Trung Quốc: 71% phụ nữ bị quấy rối tình dục?

Trung Quốc: 71% phụ nữ bị quấy rối tình dục?
(TPO) Mới đây, một khảo sát ở Trung Quốc đã chỉ ra khoảng 71% phụ nữ nước này bị quấy rối tình dục trong cuộc sống hàng ngày.

Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát, tình trạng quấy rối tình dục thường xảy ra ở 2 địa điểm chính: trên các phương tiện giao thông công cộng và công sở.

Bà Zhou Meizhen - Chuyên gia tư vấn đường dây nóng về tình trạng ngược đãi phụ nữ và trẻ em - cho biết: “Hầu như tất cả các phụ nữ được phỏng vấn đều trả lời họ bị quấy rối tình dục ít nhất một lần trên xe bus. Chúng tôi đã tư vấn cho các chị em cách tự bảo vệ mình và động viên họ phải dũng cảm lên tiếng chống lại hành động của những kẻ cố ý làm tổn hại đến người khác hơn là cứ giữ im lặng".

Trong số những trường hợp này, quấy rối tình dục nơi công sở diễn ra thường xuyên và phức tạp hơn. Nếu như ở các nơi công cộng, các yêu râu xanh thường lợi dụng “sờ mó” thì ở công sở, hiện tượng này diễn ra một cách có hệ thống với tần suất cao hơn.

Thủ phạm quấy rối tình dục công sở thường là các sếp nam với nhân viên nữ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cấp trên là phái đẹp và đối tượng bị quấy rối là... đấng nam nhi dưới quyền.

Về vấn đề này, bà Zhou lo ngại: “Người phụ nữ thường ngừng hành động quấy rối của mình nếu những “nỗ lực” đơn phương không được đáp lại. Nhưng với người đàn ông thì khác, các “sếp” sẵn sàng dùng bạo lực, thậm chí là phạm tội để thỏa mãn điều theo đuổi.

Để tránh sự xâm hại, nhiều phụ nữ không còn cách lựa chọn nào khác là phải bỏ việc. Chị Ming Xia (tên giả) cho biết đã phải bỏ việc ở Bắc Kinh về mở cửa hàng kinh doanh vì không thể chịu đựng được hành vi quấy rối tình dục của sếp.

Chị Ming tiết lộ: “Ngày nào cũng vậy, ông ta cứ đi lên rồi đi xuống, nhìn chằm chặp vào tôi từ đầu đến chân như thể muốn ăn tươi nuốt sống tôi vậy”. Cũng lâm vào tình trạng này, Duan Lin - một kế toán địa phương -không khỏi ngần ngại khi kể rằng, một trong những đồng nghiệp cũ của cô đã phải rời nơi làm việc vì lý do tương tự.

Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng dám đi đến quyết định khó khăn này. Vì sợ mất việc, phần lớn các chị em chọn giải pháp im lặng trước những hàng vi bất nhã của cấp trên.

Bà Ge Shannan - Luật sư thường xuyên đại diện cho những phụ nữ bị quấy rối tình dục - cho rằng những phụ nữ gọi điện đến đường dây nóng cầu cứu thường là những người không thể chịu nổi lâu hơn nữa. Tuy nhiên, họ lại không biết phải giải quyết như thế nào?

Họ phải đối mặt với rất nhiều sức ép. Họ sợ bị mất việc nếu sếp trả thù. Những lo lắng có cơ sở này sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động cũng như làm nảy sinh những mối bất hòa với gia đình, đồng nghiệp, cũng như tác động tiêu cực đến tâm lý yêu đương.

Trước thực trạng đang ngày một phổ biến này, Trung Quốc đang nỗ lực hoàn thiện và ban hành luật chống xâm hại, quấy rối tình dục. Đây cũng là vấn đề được đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ Nhân quyền và Quyền phụ nữ (LPRIW) sửa đổi và là một trong những chương trình nghị sự pháp luật trong năm 2005.

Nếu được Quốc hội thông qua (dự kiến vào cuối năm nay), đây sẽ là lần đầu tiên vấn đề tế nhị này xuất hiện trong hệ thống luật pháp của Trung Quốc. Theo nội dung bản sửa đổi dự thảo, tất cả các công sở phải thực hiện nghiêm các biện pháp để ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục nói chung, đặc biệt là đối với phụ nữ nói riêng.

MỚI - NÓNG