Tổng thống Ukraine thăm Mỹ, thúc giục hỗ trợ quân sự

Tổng thống Ukraine (trái) và Tổng thống Mỹ Obama
Tổng thống Ukraine (trái) và Tổng thống Mỹ Obama
TP - Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hôm qua thúc giục Washington hỗ trợ quân sự cho Ukraine để nước này chống lại lực lượng ly khai ở miền đông.

Tại phiên họp của Quốc hội Mỹ ngày 18/9, Tổng thống Ukraine phát biểu rằng, quân đội nước này cần thêm nhiều trang thiết bị, vũ khí cả sát thương và phi sát thương. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các nhà lãnh đạo phương Tây lâu nay vẫn chỉ trích hành động của Nga ở Ukraine, nhưng luôn nhấn mạnh hỗ trợ quân sự chỉ dừng lại ở trang thiết bị phi sát thương. 

Hôm qua, trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraine nói: “Chăn màn và kính nhìn đêm đều quan trọng, nhưng người ta không thể thắng một cuộc chiến chỉ với chăn màn”.

Phát biểu trước Nghị viện Canada hôm 17/9 trước khi bay sang Mỹ, ông Poroshenko cho biết, Ukraine đã “vượt sông Rubicon” (ý nói dám làm việc khó khăn, nguy hiểm) sau khi thông qua thỏa thuận liên kết và tự do thương mại với Liên minh châu Âu (EU). “Đó là lời chia tay cuối cùng của Ukraine đối với Liên Xô”, ông Poroshenko nói trong tiếng vỗ tay của các nhà làm luật Canada. 

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận liên kết nhằm đưa Ukraine tiến gần EU hơn cũng như thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga chính là nguồn cơn của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. 

Hạ viện Mỹ ngày 17/9 (giờ Mỹ) thông qua kế hoạch của Tổng thống Barack Obama về việc huấn luyện và vũ trang cho các lực lượng đối lập có quan điểm ôn hòa ở Syria, AP đưa tin. Tuy nhiên, kế hoạch này không đề cập có hay không có việc cung cấp cho các lực lượng đối lập vũ khí tối tân mà họ nói rằng cần dùng để đánh bại phiến quân IS.

Hơn 3.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến giữa quân chính phủ Ukraine và phe đối lập ở hai vùng miền đông Donetsk và Luhansk từ tháng 4 đến nay. Một thỏa thuận ngừng bắn mong manh ra đời đầu tháng 9 vẫn được duy trì, cho dù hai bên đều cáo buộc lẫn nhau vẫn bắn pháo. Hôm 16/9, các nghị sĩ Ukraine bỏ phiếu thông qua dự luật trao quyền tự trị cho Donetsk và Luhansk.

Trong khi đó, EU từ chối bình luận về báo cáo cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã đe dọa có thể đưa quân đội không chỉ tới Kiev mà còn tới thủ đô của nhiều nước thành viên EU ở Đông Âu “chỉ trong vòng hai ngày”. 

Ông Putin được cho là đã đề cập các thành phố Baltic gồm Riga (thủ đô Latvia), Vilnius (Lithuania), Tallinn (Estonia), cũng như Warsaw (Ba Lan) và Bucharest (Romania). Những nước này đều là thành viên NATO. 

Báo Đức Sueddeutsche Zeitung đưa tin, một tài liệu rò rỉ nói rằng, Tổng thống Putin gửi lời tuyên bố trên đến ông Poroshenko, và lãnh đạo Ukraine đã chuyển tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso vào cuối tuần trước tại Kiev. 

Báo Đức nói tài liệu này là báo cáo nội bộ của cơ quan đối ngoại châu Âu. Khi được đề nghị bình luận tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên EC Pia Ahrenkilde chỉ nói: “Chúng tôi không thực hiện chính sách ngoại giao thông qua truyền thông hay thảo luận về việc tiết lộ những cuộc đối thoại riêng tư”, BBC đưa tin. 

Nghị viện châu Âu hôm qua kêu gọi lãnh đạo EU hoãn các thỏa thuận hợp tác với Nga, trong đó có dự án xây dựng đường ống dẫn khí South Stream, hãng thông tấn Nga Itar-Tass đưa tin. 

EU và Mỹ trước đó vừa triển khai nhiều biện pháp mới trừng phạt Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua nói rằng, Nga sẽ không gây sức ép lên phương Tây bằng các biện pháp trừng phạt trả đũa mà sẽ theo đuổi lợi ích của riêng họ. “Trước tiên, chúng tôi đang nghĩ về lợi ích và các mục tiêu phát triển của chính mình”, hãng tin Nga Ria-Novosti dẫn lời ông Putin. 

Nhà lãnh đạo Nga nói rằng, những nước phương Tây thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga là vi phạm nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và mục tiêu chính của Nga là sẽ tận dụng thị trường nội địa rộng lớn. 

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu vừa thông báo, triển vọng tăng trưởng ở Đông Âu lại yếu đi trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine, còn nền kinh tế Nga dự kiến “sẽ đứng im, sau một thời gian tốt hơn chút ít so với dự kiến, mặc dù vẫn còn yếu”.

MỚI - NÓNG