Triều Tiên cố tình để lộ thông tin về loạt vũ khí mới

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Hóa học, thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Hóa học, thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên. Ảnh: KCNA
TPO - Những bức ảnh vừa được hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố cho thấy những tiến bộ bất ngờ trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.  

Hãng thông tấn KCNA hôm qua, 23/8 công bố loạt ảnh Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Hóa học, thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên.

Những bức ảnh này được công bố chỉ hai ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc khởi động "Ulchi Freedom Guardian" - cuộc tập trận chung thường niên cực lớn với quy mô hàng chục ngàn binh sĩ, vốn bị Bình Nhưỡng coi là hoạt động tập dượt cho cuộc chiến xâm lăng.

Loạt ảnh này, theo David Schmerler – chuyên gia tại Trung tâm James Martin về nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Monterey, là cách mà Triều Tiên gián tiếp chứng minh cho thế giới thấy rằng chương trình tên lửa với nhiên liệu rắn của nước này đang phát triển với tốc độ ổn định.

“Tôi nghĩ họ không vô tình làm lộ những chi tiết tên lửa này. Đây là cách mà Triều Tiên cho thế giới thấy rằng những loại vũ khí mới có thể sẽ xuất hiện trong tương lai gần”, Schmerler nói.

Sau Hwasong-14 là Hwasong-13?

Trong một bức ảnh, Chủ tịch Kim xuất hiện bên cạnh tấm áp phích treo tường có dòng chữ “Hwasong-13”. Đây có thể là thế hệ mới của Hwasong-14 – loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên thử nghiệm thành công hai lần hồi tháng Bảy.

“Nếu đó là Hwasong-13 thì Bình Nhưỡng đã đưa ra những thay đổi lớn trong thiết kế ICBM.” Michael Duitsman – một chuyên gia khác tại Trung tâm James Martin cho biết.

Triều Tiên cố tình để lộ thông tin về loạt vũ khí mới ảnh 1

Số 1: Tấm áp phích có dòng chữ "Pukguksong-3". Số 3: Tấm áp phích có dòng chữ "Hwasong-13". Ảnh: KCNA

Hwasong-13 từng xuất hiện trong một cuộc diễu hành hồi năm 2012 và là tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng.

Các tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng thường khiến thời gian chuẩn bị phóng kéo dài khoảng một tiếng do phải bơm nhiên liệu. Ngược lại, tên lửa nhiên liệu rắn có nhiều ưu điểm hơn.

“Tên lửa nhiên liệu rắn sẽ hoạt động nhanh và dễ dàng hơn nhiều vì chúng luôn được nạp sẵn nhiên liệu. Khi tác chiến, tất cả những gì Triều Tiên cần làm là đưa tên lửa tới nơi họ muốn khai hỏa.”, Duitsman nói.

Triều Tiên cố tình để lộ thông tin về loạt vũ khí mới ảnh 2

Ảnh: KCNA

Triều Tiên cố tình để lộ thông tin về loạt vũ khí mới ảnh 3

Ảnh: KCNA

Theo Duitsman, tất cả các tên lửa đạn đạo thuộc sở hữu của Nga và Mỹ hiện tại đều là các loại sử dụng nhiên liệu rắn. Tuy nhiên, khả năng Triều Tiên biến Hwasong-13 từ một tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng sang nhiên liệu rắn là khá thấp.

“Thay đổi một tên lửa từ sử dụng nhiên liệu lỏng sang rắn hoặc ngược lại là một việc hầu như không ai làm. Các nguyên tắc thiết kế rất khác nhau”, Duitsman cho biết.

Ngoài ra, trong cuộc thử nghiệm gần nhất hôm 28/7, Triều Tiên đã cố gắng chứng minh cho các đối thủ thấy rằng ICBM của nước này có khả năng tiếp cận lục địa Mỹ, và rằng nước này hoàn toàn làm chủ công nghệ tái nhập khí quyển của ICBM.

