Ngoại giao Việt Nam:

Tránh bị mặc cả trên lưng, xung đột với láng giềng

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí chiều 21/8. Ảnh: Trúc Quỳnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí chiều 21/8. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Trong những vấn đề như tranh chấp ở biển Đông, phân giới cắm mốc với Campuchia, Việt Nam phải lường trước những tình huống xấu nhất, nhưng luôn kiên trì các biện pháp hòa bình và mong muốn không xảy ra xung đột.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi trả lời báo chí chiều 21/8 nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam.

Tuân thủ luật pháp quốc tế, không ai chống đối được

Một số ý kiến cho rằng, những tranh chấp ở biển Đông và vấn đề biên giới Tây Nam nổi lên có thể khiến Việt Nam bị cô lập trong tình huống nào đó. Phó Thủ tướng nghĩ sao về nguy cơ này?

Diễn biến trên biển Đông hết sức phức tạp, nhưng mong muốn chung của Việt Nam và các nước là không để xảy ra xung đột. Quan điểm của Việt Nam là giải quyết bằng biện pháp hòa bình, các nước cũng muốn duy trì ổn định để không ảnh hưởng đến giao thông, tự do hàng hải ở khu vực. Lợi ích chung của các nước là duy trì hòa bình, ổn định. Chúng ta phấn đấu không để xảy ra bất ổn ở biển Đông. Với mục đích đó, chúng ta có những đàm phán trực tiếp với các nước như với Trung Quốc để phân định biên giới biển, cùng với ASEAN yêu cầu thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với mục đích đảm bảo không có hành động dẫn tới xung đột. Đó là mục đích cao nhất của chúng ta. Chúng ta luôn phải dự trù tình huống xấu nhất, nhưng luôn muốn tốt nhất là đảm bảo để không xảy ra xung đột.

Vấn đề biên giới với Campuchia không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật, mà còn là vấn đề chính trị. Phó Thủ tướng nghĩ sao về nguy cơ bất ổn ở biên giới Tây Nam khi đảng đối lập ở Campuchia đang lợi dụng vấn đề này để đạt được mục đích chính trị của họ và Việt Nam sẽ làm gì để bảo đảm ổn định ở khu vực này?

Chúng ta luôn muốn xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định với các nước láng giềng. Việt Nam đã phân giới cắm mốc và xây dựng đường biên giới với Trung Quốc và đang tôn dày cột mốc biên giới với Lào. Với Campuchia, chúng ta đã đạt hoàn thành hơn 80% công tác phân giới, cắm mốc, còn lại 17-18% hai bên đang nỗ lực hoàn tất. Việc phân giới, cắm mốc với Campuchia tuân thủ luật pháp quốc tế, theo đúng những văn bản thỏa thuận hai bên đã ký kết và những bản đồ mà hai bên đều công nhận. Việc đảng đối lập Campuchia đang làm là hoàn toàn sai trái, phá hoại quan hệ Việt Nam - Campuchia. Chúng ta tin tưởng, với sự phân chia công bằng, hợp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, hai bên sẽ đảm bảo hoạt động phân giới, cắm mốc. Dù bất cứ lực lượng nào muốn chống đối cũng không thể chống đối được luật pháp quốc tế, cơ sở bản đồ mà hai bên chấp nhận. Vừa qua, chính phủ Campuchia tuyên bố bản đồ Campuchia được Liên Hợp Quốc và Pháp cung cấp hoàn toàn giống bản đồ đang sử dụng trong phân giới, cắm mốc với Việt Nam. Đó là cơ sở rất quan trọng. Chúng ta tin rằng, không thể có xung đột trên biên giới vì chúng ta luôn xây dựng quan hệ Việt Nam - Campuchia tốt đẹp.

Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy quá trình xây dựng COC hiện tiến triển rất chậm?

ASEAN và Trung Quốc đang thảo luận COC. Đây là quá trình Việt Nam và các nước ASEAN muốn có sớm. Vì vậy, trong tất cả các văn kiện của ASEAN đều có câu “sớm hoàn tất COC”. Tiến triển mới trong năm nay là ASEAN và Trung Quốc đã chuyển từ trao đổi, tham vấn sang giai đoạn thương lượng, nghĩa là sẽ bắt đầu có văn bản, dù vẫn cần một quá trình để hai bên thống nhất với nhau bằng văn bản. Quan điểm của Việt Nam là sớm nhất có thể được. Đây cũng là cố gắng chung của ASEAN. Việt Nam đã nêu vấn đề phải hoàn tất COC trong năm nay, nhưng đó là mới mong muốn của chúng ta và ASEAN. Còn có nhiều nước tham gia nên Việt Nam không thể quy định thời gian cho các nước khác được. Các bên phải cùng nhau thống nhất, khi đã có nội hàm quy tắc ứng xử, mới chuyển sang ký kết.

Đánh giá đúng quan hệ với nước lớn 

Phó Thủ tướng nghĩ gì về bài học các nước lớn có thể bắt tay nhau trên lưng nước nhỏ?

Một trong những bài học ngoại giao trong 70 năm qua là làm sao giữ vững được độc lập, trong đường lối chung và trong đường lối đối ngoại. Chúng ta đã thành công với chính sách này trong 70 năm qua, thể hiện qua các thời kỳ đàm phán Hiệp định Geneva năm 1954, đặc biệt là Hội nghị Paris 1973 về kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Độc lập ở đây là trên cơ sở lợi ích quốc gia, giữ cân bằng trong quan hệ với các nước để phục vụ các mục tiêu của chúng ta. Đương nhiên, bao giờ trong quan hệ quốc tế, khi nước này thấy lợi ích của họ song trùng với lợi ích của nước khác thì họ sẽ thúc đẩy. Các nước lớn hay thương lượng trên lưng các nước nhỏ không phải bài học tổng kết của chúng ta mà là tổng kết chung trong lịch sử quan hệ quốc tế. Có nước muốn đạt được lợi ích của họ sẽ tham gia những thỏa thuận có hại cho nước khác. Điều quan trọng là chúng ta đánh giá được, có chủ trương đúng và linh hoạt để tránh các nước có thể thỏa thuận những vấn đề bất lợi cho lợi ích của chúng ta. Châu Á - Thái Bình Dương đang có sự cạnh tranh quyết liệt của các nước, tạo ra nhiều thách thức với các nước, trong đó có Việt Nam.

Quan trọng nhất là chúng ta phải độc lập, và đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, đảm bảo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” để thúc đẩy quan hệ trên cơ sở lợi ích chung tốt nhất. Với từng nước đều có những mẫu số chung trong quan hệ, Việt Nam cần tăng cường điểm đồng, giảm bớt bất đồng. Và quan trọng là Việt Nam không dùng nước này chống nước kia, không tạo ra bất hòa trong quan hệ với các nước.       

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng, có thể khẳng định, sau 70 năm, vị thế của Việt Nam chưa bao giờ cao như thế. “Nước nào có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh sẽ có vai trò vị thế, tiếng nói lớn trong các diễn đàn. Có những nước tiềm lực quân sự không mạnh, kinh tế không lớn, nhưng vẫn có tiếng nói là nhờ họ đóng góp vào công việc chung của thế giới, được các nước ghi nhận. Việc Việt Nam đóng góp khu vực và thế giới cũng như tạo dựng quan hệ với các nước, bao gồm những nước quan trọng, góp phần nâng cao vị thế của chúng ta”, Phó Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG