Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc cần rút giàn khoan về

Tàu Hải cảnh 46106 của Trung Quốc ngày 1/6 truy cản, phun nước rồi đâm thẳng vào tàu CSB 2016 của Việt Nam làm tàu này bị thủng 4 chỗ. Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam
Tàu Hải cảnh 46106 của Trung Quốc ngày 1/6 truy cản, phun nước rồi đâm thẳng vào tàu CSB 2016 của Việt Nam làm tàu này bị thủng 4 chỗ. Nguồn: Cảnh sát biển Việt Nam
TP - Hôm qua, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, nói Trung Quốc cần rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng lực lượng hộ tống về nước và có thái độ tích cực để giải quyết vấn đề với Việt Nam thông qua đối thoại.

Ông Daniel Russel tuyên bố như trên trong cuộc họp báo qua điện thoại từ Trung tâm báo chí tại Tokyo (Nhật Bản) của Bộ Ngoại giao Mỹ, với sự tham dự của một số nhà báo châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có PV Tiền Phong.

 

Vừa tham dự nhiều cuộc họp của các quan chức ASEAN tại Yangon, Myanmar, ông Russel nói rằng, trong các cuộc họp với quan chức ASEAN về vấn đề an ninh, tình hình biển Đông, ông đã đưa ra một số đề xuất mang tính xây dựng để giải quyết những căng thẳng hiện nay, như việc sử dụng tòa án quốc tế để giải quyết sự mơ hồ trong các tuyên bố chủ quyền hiện nay của Trung Quốc. Ông Russel cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông có tính ràng buộc lâu dài mà ASEAN đang tích cực thúc đẩy để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, xung đột trên biển Đông. Đây cũng là một trong những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm triển khai chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương.

Trả lời câu hỏi của báo giới về giới hạn đe dọa khiến Mỹ có thể can dự quân sự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Russel nói rằng, Tổng thống Obama trong chuyến thăm châu Á hồi tháng 4 đã đưa ra tuyên bố thẳng thắn về vấn đề này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhiều quan chức khác của Mỹ cũng đã nói rõ ràng về hai vấn đề.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc cần rút giàn khoan về ảnh 1 Ông Daniel Russel - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ nhất, Mỹ là cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội, chính trị... Ông Russel nói rằng, Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác ở châu Á - Thái Bình Dương đang hưởng lợi từ sự hiện diện quân sự và quan hệ đồng minh của Mỹ ở khu vực. Ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện như vậy trong tương lai, và chính sách của Mỹ không phải tạo ra chiến tranh mà là “phòng ngừa chiến tranh”.

Thứ hai, trong thế kỷ 21 phát triển năng động, không có lý do gì mà các tranh chấp không thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Giải quyết hòa bình và bằng con đường ngoại giao là cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế, những cơ chế mà ASEAN và các nước khác đã tạo ra.

Không thể chấp nhận đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực

Trả lời phóng viên tạp chí Caixin (Trung Quốc) đề nghị bình luận trước những tuyên bố Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc nước này đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, ông Russel nói rằng, quan điểm của Mỹ không đứng về phía Việt Nam hay Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, ông và các quan chức tham dự những cuộc họp của ASEAN vừa qua đều nhất trí cho rằng, các bên liên quan trong xung đột hiện nay cần có thái độ tích cực, cần đối thoại với nhau để giải quyết những khác biệt. Ông Russel nói rằng, Trung Quốc cần rút giàn khoan và đội tàu hộ tống về nước, nhằm giảm căng thẳng, thúc đẩy giải quyết qua con đường ngoại giao.

Liên quan những hoạt động giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình trên các đảo, đá ở biển Đông, ông Russel nhấn mạnh nguyên tắc mà ASEAN và Trung Quốc đã đồng thuận với nhau trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 là giữ nguyên hiện trạng của các thực thể trong vùng biển tranh chấp. Bất kỳ hành động nào nhằm thay đổi hiện trạng đều đi ngược lại cam kết này.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng và là nguồn dự trữ sinh vật biển quý giá của thế giới, vì vậy khu vực này cần được bảo đảm tự do, an toàn và quản lý theo cách thức có trách nhiệm. Để giải quyết những khác biệt liên quan vùng biển này, các nước có thể sử dụng con đường ngoại giao hoặc các cơ chế quốc tế. “Đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực để khẳng định các tuyên bố chủ quyền là không thể chấp nhận được”, ông Russel nói.

Mỹ phản đối dùng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, về tình hình khu vực và quốc tế, cuộc họp Đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 27 (diễn ra ngày 10/6 tại Myanmar) đã tập trung chia sẻ ý kiến về các diễn biến phức tạp diễn ra tại biển Đông.

Phía Mỹ khẳng định ủng hộ các quan điểm của ASEAN như được thể hiện trong Tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày 10/5, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng gia tăng đã ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải của khu vực.

Mỹ phản đối các hành động đơn phương,sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ; theo đó, ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế; ASEAN và Trung Quốc cần phải đàm phán thực chất để đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông mang tính ràng buộc…


MỚI - NÓNG