Tổng thống Mỹ Trump chỉ trích Triều Tiên: Lợi bất cập hại?

Ảnh: CNN
Ảnh: CNN
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy nước Mỹ vào thế khó khi đưa ra những tuyên bố sáo rỗng nhằm vào Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân mới đây của nước này.

Ngay sau khi Triều Tiên thực hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo, và mới nhất là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu hôm 3/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa một loạt các bài phát biểu, bao gồm cả những cảnh báo rằng ông đang xem xét “ngừng tất cả các hoạt động thương mại với những quốc gia đang giao dịch với Bình Nhưỡng”.

Những ám chỉ mạnh mẽ này, thực chất là nhắm vào Trung Quốc, quốc gia chiếm gần 90% thương mại quốc tế của Triều Tiên.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Mỹ đã nhanh chóng chỉ ra rằng, việc ngăn chặn thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là hầu như không thể thực hiện.

Edward Alden, một thành viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, chuyên về thương mại, nói: “Điều này không hợp lý. Nếu giả định này xảy ra, nó có thể gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Mỹ”.

Theo các nhà phân tích, bằng cách đưa ra những cảnh cáo sáo rỗng, không có tính khả thi, Tổng thống Trump đang làm suy yếu lòng tin vào các tuyên bố của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên.

“Nguyên tắc ngoại giao đầu tiên là không bao giờ đe dọa điều mà bạn không thể thực hiện được”, Mark Fitzpatrick, Giám đốc điều hành châu Mỹ tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, khẳng định.

Mối quan hệ 650 tỷ USD

Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trị giá gần 650 tỷ USD vào năm 2016. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ về hàng hoá, phụ kiện, cung cấp các sản phẩm như iPhone và đồ chơi cũng như máy móc và các bộ phận quan trọng cho ngành công nghiệp Mỹ.

Trung Quốc cũng nhập khẩu rất nhiều nông sản của Mỹ, như đậu nành và các mặt hàng cao cấp khác, trong đó có máy bay chở khách Boeing.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng có khối lượng lớn trao đổi hàng hóa thương mại với các quốc gia khác và cũng rất dễ rơi vào hỗn loạn nếu có sự cố nào đó gây cản trở các chuyến hàng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hơn nữa, Washington phụ thuộc vào tiền của Bắc Kinh bởi Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ.

Phản ứng lại các lời đe dọa của Trump, Bắc Kinh khẳng định những tuyên bố trên là “không thể chấp nhận được” và “không công bằng”.

Đáng chú ý, Tổng thống  Trump cũng đang cân nhắc ngừng một thoả thuận thương mại tự do với Hàn Quốc, một động thái gây căng thẳng với đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Bắc Á. Trump hiện cáo buộc chính phủ Hàn Quốc đang muốn “xoa dịu” Triều Tiên.

“Đây không phải là thời gian để thuyết phục Hàn Quốc hoặc đình chỉ hiệp định thương mại tự do. Cách tốt nhất để ngăn chặn Bình Nhưỡng là sát cánh cùng với Seoul và Tokyo”, Nicholas Burns, một nhà ngoại giao kỳ cựu dưới thời Tổng thống Ông George W. Bush, cho biết.

Theo giới phân tích, những đe dọa kỳ lạ của Trump, như chấm dứt thương mại với các nước đang kinh doanh với Bình Nhưỡng, nhấn mạnh sự hạn chế và loay hoay trong lựa chọn các biện pháp của chính quyền Tổng thống Donald Trump về cách ứng phó với sự tiến triển mạnh mẽ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Áp lực kinh tế là không đủ để gây sức ép lên mọi quyết định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Thay vì đe dọa cắt giảm thương mại với tất cả các nước liên quan, như lời của Trump, các chuyên gia cho rằng người đứng đầu Nhà Trắng có thể thành công hơn bằng cách tăng cường nỗ lực của chính phủ để trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc đối phó với chế độ Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mukuchin đã đề xuất rằng những biện pháp như vậy đang diễn ra. Theo Mnuchin, “việc cần làm là cô lập Triều Tiên”.

Để tạo khác biệt thực sự, một số nhà phân tích cho rằng Mỹ cần phải đánh thẳng vào các ngân hàng Trung Quốc với khoản tiền phạt đáng kể về việc đã chuyển tiền vào các quỹ tín dụng Triều Tiên thông qua hệ thống tài chính Mỹ.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG