Giáo sư Uông Tranh:

'Trung Quốc cần học thêm về luật pháp quốc tế'

Giáo sư Uông Tranh.
Giáo sư Uông Tranh.
TP - Lập trường “Bốn không” của Trung Quốc về phán quyết của PCA (Tòa thường trực trọng tài quốc tế La Haye) đã bị nhiều học giả, chuyên gia về luật trên thế giới phê phán gay gắt. Giáo sư người Trung Quốc Uông Tranh hiện là Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Hòa bình và xung đột thuộc trường Seton Hall University (Mỹ) là một trong số đó.

Giáo sư Uông Tranh là một học giả rất uy tín trong giới học thuật người Hoa cũng như quốc tế, đã viết bài: “Vụ án trọng tài Nam Hải (tức biển Đông): Trung Quốc cần học thêm về luật quốc tế” đăng trên tạp chí nổi tiếng “The Financial Times”. Tiền Phong trích dịch để bạn đọc tham khảo.

Ông Uông Tranh viết: “Gần đây, vụ án trọng tài Nam Hải (tức biển Đông) đã gây nên cuộc thảo luận sôi nổi ở Trung Quốc. Nhiều người công kích về tính công bằng của phán quyết PCA, trong đó có việc lựa chọn các trọng tài và bối cảnh. Thế nhưng, các ý kiến thảo luận đều bỏ qua một vấn đề quan trọng: Đó là, vì sao Trung Quốc lại quyết định không tham gia vụ kiện?

Dưới con mắt của tuyệt đại đa số các học giả quốc tế, đó là một quyết định kỳ cục, khó hiểu. Chính vì chính sách không tham dự đó, Trung Quốc mới mất đi cơ hội được lựa chọn trọng tài và tham gia lập ra ban trọng tài; đồng thời cũng không thể trực tiếp đưa ra những chứng cứ và quan điểm của mình khi biện luận trước tòa.

Thực ra, mấu chốt của vụ này là ở chỗ thái độ đối xử và nhận thức của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế và cơ cấu pháp luật quốc tế. Nhìn lại lịch sử Trung Quốc và luật quốc tế có thể giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới.

Truyền thống bội ước

Năm 1842, hoàng đế Quang Tự nhà Thanh đồng ý ký “Điều ước Nam Kinh” khi các tàu chiến Anh đã đậu trên sông, áp sát Nam Kinh. Quang Tự cho rằng, điều ước chỉ là mảnh giấy, chỉ ký vào nó là có thể khiến người Anh lui binh, là một điều tốt. Ông ta không nhận thức được phải chấp hành tất cả mọi điều khoản trong đó. Việc bùng phát cuộc Chiến tranh Thuốc phiện lần 2 chính là do các điều khoản liên quan trong Điều ước Nam Kinh và Điều ước Hoàng Phố không được nhà Thanh chấp hành. Lần đó, liên quân Anh - Pháp đánh vào Bắc Kinh, hỏa thiêu vườn Viên Minh. Đó là một thời kỳ đen tối trong lịch sử Trung Quốc…

“Nay Trung Quốc trở thành một số các cường quốc, lẽ nào vẫn cứ coi mình là kẻ bị hại bởi luật quốc tế?...Học thêm về luật quốc tế là sự lựa chọn cần thiết của Trung Quốc để có thể thực sự đi tới hiện đại hóa, thực sự trở thành quốc gia toàn cầu hóa và quốc tế hóa”. 

Giáo sư Uông Tranh 

Năm 1973, Trung Quốc bắt đầu đàm phán về Công ước LHQ về Luật Biển  (UNCLOS). Đó là lần đàm phán quốc tế đa phương đầu tiên sau khi Trung Quốc được trở lại LHQ một năm trước đó…Theo Trưởng đoàn Lăng Thanh (người về sau là Phó Tổng thư ký LHQ) nhớ lại, khi đó Trung Quốc quyết định ủng hộ yêu cầu của các nước đang phát triển về quyền có Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và gắn nó với việc chống bá quyền (Liên Xô và Mỹ - TP). Không chỉ như thế, trong những năm 1970, khi Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước Mỹ Latinh đều ghi rõ việc họ bày tỏ ủng hộ quyền có vùng biện 200 hải lý.

Thế nhưng, các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã hoàn toàn quên phắt cái gọi là “Đường 9 đoạn” của mình ở Nam Hải (tức biển Đông)! Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà họ tham gia đàm phán, ký kết đã quy định rõ các quốc gia ven biển có Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nhưng “Đường 9 đoạn” của họ chỉ cách bờ biển của các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines chỉ từ 24 đến 75 hải lý. Trung Quốc đã ký vào một điều ước mâu thuẫn rõ rệt với yêu sách chủ quyền của mình. Trên thực tế, chính mâu thuẫn giữa “Đường 9 đoạn” với UNCLOS chính là nguyên nhân căn bản của mọi tranh chấp trên Nam Hải (tức biển Đông) những năm qua.

Các quan chức Trung Quốc không hiểu về PCA

Ngày 22/1/2013, Philippines đơn phương tiến hành thủ tục trọng tài với Tòa án biển quốc tế; rất nhanh chóng, ngày 19/2 Trung Quốc đã thông báo trả lại Philippines yêu cầu trọng tài phân xử và tỏ rõ lập trường “không chấp nhận, không tham dự”, tuyên bố không chấp nhận việc sử dụng cơ chế xử lý tranh chấp theo Công ước vào việc phân định ranh giới biển theo như quy định ở Điều 298 của UNCLOS…

Bây giờ nhìn lại thì thấy, quyết sách mà Trung Quốc vội vàng đưa ra khi đó đã tính lầm xu hướng của PCA. Về căn bản, các quan chức Trung Quốc đã không hiểu biết về lịch sử PCA là một phần cơ chế giải quyết xung đột quốc tế cũng như phương thức và quy trình thành lập cũng như phán quyết của PCA. Những sự vụ về luật vốn rất chuyên nghiệp đó, nhưng các quan chức không có được kiến nghị tốt nhất về chuyên môn, sai lầm khi cho rằng có “Điều 298” là bùa hộ mạng thì sẽ bình an vô sự. Nếu xét về quốc lực, sự chênh lệch giữa hai nước Trung Quốc và Philippines quá lớn, nhưng sự chuẩn bị của hai bên về luật quốc tế cũng chênh lệch quá lớn. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự thắng bại của hai bên.

MỚI - NÓNG