Trung Quốc: Anh cả sa lưới, cả nhà “ngã ngựa”

Vương Hồng Cảnh và anh trai Vương Bảo An (ảnh nhỏ).
Vương Hồng Cảnh và anh trai Vương Bảo An (ảnh nhỏ).
TP - Sau khi Vương Bảo An - Cục trưởng Thống kê quốc gia Trung Quốc “ngã ngựa”, nhiều người thân của ông ta cũng lần lượt bị bắt giữ điều tra.

Bị bãi chức sau 40 ngày

Ngày 22/3/2017, Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc ra thông báo: vụ án Vương Hồng Cảnh, Phó thị trưởng thường trực thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam phạm tội nhận hối lộ đã được ủy quyền cho Viện kiểm sát thành phố Chu Khẩu hoàn tất việc điều tra để khởi tố đưa ra xét xử. Đáng chú ý, Vương Hồng Cảnh chính là em trai của Vương Bảo An, nguyên Cục trưởng Thống kê quốc gia Trung Quốc (đã bị ngã ngựa), Cảnh chỉ mới ngồi vào ghế Phó thị trưởng đúng 40 ngày thì bị
bãi chức…

Theo trang web của Viện kiểm sát tối cao, Cảnh là trường hợp điển hình của hiện tượng thăng cấp kiểu “hỏa tiễn”, cứ 2-3 năm thăng một cấp, tốc độ cực nhanh. Cuối tháng 1/2016 được bổ sung vào ban thường vụ thành ủy Tiêu Tác, bổ nhiệm chức Phó thị trưởng thường trực, sau đúng 40 ngày, đến 1/3 thì bị bãi chức, nên được báo chí gọi là “Phó thị trưởng đoản mệnh nhất”.

Vương Hồng Cảnh sinh tháng 2/1967, quê huyện Lỗ Sơn, Hà Nam, tốt nghiệp Đại học Trịnh Châu, nghiên cứu sinh kinh tế ở Đại học Tài kinh-Chính pháp Trung Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, Cảnh liên tục công tác ở thành phố quê hương Bình Đỉnh Sơn, Hà Nam, từng giữ các chức Phó phòng nghiên cứu thành phố, Bí thư huyện ủy Bảo Phong, Ủy viên thường vụ, Phó thị trưởng Bình Đỉnh Sơn…trước khi về Tiêu Tác.

Việc Vương Hồng Cảnh liên tục thăng tiến và bất ngờ ngã ngựa có liên quan đến người anh trai Vương Bảo An. An hơn Cảnh 4 tuổi, trước đây công tác dài ngày tại Tổng cục Thuế nhà nước và Bộ Tài chính, từng là thư ký của Bộ trưởng, tháng 12/2009 được bổ nhiệm Trợ lý Bộ trưởng, tháng 2/2012 làm Thứ trưởng Bộ Tài chính, đến tháng 4/2015 được bổ nhiệm Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Thống kê quốc gia (cơ quan cấp bộ).

Ngày 26/8/2016, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật (UBKTKL) Trung ương Trung Quốc ra thông báo Vương Bảo An bị “song khai” (đình chỉ chức vụ, cách ly điều tra), trong đó nêu rõ: “Vương Bảo An không có niềm tin chính trị, chìm đắm trong hoạt động mê tín dị đoan, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị, phát biểu đi ngược lại tinh thần của trung ương trong các vấn đề lớn, đối kháng sự thẩm tra của tổ chức, đạo đức suy đồi, phóng tay đổi quyền lấy sắc, đổi tiền lấy sắc”. Thông báo cũng chỉ rõ An đã lợi dụng ảnh hưởng của chức vụ để mưu cầu lợi ích cho người thân trong việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ. 1 tháng sau, Viện kiểm sát tối cao sau khi điều tra đã quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với An.

“Ngã ngựa” dây chuyền

Sau khi Vương Bảo An “ngã ngựa”, nhiều người thân của ông ta cũng lần lượt bị bắt giữ điều tra. Ngoài Vương Hồng Cảnh, một người em trai khác của Vương Bảo An là “nhị đệ” Vương Hoằng Hy, Bí thư quận ủy Trạm Hà, thành phố Bình Đỉnh Sơn cũng bị bắt điều tra ngay trong dịp Tết 2016. Vương Hoằng Hy sau khi tốt nghiệp Trường cán bộ hành chính thành phố Bình Đỉnh Sơn năm 1993 được điều về Cục Tài chính thành phố làm việc. 5 năm sau, với tư cách một nhân viên ở Cục Tài chính thành phố, Hy được đưa xuống “rèn luyện” tại thị xã Vũ Cương - một đơn vị trực thuộc cấp huyện với chức Phó Cục trưởng Tài chính thị xã. Đến tháng 10/2000, Hy lần lượt được bổ nhiệm liên tiếp các chức Cục trưởng Tài chính, Phó Thị trưởng, Ủy viên thường vụ thị ủy, Chành văn phòng thị ủy Vũ Cương, rồi Ủy viên thường vụ, Phó chủ tịch thường trực, Chủ tịch huyện Hiệp.

