Trừng phạt Nga: Kẻ rắn, người bênh

 Lính Nga chốt gần căn cứ quân sự tại Simferopol, thủ phủ Crimea. ảnh : Getty Images
Lính Nga chốt gần căn cứ quân sự tại Simferopol, thủ phủ Crimea. ảnh : Getty Images
TP - Lầu Năm Góc ước tính 80.000 binh sĩ Nga đang tập trung sát biên giới Ukraine, trong khi một quan chức an ninh Ukraine nói con số này lên tới 100.000.

Một số quan chức Mỹ đòi tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga do lo ngại Mátxcơva sẽ đoạt thêm lãnh thổ Ukraine, báo Mỹ Wall Street Journal ngày 28/3 tường thuật.

Cùng ngày, Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych kêu gọi trưng cầu dân ý tại tất cả các địa phương của Ukraine. Theo tờ Washington Times, một số thượng nghị sĩ Mỹ muốn Tổng thống Barack Obama viện trợ vũ khí hạng nhẹ và thiết bị thông tin cho Ukraine.

Một nhóm thượng nghị sĩ gồm cả Dân chủ và Cộng hòa kêu gọi hủy hợp đồng mua máy bay trực thăng trị giá hơn 1 tỷ USD của hãng Rosoboronexport. Lãnh đạo Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine Andriy Parubiy hối thúc phương Tây trừng phạt nặng tay hơn các quan chức chính phủ và doanh nhân quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong khi đó, các nước còn lại trong nhóm các nền kinh tế mới nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi (BRICS) tiếp tục phản đối việc Mỹ và phương Tây gia tăng sức ép trừng phạt đối với Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea. Khối BRICS cũng chỉ trích đề xuất tẩy chay không cho Mátxcơva tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Úc vào tháng 11.

BRICS nằm trong số 58 nước bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết “Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) sáng 28/3. Theo Globe and Mail (Canada), bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân ở La Hay (Hà Lan) vừa kết thúc, các ngoại trưởng BRICS đã ra tuyên bố không ủng hộ việc phương Tây tăng cường trừng phạt Nga.

BRICS cho rằng các lệnh trừng phạt và trả đũa, cùng vũ lực sẽ không thể giúp mang lại một giải pháp bền vững và hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. BRICS nhất trí những thách thức hiện nay trong nội bộ các khu vực của các quốc gia BRICS phải được từng bước giải quyết trong khuôn khổ LHQ.

Trung Quốc (vốn có quan hệ khăng khít với Nga) cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine phức tạp hơn nhiều so với cách diễn đạt của các nước phương Tây. Là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc không bày tỏ ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Còn Ấn Độ tuyên bố không thể chấp nhận chính sách mới nhằm răn đe Mátxcơva theo kiểu Chiến tranh Lạnh.

Ngay một số nước phương Tây cũng tỏ ra không đồng tình với việc dồn ép Nga quá đáng. Ngày 27/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, việc trừng phạt thêm Nga là không cần thiết, đồng thời bày tỏ hy vọng những biện pháp hiện có đã đủ để kiềm chế Nga.

Bà Merkel nêu rõ EU sẽ có hành động cứng rắn với Nga nếu cần thiết, song bà hy vọng EU sẽ không phải dùng tới những đòn trừng phạt tiếp theo, cũng như bác bỏ một giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Thủ tướng Đức khẳng định cuộc khủng hoảng Ukraine cần phải được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị thay vì áp đặt thêm trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại với Nga.

Đến nay, các biện pháp trừng phạt Nga của EU mới chỉ giới hạn ở mức hạn chế thị thực và phong tỏa tài sản cá nhân chứ chưa đến “cấp độ ba” tức là trừng phạt kinh tế như một số quan chức khối này đe dọa.

Giới quan sát nhận định, EU sẽ khó có khả năng thống nhất về áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế với Mátxcơva do lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng của chính EU. Thực tế, nhiều nước EU phụ thuộc đáng kể vào nền kinh tế Nga, từ lĩnh vực năng lượng, cho tới tài chính, thương mại, đầu tư.

Ông Yanukovych yêu cầu trưng cầu dân ý toàn Ukraine

Hãng tin Nga ITAR-TASS ngày 28/3 đưa tin, ông Yanukovych kêu gọi trưng cầu dân ý tại mỗi địa phương để người dân quyết định quy chế chính trị. “Với tư cách tổng thống…, tôi kêu gọi mỗi công dân Ukraine có lương tri đừng để lũ bịp bợm lợi dụng các bạn”, ông Yanukovych nói. Ông cũng nhắc lại tuyên bố mình vẫn là tổng thống của Ukraine và cuộc bầu cử tổng thống ngày 25/5 tới là bất hợp pháp.

MỚI - NÓNG