Trung - Nhật đồng ý giảm căng thẳng

TP - Trung Quốc và Nhật Bản vừa đồng ý giảm căng thẳng vì tranh chấp chuỗi đảo trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh nói rằng, một cơ chế quản lý khủng hoảng đã được lập ra để ngăn tình hình xấu đi.
Trung - Nhật đồng ý giảm căng thẳng ảnh 1

Tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và tàu hải giám của Trung Quốc áp sát nhau gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9/2012. Ảnh: Kyodo

Ngày 7/11, BBC dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông báo rằng, các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được đồng thuận 4 điểm, trong đó thừa nhận đang tồn tại “quan điểm khác biệt” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát. Hai bên đồng ý “ngăn ngừa tình hình xấu đi thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý khủng hoảng để tránh các tình huống bất ngờ”, thông báo viết.

Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trở nên đặc biệt căng thẳng trong 2 năm qua, kích động chủ nghĩa dân tộc ở cả Nhật Bản và Trung Quốc, khiến quan hệ kinh tế cũng bị tổn hại. Quần đảo này không chỉ nằm gần các tuyến hàng hải quan trọng mà còn là ngư trường phong phú và có tiềm năng trữ lượng dầu khí lớn. Năm 2012, việc chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo này từ chủ sở hữu tư nhân đã châm ngòi cho một làn sóng biểu tình tại Trung Quốc.

Đến tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm cả quần đảo để yêu cầu mọi máy bay hoạt động trong khu vực này đều phải tuân thủ quy tắc của Bắc Kinh. Nhật Bản coi động thái này là sự “leo thang đơn phương” và tuyên bố sẽ phớt lờ. Ngoài ra, hai nước cũng bất đồng về vấn đề quan điểm lịch sử Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Đột phá ngoại giao

Thỏa thuận nói trên được coi là bước đột phá ngoại giao mà báo chí Nhật Bản cho rằng có thể dẫn đến cuộc gặp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22, diễn ra đầu tuần tới tại Bắc Kinh.  

Báo chí Nhật Bản hôm qua đưa tin, ông Abe và ông Tập sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tuần tới. Nếu cuộc gặp diễn ra đúng như báo chí Nhật Bản nêu, đây sẽ là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của hai nước gặp gỡ từ khi họ lên nắm quyền (năm 2012 và 2013). “Giờ đây, chúng tôi đã chia sẻ hiểu biết chung về cuộc gặp thượng đỉnh, chúng tôi sẽ bắt đầu hiện thực hóa điều đó”, Đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK dẫn nguồn từ chính phủ nước này. 

Tokyo lâu nay đề nghị một cuộc gặp như vậy, nhưng Bắc Kinh không đồng ý vì hai bên vẫn bất đồng vì tranh chấp lãnh thổ và bất đồng quan điểm lịch sử. Hãng tin AP đưa tin, để có cuộc gặp thượng đỉnh này, Bắc Kinh yêu cầu ông Abe không đến thăm ngôi đền thờ chiến tranh tại Tokyo, nơi đang thờ cúng nhiều tội phạm chiến tranh của Nhật Bản. Tokyo cũng phải thừa nhận sự tồn tại của tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi các tàu bán quân sự của cả hai nước luôn có nguy cơ đụng độ trong suốt 2 năm qua. 

Liên quan các chuyến thăm của ông Abe đến ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi, AP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Trên tinh thần “thẳng thắn đối diện với lịch sử và hướng tới tương lai”, hai bên đã đạt được một số đồng thuận để vượt qua các trở ngại chính trị trong quan hệ song phương”.

Theo AP, thông báo chính thức của cả hai nước không đề cập cuộc gặp thượng đỉnh như báo chí Nhật Bản nêu. Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: “Đối với vấn đề liên lạc giữa lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản, chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ tiếp tục chuyển động cùng hướng với Trung Quốc. Nhật Bản nên có các bước đi thực chất và nỗ lực cải thiện quan hệ song phương, nhằm tạo môi trường cần thiết để hai nhà lãnh đạo tiếp xúc”.

Phát biểu sáng qua, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định, Tokyo sẽ không thỏa hiệp về nguyên tắc (liên quan quần đảo tranh chấp và cam kết tránh xa ngôi đền), nhưng nói rằng, cần phải có đối thoại. “Quan điểm của nước chúng tôi chưa thay đổi. Vì còn nhiều vấn đề giữa hai nước nên điều quan trọng là các lãnh đạo phải đối thoại thẳng thắn”, ông Suga nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.