Trận pháp Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin
TP - Kết quả cuộc trưng cầu dân ý việc Crimea sáp nhập vào Nga không có gì bất ngờ. Phản ứng của Mỹ và EU thể hiện rõ sự bối rối, bị động và phần nào như một sự gỡ gạc thể diện.

Các học giả và chính khách phương Tây tỉnh táo, khách quan nhất đều thừa nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thắng trong trận chiến Crimea, rộng hơn là Ukraine. Không ngẫu nhiên mà tỷ lệ ủng hộ ông ở Nga vọt lên 70%.

Nếu có thêm bất ngờ nào sắp tới trong cuộc khủng hoảng Ukraine ắt phải hỏi ông Putin. Phương Tây hiện đau đầu trước nan đề kỳ thủ Putin đang toan tính gì, liệu ông sắp tung ra những nước cờ nào nữa trong “hiệp hai” cuộc đấu, tại sao Tổng thống Nga hành động như vậy và kịch bản nào tiếp theo sau bước ngoặt ở Crimea? Có thể phương Tây đã tạm “dẫn bàn” bằng việc lật đổ ông Viktor Yanukovych, nhưng sau “cú giật mình”, ông Putin đã nhanh chóng giành lại thế chủ động và vượt lên trong ván cờ địa chính trị.

Nói phương Tây đang yếu đi hay Nga mạnh lên đều không sai, nhưng đúng là Nga vỡ mộng trước thực tế Mỹ và EU luôn hành động theo cách không đếm xỉa đến những lợi ích chiến lược của Nga, dù Nga cố chân thành. Trước vụ khủng bố 9/11/2001, ông Putin đã gọi điện cảnh báo Tổng thống Mỹ George Bush về nguy cơ khủng bố nhằm vào nước Mỹ.

Mới năm ngoái, ông Putin lại cứu Mỹ và cá nhân ông Obama khỏi sa lầy vào một cuộc chiến ở Syria. Phương Tây ngược lại luôn dồn ép Nga, trước tiên Mỹ rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa, đẩy lá chắn tên lửa đến sát vách Nga. NATO bành trướng sang phía đông, phương Tây liên tiếp gây “cách mạng sắc màu” tại không gian hậu Xô viết…

Rõ ràng ông Putin đã tự rút ra những bài học cay đắng từ hai nhiệm kỳ trước và qua một loạt biến cố tại Libya, Syria nên quyết không khoanh tay ngồi nhìn màn kịch tái diễn ở Ukraine. Phương Tây lo ngại sẽ xuất hiện thêm những Crimea mới ở miền đông Ukraine, khi hàng loạt địa phương đòi trưng cầu dân ý.

Gia tăng sức ép quân sự, khuấy đảo tình hình, song nhiều phần Nga sẽ khôn ngoan không can thiệp vào Ukraine nhằm tránh bị cuốn vào một cuộc chiến không cần thiết. Dùng chính vũ khí phương Tây đã sử dụng ở Kiev, đẩy các khu vực thân Nga rơi vào động loạn, bị chia cắt, thậm chí nội chiến và nước Ukraine thống nhất sẽ vỡ vụn trước mắt phương Tây. Không nước EU nào, kể cả Mỹ sẵn sàng đổ máu vì sự toàn vẹn của Ukraine.

Nga đã sẵn sàng chơi đòn cân não với phương Tây. Hiệu ứng boomerang khi áp đặt trừng phạt kinh tế là hiển nhiên, nếu Nga “vỡ đầu” thì phương Tây cũng “mẻ trán”. Chỉ riêng Đức đã phụ thuộc 35% khí đốt Nga và có tới 6.000 doanh nghiệp làm ăn ở Nga. Ngày đầu Crimea bị kiểm soát, thị trường chứng khoán Nga mất 12 tỷ USD, song chứng khoán toàn cầu mất tới 44 tỷ USD.

Đóng băng tài khoản và cấm cửa các nhà tài phiệt Nga ư? Nga có 111 tỷ phú nằm trong danh sách Forbes, ông Putin càng mừng vì “nắm thóp” được những trùm tư bản kiểu Berezovsky hay Khodorkovky… Tổn thất kinh tế có thể bù đắp bằng cách tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hay Nhật Bản.

Ông Putin có nhiều sự lựa chọn để đánh vào các lợi ích của Mỹ. Rất có thể Nga sẽ hậu thuẫn mạnh hơn, cung cấp nhiều vũ khí hơn cho chính quyền Syria, hâm nóng thùng thuốc súng Trung Đông. Nga cũng có thể “nghĩ lại” việc cung cấp hệ thống tên lửa S-300, thậm chí S-400 cho Iran. Nga đang rục rịch bán cho Trung Quốc chiến đấu cơ SU-35 và tàu ngầm lớp Lada tối tân.

Ai cấm Nga hợp tác với Trung Quốc sản xuất vũ khí siêu thanh tấn công toàn cầu, cung cấp các loại vũ khí công nghệ cao và giúp nước này hoàn thiện chiến lược “chống tiếp cận”, đánh thẳng vào chiến lược “xoay trục” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ?

MỚI - NÓNG