Giới tình báo Hàn Quốc tỏ ra nghi ngờ về khả năng tái nhập khí quyển của ICBM Triều Tiên, tuy nhiên họ phải thừa nhận rằng Bình Nhưỡng đang tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển tên lửa.

Pukguksong-3 – vũ khí kế nhiệm mạnh mẽ của Pukguksong-1?

Cũng trong bức ảnh nói trên, ở phía đối diện có một bản vẽ được treo trang trọng với dòng chữ “Pukguksong-3”. Đây có thể là thế hệ mới của hai phiên bản tên lửa đạn đạo tầm trung, sử dụng nhiên liệu rắn mà Triều Tiên từng thử nghiệm trước đó là Pukguksong-1 và 2.

Pukguksong-3 được xác định là tên lửa đạn đạo chiến lược phóng từ tàu ngầm (SLBM), có thể có tầm bắn xa hơn tầm bắn 500km mà Pukguksong-1 đạt được trong một cuộc kiểm tra hồi tháng 8/2016.

SLBM được đánh giá là tương đối phó phát hiện, và một phiên bản mạnh mẽ hơn của Pukguksong-1 sẽ là tiến bộ mang tính chiến lược của Bình Nhưỡng, giúp quân đội nước này gia tăng sức mạnh một cách đáng kể, các chuyên gia cho biết.

Theo Straitstimes, giới quân sự Hàn Quốc từ lâu đã lo ngại về việc Triều Tiên chế tạo một loại Pukguksong tiên tiến hơn. Nếu những gì Triều Tiên công bố qua loạt ảnh mới nhất là thật, thì nỗi lo sợ của giới quân sự Hàn Quốc có lẽ đang dần trở thành hiện thực.

Phát biểu trên New York Times, ông Kim Dong Yub - nhà phân tích quốc phòng của Viện nghiên cứu Viễn Đông ở Đại học Kyungnam (Seoul, Hàn Quốc) nhận định "Có vẻ như Triều Tiên đang cố gắng chứng minh với thế giới rằng công nghệ tái nhập khí quyển và sử dụng nhiên liệu rắn giờ không còn ở giai đoạn thử nghiệm mà đã đạt đến giai đoạn sản xuất hàng loạt. Dù vậy, điều đó có đáng tin hay không lại là một vấn đề khác."

Vật liệu mới tiên tiến?

Ở một bức ảnh khác, Chủ tịch Kim Jong-un đứng cạnh một thùng chứa lớn màu đồng. Theo các chuyên gia, đây có thể là vỏ bọc tên lửa bằng nhựa với nhiều sợi đan chéo. Loại vỏ bọc này nhẹ hơn các loại vỏ bọc kim loại từng được sử dụng trước đó, cho phép tên lửa Triều Tiên bay xa hơn.

Triều Tiên cố tình để lộ thông tin về loạt vũ khí mới ảnh 4

Số 1: Thùng chứa lớn có màu đồng. Ảnh: KCNA

Ngoài ra, KCNA cho biết Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Hóa học của Triều Tiên đã thành công trong việc nghiên cứu, phát triển và nội địa hóa thành công carbon 3D/ silicon carbide composite - loại vật liệu tiên tiến nhất sử dụng để sản xuất đầu đạn và ống xả cho động cơ sử dụng nhiên liệu rắn của ICBM.

Triều Tiên cố tình để lộ thông tin về loạt vũ khí mới ảnh 5

Ảnh: KCNA

Triều Tiên cố tình để lộ thông tin về loạt vũ khí mới ảnh 6

Ảnh: KCNA

Theo Tân Hoa Xã, Triều Tiên có ngành công nghiệp khai thác than phát triển, do đó việc sản xuất thành công các hợp chất carbon hoàn toàn nằm trong tầm tay của Bình Nhưỡng.

Theo Theo CNN, New York Times, Straitstimes
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.