Trung Quốc chống hối lộ núp bóng quà Tết như thế nào?

Gửi tiền lì xì online ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
Gửi tiền lì xì online ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily.
TPO - Quan tham Trung Quốc xưa nay lợi dụng phong tục mừng tuổi dịp Tết Nguyên đán để đưa - nhận hối lộ, lạm dụng xe công…, nhưng giờ phải đối mặt nhiều quy định nghiêm ngặt.

Kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (diễn ra năm 2012), Trung Quốc tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng. Trung Quốc liên tục đưa ra các thông báo, hướng dẫn về kiểm tra-kỷ luật để thanh lọc môi trường chính trị, ngăn các hạt giống tha hóa, biến chất sinh trưởng, phát triển thành "cổ thụ" tham nhũng.

Các biện pháp mạnh

Sau khi Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát dịp Tết Đinh Dậu, các cơ quan kiểm tra-kỷ luật tỉnh Chiết Giang đã đưa hóa đơn chuyển phát nhanh vào hạng mục điều tra để ngăn tình trạng gửi và nhận quà một cách bí mật.

“Chính quyền thành phố Hàng Châu (thủ phủ tỉnh Chiết Giang) đã ký hợp đồng với các công ty quản lý bất động sản, yêu cầu họ quản lý chặt lực lượng bảo vệ các tòa nhà. Tất cả các loại quà tặng, hàng hóa không được phép có mặt trong phòng bảo vệ, phòng tiếp khách”, Xiong Xiong, Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Hàng Châu, cho biết.

Để ngăn tình trạng xe công bị sử dụng cho việc tư, Hàng Châu cho lắp đặt hệ thống GPS (định vị vệ tinh toàn cầu) trên xe của các quan chức thành phố này. “Việc điều xe, lái xe, đỗ xe của mọi chiếc xe công đều nằm dưới sự giám sát của Trung tâm Dịch vụ xe công của Hàng Châu”, Chen Gu, Giám đốc Trung tâm, cho biết.

Quan chức địa phương, kể cả các phó thị trưởng luôn bắt xe buýt hoặc tàu điện ngầm để đi từ cơ quan về nhà hoặc đến dự các sự kiện lớn vào buổi tối. “Họ đã quen với việc đó”, Chen nói.

Một thanh tra địa phương tên là Lou Yunju cũng cho biết, nhiều quan chức tự lái xe riêng của mình đi làm, đạp xe hoặc bắt xe buýt.

Trước Tết Nguyên đán 2017, cơ quan kiểm tra-kỷ luật nhiều thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… cũng ra thông báo yêu cầu đảng viên ngăn chặn tình trạng “tham nhũng lễ tết”.

Một số địa phương như tỉnh Sơn Tây vừa thành lập ủy ban giám sát để thành lập hệ thống tập trung thúc đẩy pháp quyền, tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng, để mắt tới tất cả công chức, Ma Huaide, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học chính trị và Luật Trung Quốc, cho biết.

Ủy ban giám sát cấp tỉnh, thành phố hợp nhất các cơ quan giám sát, phòng chống tham nhũng cũng như các đơn vị xử lý hối lộ, lơ là nhiệm vụ và ngăn ngừa tội phạm liên quan quyền hạn, chức vụ thuộc viện kiểm sát nhân dân. Theo chương trình thí điểm tại Bắc Kinh (trung tâm chính trị), Chiết Giang (nằm trong khu vực kinh tế phát triển), Sơn Tây (nơi tham nhũng tràn lan), các ủy ban giám sát cấp tỉnh sẽ được thành lập xong vào tháng 3/2017, cấp thành phố, cấp huyện vào tháng 6.

Các ủy ban sẽ giúp hạn chế việc lạm dụng quyền lực, cung cấp nhiều giải pháp để giám sát toàn diện tất cả cán bộ, công chức, giáo sư Zhu Lijia, Viện Quản trị Trung Quốc, nhận định.

Không dám nhận cuộc gọi

“Dịp Tết Đinh Dậu, số người biếu quà Tết cũng như số quan chức nhận quà Tết giảm nhiều”, một lãnh đạo thành phố Lễ Lăng, tỉnh Hồ Nam cho biết.

Giám đốc một công ty bất động sản ở tỉnh Phúc Kiến nói rằng, các doanh nghiệp muốn “cảm ơn”, “lại quả”, “bôi trơn” dự án cũng vô kế khả thi. “Quan chức địa phương thậm chí từ chối tiếp khách, từ chối nhận điện thoại, đừng nói đến nhận quà”, vị giám đốc nói.

Ngày 12/1, các quan chức hàng đầu thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam ký thư cam kết từ chối nhận lì xì. Sau đó, tất cả quan chức cấp huyện, thị trấn ở Sâm Châu cũng ký cam kết.

Mánh khóe thời công nghệ cao

Tuy nhiên, việc bí mật sử dụng công quỹ để tặng quà, ăn nhậu, đi du lịch… vào dịp Tết, vẫn diễn ra.

“Một số hình thức mới tinh vi đã xuất hiện. Người ta có xu hướng gửi tiền lì xì qua các dịch vụ thanh toán trực tuyến do Alibay và WeChat cung cấp. Người ta cũng gửi thẻ quà tặng kỹ thuật số để qua mặt cơ quan chống hối lộ”, Chen Hui, lãnh đạo cơ quan kiểm tra-kỷ luật cấp huyện ở tỉnh Phúc Kiến, cho biết.

Việc sử dụng công quỹ để ăn chơi đã chuyển từ nhà hàng, khách sạn sang các địa điểm ít bị chú ý hơn. Một số bữa tiệc lớn thậm chí được tổ chức ở khu dân cư, nhà riêng.

Trong chiến dịch phòng chống đưa-nhận quà bí mật dịp Tết 2017, cơ quan kiểm tra-kỷ luật Phúc Kiến phát hiện hai lãnh đạo làng Yunxi, huyện Dehua sử dụng 193.000 nhân dân tệ (khoảng 640 triệu đồng) từ công quỹ để mua quà tặng người thông qua các công ty chuyển phát nhanh. Hai quan tham này cũng bị phát hiện dùng công quỹ để yến tiệc linh đình tại dinh thự ở nông thôn.

Kể từ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, nước này phát hiện, xử lý hơn 1,16 triệu vụ tham nhũng, trừng phạt gần 1,2 triệu người vi phạm điều lệ Đảng, quy định của nhà nước. Ít nhất 240 quan chức cấp trung ương quản lý đã bị điều tra, trong đó 223 người đã bị trừng phạt. Tháng trước, Ủy ban Kiểm tra-Kỷ luật Trung ương tuyên bố, Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh tay với tham nhũng trong năm nay.

Theo Theo Xinhua, China Daily, Beijing News
MỚI - NÓNG