Triều Tiên phóng tên lửa: Không ngạc nhiên đối với Hàn Quốc

Tình hình khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có vẻ không tăng nhiệt sau khi Triều Tiên vừa phóng tên lửa. Ảnh: Thu Loan.
Tình hình khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có vẻ không tăng nhiệt sau khi Triều Tiên vừa phóng tên lửa. Ảnh: Thu Loan.
TP - Triều Tiên hôm qua lại phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung. Điều này có vẻ không gây nhiều ngạc nhiên ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, tân tổng thống Hàn Quốc sẽ khó theo đuổi con đường đối thoại với Bình Nhưỡng.

Vụ phóng diễn ra chỉ một tuần sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa tầm trung mà các chuyên gia quốc tế coi là một bước tiến mới trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Hội đồng Tham mưu trưởng Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích loại và quỹ đạo của tên lửa vừa được Triều Tiên phóng, Yonhap đưa tin.

Vụ phóng diễn ra chỉ vài giờ sau khi tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bổ nhiệm ông Chung Eui-yong, cựu quan chức ngoại giao, làm cố vấn an ninh quốc gia; bà Kang Kyung-hwa, cố vấn đặc biệt về chính sách của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, làm ngoại trưởng.

Hai vụ phóng tên lửa liên tiếp vừa rồi được cho là phép thử đối với chính quyền của Tổng thống Moon, người nhậm chức hôm 10/5. Ông Moon hôm qua triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về vấn đề này.

Ông Moon đắc cử với một trong những chính sách là cách tiếp cận ôn hòa hơn đối với Triều Tiên. Ông nói sẵn sàng đến Bình Nhưỡng với điều kiện nhất định, và cho rằng đối thoại phải được sử dụng song song với các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, giới phân tích tại Hàn Quốc cho rằng, ông Moon không dễ theo đuổi cách tiếp cận này và giải quyết thế bế tắc trên bán đảo Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu Yang-uk, chuyên gia phân tích chính trị tại Hàn Quốc, cho biết, giới chính trị ở Hàn Quốc gồm hai phe, một phe ủng hộ chủ trương cứng rắn với Triều Tiên, phe còn lại theo đuổi chính sách hòa giải. Trong giai đoạn 1999-2008, Hàn Quốc có hai tổng thống muốn đối thoại với Triều Tiên. Có những lúc mọi việc tưởng chừng suôn sẻ, nhưng cuối cùng đều đổ bể. Triều Tiên nay đã có vũ khí hạt nhân, mọi chuyện càng khó khăn hơn, ông Yang-uk nói.

Ông Yang-uk cho rằng, lý do Triều Tiên liên tục phóng tên lửa và thử hạt nhân là nhằm bảo vệ chế độ. Theo nhà nghiên cứu này, Triều Tiên rút ra bài học từ sự can dự của Mỹ và Trung Quốc vào Chiến tranh Triều Tiên và bài học từ cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein, cố Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, rằng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không thể tồn tại nếu không có vũ khí hạt nhân. Theo một cố vấn chính sách ở Hàn Quốc, năng lực hạt nhân của Triều Tiên có thể đạt đến mức độ như của Iran.

Việc Tổng thống Moon bổ nhiệm bà Kang vào trị trí ngoại trưởng được cho là nỗ lực của nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhằm đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, thay vì tập trung vào quan hệ đồng minh với Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, liên minh Mỹ - Hàn đã trải qua nhiều lần biến động nhưng vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, và Tổng thống Moon vẫn sẽ cần Mỹ vì hiểu Washington đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu Hahm Chai-bong, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chính sách Asan (Hàn Quốc), cho rằng, ông Moon đang dần thay đổi quan điểm so với giai đoạn tranh cử, giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo ông Hahm, Tổng thống Moon khi tranh cử đã tuyên bố sẽ đến Bình Nhưỡng trước khi đến bất kỳ nơi nào khác, nhưng sẽ có khoảng cách lớn giữa lúc tranh cử với thực tế khi nắm quyền. Theo một quan chức ngoại giao Mỹ tại Seoul, bố, mẹ và chị gái của ông Moon nằm trong số những người Triều Tiên có mặt trên con tàu của quân đội Mỹ sơ tán khỏi Triều Tiên năm 1950, nên ông Moon không thể là người chống Mỹ. 

Giới nghiên cứu Hàn Quốc cho rằng, việc cử tri Hàn Quốc bỏ phiếu cho ai không đồng nghĩa với việc ủng hộ hoàn toàn chính sách của người đó. Vụ bà Park Geun-hye bị phế truất khiến phe bảo thủ ở Hàn Quốc cảm thấy bị phản bội, nên nhiều người quay sang bỏ phiếu cho ông Moon và giúp ông thắng cử. Nhưng sau khi chính phủ mới được kiện toàn, các chính sách sẽ lại gây ra tranh cãi.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.