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen chỉ giành được tổng cộng 8 ghế.

Có nhiều nguyên nhân lý giải chiến thắng vang dội của ông Emmanuel Macron, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là chính chương trình tranh cử, tác phong và những cam kết đã được cụ thể hóa trong hơn một tháng cầm quyền của ông Macron đã thuyết phục được cử tri.

Tổng thống Emmanuel Macron đã thành lập một chính phủ tập hợp các gương mặt của cả cánh tả và cánh hữu, với đội ngũ ứng cử viên tranh cử đúng như cam kết. Người dân Pháp bắt đầu tin tưởng ở vị Tổng thống trẻ Macron và trao trọn vẹn các đòn bẩy quyền lực cần thiết vào tay ông. 

Nhiều nhà phân tích gọi đó là “hiệu ứng Macron”. Lợi thế lớn nhất của nhà lãnh đạo mới là tập trung quyền lực gần như tuyệt đối trong nội bộ đảng LREM. Ngoài việc đánh bại các đảng lớn, LREM còn tạo ra một thắng lợi hết sức ngoạn mục, đó là đập tan đà đi lên của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, đẩy đảng cực hữu FN vào thế "diều đứt dây", thậm chí có nguy cơ phân rã sau thất bại liên tiếp gần đây.

Dù thủ lĩnh FN Le Pen lần đầu tiên giành được một ghế trong hạ viện Pháp, song kết quả của đảng đã giáng mạnh vào hy vọng của bà Le Pen muốn FN trở thành đảng đối lập chủ chốt tại Pháp. 

Tuy nhiên, thành công của Tổng thống Macron bị lu mờ phần nào khi tỷ lệ cử tri vắng mặt trong cuộc bầu cử đạt mức kỉ lục. 58% cử tri không đi bỏ phiếu, cao hơn tỷ lệ 51,3% vắng mặt tại cuộc bỏ phiếu vòng một ngày 11/6.

Hơn nữa, phần lớn cử tri bỏ phiếu cho đảng LREM là những người có thu nhập cao, tỷ lệ tầng lớp bình dân khá thấp. Liên minh LREM và liên minh MoDem có số phiếu chưa bằng ba đảng Xã hội, đảng Nước Pháp bất khuất và đảng FN cộng lại, nhưng đảng cầm quyền lại giành được số ghế gấp gần 10 lần của ba đảng này.

Thực tế đó vừa bộc lộ bất cập của hệ thống bầu cử Pháp, vừa làm giảm tính chính danh của đảng cầm quyền. Nó cho thấy việc giành số ghế áp đảo trong hạ viện không hoàn toàn đồng nghĩa với việc cử tri tán thành chương trình nghị sự của chính phủ. 

Chiến thắng vang dội của đảng LREM và liên minh MoDem là cơ hội để Tổng thống Emmanuel Macron đem đến những thay đổi to lớn cho nước Pháp như những gì những người ủng hộ ông đang mong đợi. Song ông Macron có thể “tiến bước” được tới đâu vẫn là điều còn phải chờ xem. 

MỚI - NÓNG