Trung Quốc: Các nhóm lợi ích thao túng chính trường

TP - Ngày 18/3, tại Diễn đàn vĩ mô về phát triển Trung Quốc, ông Dương Hiểu Độ, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, Bộ trưởng Bộ Giám sát đã cảnh báo: “Có một số chủ tư bản hy vọng sau khi nắm được quyền lực về kinh tế thì mưu giành quyền lực về chính trị. Đó là điều rất nguy hiểm”.

Đây là lần thứ hai, một quan chức cấp cao Trung Quốc đề cập đến vấn đề này. Lần trước, vào tháng 2, ông Tập Cận Bình cũng đã cảnh báo về nguy cơ của các “tập đoàn lợi ích” bủa vây. Tờ “Pháp chế Buổi chiều” ngày 19/3 đã đăng bài phân tích về vấn nạn này hiện nay, cho rằng: thương nhân mưu quyền hiện nay có hai loại: trực tiếp cướp lấy quyền lực và lợi dụng danh nghĩa quan chức để làm “trưởng ban tổ chức ngầm”. 

Trung Quốc: Các nhóm lợi ích thao túng chính trường ảnh 1

Nữ thương gia “biến thành” phó huyện trưởng Vương Huy.

Nữ thương gia “biến thành” phó huyện trưởng

Khi nói về “chặt đứt nhóm lợi ích hình thành do quan - thương cấu kết” ông Dương Hiểu Độ đã vạch rõ: một số ông chủ rất thích kết thân với quan chức chính quyền, có hai hiện tượng không bình thường: thứ nhất, nhà tư bản hy vọng được quan tâm, chiếu cố, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh công bằng của kinh tế thị trường; thứ hai, sau khi nắm được quyền về kinh tế thì mưu giành quyền về chính trị, đó là điều đặc biệt nguy hiểm.

Huyện Văn Thủy, thành phố Lã Lương, Sơn Tây có một bà chủ tên Vương Huy, năm 1992 cùng chồng đi nơi khác thành lập một tập đoàn công ty. Sau 15 năm kinh doanh, năm 2007, Vương Huy bước vào quan trường thành công, tháng 4/2010 là Phó chủ tịch Chính Hiệp (mặt trận), tháng 6/2011 chuyển sang làm Phó huyện trưởng (phó chủ tịch ủy ban).

Theo lời quan chức địa phương thì trong thời gian làm ăn ở Bắc Kinh, Huy đã mở rộng giao du, làm quen với Nhiếp Xuân Ngọc, Bí thư thành ủy Lã Lương rồi được Ngọc đưa về quê làm quan. Tờ “Quan sát kinh tế” kể lại, khi bầu cử Phó chủ tịch Chính Hiệp, một vị ủy viên nói: “Lãnh đạo thành ủy nói với Bí thư huyện ủy: bầu Vương Huy làm Phó chủ tịch Chính Hiệp là một nhiệm vụ chính trị, nếu cô ấy không trúng thì anh đừng làm Bí thư nữa, Chủ tịch Chính Hiệp cũng đi luôn”.

Ông Vương Chí Cương, chủ tịch Chính Hiệp huyện khi đó còn được một vị Phó Ban tổ chức thành ủy gọi lên yêu cầu “giữ được cục diện tốt, nhất định phải bầu cử thành công”. Sau đó, Chính Hiệp huyện phải họp các ủy viên là đảng viên lại, yêu cầu “nhất trí với thành ủy”. Cuối cùng, khi bỏ phiếu, là ứng cử viên duy nhất, Vương Huy được 120/197 phiếu ủng hộ.

Năm 2011, khi Nhiếp Xuân Ngọc thăng tiến vào Ban thường vụ tỉnh ủy, quyền lực lớn hơn, Vương Huy cũng được giới thiệu làm Phó huyện trưởng. Để đảm bảo Huy trúng cử, huyện yêu cầu các chủ tịch xã, thị trấn phải đảm bảo kiểm soát được phiếu bầu, nơi nào để mất phiếu hay xảy ra vấn đề thì người đó sẽ bị cách chức. Như thế là chỉ sau 4 năm, một bà chủ công ty đã trở thành Phó huyện trưởng, quan lộ cực kỳ hanh thông.

Trung Quốc: Các nhóm lợi ích thao túng chính trường ảnh 2

Lưu Hán khóc sau khi nghe bị tuyên án tử hình.

Trùm xã hội đen vào Chính Hiệp tỉnh

Vương Huy ở Sơn Tây chưa là gì nếu so với Lưu Hán ở Tứ Xuyên. Vụ án tập đoàn xã hội đen Lưu Hán, Lưu Duy từng nổi tiếng khắp Trung Quốc (cả hai và đồng bọn đã bị hành quyết ngày 9/2/2015), trong đó người anh Lưu Hán là Ủy viên thường vụ Chính Hiệp tỉnh.

Theo báo chí, từ năm 1993, anh em Hán, Duy và đồng bọn thông qua việc lập các sòng bạc, kinh doanh vật liệu xây dựng, bán buôn… dần dần hình thành thực lực kinh tế hùng mạnh. Năm 2000, Hán chuyển trụ sở Tập đoàn Hán Long của y tới Thành Đô, tiến hành kinh doanh mỏ, điện lực, chứng khoán… để làm giàu.

Đồng thời y rải tiền, thâm nhập được vào tổ chức chính quyền địa phương, giành được ghế Ủy viên Chính Hiệp tỉnh khóa 9, Ủy viên thường vụ 2 khóa 10 và 11; một kẻ đàn em của y trở thành đại biểu HĐND tỉnh, Ủy viên thường vụ HĐND thành phố Đức Dương. Với chức Ủy viên thường vụ Chính Hiệp tỉnh, Lưu Hán đã sử dụng bạo lực vơ vét được 40 tỷ NDT (132 ngàn tỷ VND), mua hàng trăm xe hơi, có nhiều siêu xe Roll Royce, Benley, Ferrari…và hoành hành cướp bóc tàn bạo.

Năm 2009 khi xảy ra vụ án bắn chết người ở giữa phố Quảng Hán, lần theo manh mối, cảnh sát gọi người can Lưu Duy lên thẩm vấn, Lưu Hán lấy danh nghĩa gọi điện cho lãnh đạo công an tỉnh nói: “Tôi đang đợi chú nó về nhà ăn cơm”, chỉ 1 giờ sau Duy được thả ra. Do sự cản trở của Hán nên hung thủ là em trai y suốt 5 năm ung dung ngoài vòng pháp luật. Năm 2014, sau khi Lưu Hán bị kết án tử hình, tờ “Đệ nhất tài kinh nhật báo” đã điểm lại trong 10 năm có 23 vụ thương nhân dính đến xã hội đen, trong đó 10 người là đại biểu HĐND và Ủy viên Chính Hiệp, 9 người là “nhà từ thiện”, có người thậm chí là “nhà từ thiện” nổi tiếng cả nước.

Trung Quốc: Các nhóm lợi ích thao túng chính trường ảnh 3

Triệu Tấn – doanh nhân khiến 6 quan chức Trung Quốc “ngã ngựa”.

Thương gia là “Trưởng ban tổ chức ngầm”

Còn có một loại thương nhân giành quyền lực bằng hình thức giấu mặt nguy hiểm không kém: núp sau lưng quan chức, đóng vai trò “Trưởng ban tổ chức ngầm”, thao túng chính trường. Tháng 9/2016, tờ “Pháp chế Nhật báo” đã điểm mặt một loạt thương nhân kiểu này: Lưu Vệ Cao, Triệu Tấn, Từ Minh, Chu Bân…

Gần đây, khi nhiều quan tham bị quật ngã thì các “Trưởng ban tổ chức ngầm” đó dần dần lộ mặt. Nhân vật điển hình là Triệu Tấn, kẻ đã tạo ra nhóm lợi ích rộng lớn, khiến có ít nhất 6 quan chức cấp tỉnh, bộ dính chàm, trong đó có 3 người Tấn gọi là “cha”, gồm: bố đẻ là Triệu Thiếu Lân (nguyên Ủy viên thường vụ, Tổng thư ký tỉnh ủy Giang Tô), “bố nuôi” Hà Gia Thành (Phó giám đốc thường trực Học viện Hành chính quốc gia) và nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Chu Bản Thuận, chồng của “mẹ nuôi” Tấn.

Đám này quan hệ, cấu kết với nhau để mưu lợi. Ví dụ, Vương Mẫn lợi dụng chức vụ tạo điều kiện cho Tấn khai thác thị trường địa ốc và giúp sắp xếp, đề bạt những người Tấn giới thiệu…

Một nhân vật khác là Trương Tân Minh, Chủ tịch Tập đoàn than Kim Nghiệp, Sơn Tây, kẻ có các biệt danh: “Người giàu nhất Sơn Tây”, “Vua cờ bạc Sơn Tây”, “Trưởng ban tổ chức ngầm Thái Nguyên”… Tờ “Thời báo Hoa Hạ” viết: “Minh rất ngang ngược, việc gì cũng dám làm, ông ta thậm chí mắng xối xả qua điện thoại một vị Cục phó ở Thái Nguyên, bất chấp những người có mặt xung quanh”. Sơn Tây trở thành “vùng trũng tham nhũng của Trung Quốc”, nguyên nhân quan trọng là do tham nhũng hủ bại trong công tác cán bộ…

MỚI - NÓNG