Trung Quốc: Anh cả sa lưới, cả nhà “ngã ngựa” ảnh 1

Vương Hoằng Hy.

Tháng 10/2013. Vương Hoằng Hy kết thúc 13 năm làm lãnh đạo dưới cơ sở, được điều trở lại giữ chức Bí thư đảng ủy, Cục trưởng Tài chính Bình Đỉnh Sơn, sau 1 năm được bổ nhiệm Bí thư quận ủy Trạm Hà.

Tại Bình Đỉnh Sơn, mọi cán bộ và người dân ai cũng biết về mối quan hệ anh em của bộ ba An - Cảnh - Hy. Hai người em giữ chức vụ lâu dài ở địa phương, tuy chức vụ cao thấp khác nhau, nhưng tiếng xấu thì giống nhau, Vương Hoằng Hy sau khi trở thành Cục trưởng Tài chính thành phố liền trở nên ngông cuồng, không coi người lãnh đạo thành phố chủ quản lĩnh vực tài chính ra gì, điển hình trong việc quyết định phá dỡ nhà làm việc và khu cư xá gia đình của Cục Tài chính. Cuối năm 2016, UBKTKL tỉnh ủy Hà Nam ra thông báo: trong thời gian từ 2003 đến 2014, Vương Hoằng Hy đã nhận hối lộ của 15 người số tiền 777 ngàn NDT (2,27 tỷ VND).

Ngoài hai người em trai, vợ của Vương Bảo An là Hoắc Tiêu Vũ, Phó chủ tịch Công ty Ngân Hà chứng khoán cũng bị bắt điều tra. Ngày 31/1/2016, Ngân Hà chứng khoán phát đi thông báo: “Hội đồng quản trị gần đây nhận được thông báo Phó chủ tịch Hoắc Tiêu Vũ vì lý do cá nhân hiện đang phối hợp với cơ quan tư pháp”. Đến ngày 29/7/2016, Hoắc Tiêu Vũ bị Ngân Hà chứng khoán thông báo bãi chức và chấm dứt hợp đồng làm việc.

Trung Quốc: Anh cả sa lưới, cả nhà “ngã ngựa” ảnh 2

Hoắc Tiêu Vũ vợ Vương Bảo An.

Hoắc Tiêu Vũ sinh năm 1966, Thạc sĩ Quản lý công thương. Sau khi tốt nghiệp đại học công tác tại Vụ Tài chính giao thông từ 1988 đến 1991, từ 1991 đến 2002 chuyển về Công ty đầu tư tín thác phát triển kinh tế Trung Quốc, leo lên đến chức Phó Tổng giám đốc Cục cho vay công thương; từ năm 2002 chuyển về Công ty Ngân Hà chứng khoán và thăng tiến rất nhanh, từ tháng 8/2007 giữ chức Phó chủ tịch Công ty Ngân Hà chứng khoán, phụ trách nghiệp vụ giao dịch quốc tế; từ tháng 6/2011 kiêm nhiệm Chủ tịch Ngân Hà Quốc tế, nổi tiếng là “Chủ tịch mỹ nữ”.

Nhân vụ việc “gia tộc tham nhũng Vương Bảo An”, tờ “The Paper” ngày 23/3 cho rằng: Qua phân tích các đại án tham nhũng từ sau Đại hội 18 thấy rằng, hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật của các quan tham thường có sự tham gia của người nhà, tạo thành “phu thê bang”, “phụ tử binh”, thậm chí “toàn gia tổng động viên”. Họ không đoàn kết cùng nhau tạo sự nghiệp mà là “kết đoàn tham ô, nhận hối lộ, vơ vét đục khoét, khiến tất cả lâm vào con đường cùng”. Hiện tượng này khiến người ta đau lòng, suy nghĩ…và trở thành vấn đề mới mẻ trong cuộc chiến “đả Hổ”.
Theo Theo The Paper
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.