Tranh luận nóng về hộp đen trực tuyến máy bay mất tích

Chiến dịch tìm kiến máy bay mất tích có thể được rút ngắn nếu các máy bay được định vị bằng vệ tinh.
Chiến dịch tìm kiến máy bay mất tích có thể được rút ngắn nếu các máy bay được định vị bằng vệ tinh.
Sau 3 ngày tìm kiếm cuối cùng Indonesia cũng đã tìm thấy máy bay QZ8501 bị rơi trên biển. Dù vậy công việc lẽ ra đã có thể nhanh hơn nếu máy bay được theo dõi theo thời gian thực và dữ liệu “hộp đen” được tải trực tuyến lên vệ tinh.

Ngay từ sau khi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích hôm 8/3 mang theo 239 người trên khoang, việc ứng dụng công nghệ theo dõi máy bay bằng vệ tinh và tải dữ liệu hộp đen trực tuyến đã được xem như ưu tiên hàng đầu của ngành hàng không.

Cho đến nay số phận chuyến bay này vẫn còn là bí ẩn, sau một chiến dịch tìm kiếm kéo dài và rầm rộ trên vùng biển Ấn Độ Dương ngoài khơi phía Tây Úc.

Các thành viên của Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) - cơ quan hàng không của Liên Hợp Quốc - đã đồng ý sau khi xảy ra tai nạn sẽ bắt buộc theo dõi máy bay theo thời gian thực. Dù vậy, không có thời gian biểu cụ thể nào buộc các hãng hàng không, những người chỉ muốn tiết giảm chi phí, phải triển khai.

Nay, với việc chuyến bay QZ8501 cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự ngoài khơi Indonesia, những yêu cầu phải thay đổi ngay cách thức theo dấu các máy bay lại bùng lên.

Chiếc Airbus A320 mang theo 162 người đã mất liên lạc khi đang trên hành trình từ thành phố Surabaya lớn thứ hai Indonesia tới Singapore. Phải đến hôm 30/12, các mảnh vỡ và thi thể mới được tìm thấy sau một chiến dịch tìm kiếm trên không và trên biển lớn.

Các chuyên gia hàng không cho biết, công nghệ định vị máy bay theo thời gian thực không giúp giảm con số thương vong trong 2 vụ mất tích nêu trên, nhưng lẽ ra có thể giảm đáng kể các nỗ lực tìm kiếm.

Theo dõi theo thời gian thực “sẽ không cứu sống được ai, nhưng việc thu gom các mảnh vỡ và hộp đen một cách nhanh chóng có thể giúp đem đến những thay đổi về an toàn và vận hành kịp thời, giúp cứu sống nhiều sinh mạng trong tương lai”, Scott Hamilton, giám đốc điều hành công ty tư vấn hàng không Leeham Co. tại Mỹ nói.

Trong một bình luận mang tính chỉ trích, Hamilton cáo buộc ICAO đã “phớt lờ kể từ sau vụ MH370” việc yêu cầu theo dõi theo thời gian thực. “Giới chức hàng không nổi tiếng về tâm lý “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” - không yêu cầu thay đổi quy định về an toàn cho đến khi có người chết”, Hamilton bình luận.

Một số hãng hàng không cho rằng chi phí triển khai công nghệ theo dõi qua vệ tinh còn cao, nhưng các nhà phê bình chỉ ra rằng các hãng hàng không cùng lúc đó vẫn đầu tư hàng triệu USD để cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng kết nối vệ tinh cho hành khách.

Robert Mann, một nhà tư vấn hàng không khác tại Mỹ cho rằng các hãng hàng không đang “né tránh hành động” với hy vọng “các giải pháp dựa trên vệ tinh trong tương lai sẽ nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn vào cuối những năm 2020”.

“Tôi không tin ngành hàng không sẽ ứng dụng theo dõi theo thời gian thực trừ khi bị bắt buộc phải làm vậy”, Mann nói, và cho biết trong ngành hàng hải, công nghệ theo dõi qua vệ tinh đã bị bắt buộc từ năm 1988.

ICAO cho biết các giải pháp theo dõi máy bay theo thời gian thực hiện có giá chưa tới 100.000 USD/máy bay. Trong khi đó hãng vệ tinh Inmarsat của Anh cung cấp dịch vụ theo dõi cơ bản các máy bay chở khách khắp thế giới hoàn toàn miễn phí.

Theo Thanh Tùng

Theo Dân Trí, AFP
MỚI - NÓNG