Trung Quốc: Đau đầu vì nạn tham nhũng trong ngành giao thông

Trung Quốc: Đau đầu vì nạn tham nhũng trong ngành giao thông
TP - Từ năm 1997 đến năm 2005, trong vòng 8 năm đã có 17 vị giám đốc Sở giao thông các tỉnh trên toàn đất nước bị xử lí vì tội tham ô nhận hối lộ, đặc biệt, đã có nhiều quan tham bị tử hình.
Trung Quốc: Đau đầu vì nạn tham nhũng trong ngành giao thông ảnh 1
Lư Vạn Lí bị tuyên án tử hình

Bố tử hình, con vào tù

Năm 1998, Lưu Trung Sơn là Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Tứ Xuyên kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty xây dựng đường cao tốc tỉnh Tứ Xuyên. Thời gian làm Giám đốc Sở, Lưu Trung Sơn đã cấu kết với các nhân vật có “máu mặt” làm giả, khai man giấy tờ nhằm chiếm đoạt tài sản trị giá 10 triệu NDT (khoảng 20 tỉ VNĐ).

Ngoài ra, Lưu Trung Sơn còn lợi dụng chức quyền, nhận hối lộ 54.000 NDT. Với những “thành tích” ấy Lưu Trung Sơn đã bị tuyên án tử hình.

Con trai Lưu Trung Sơn là Lưu Xuyên, cũng bị TAND thành phố Thành Đô tuyên phạt 8 năm tù giam về tội bán thầu và trốn thuế trong thi công công trình giao thông.

Dương Chí Đạt là đảng ủy viên Sở Giao thông tỉnh Hồ Nam Cục trưởng cục quản lý đường cao tốc. Trong thời gian đương chức từ năm 1994 đến tháng 2/2004, y đã nhận hối lộ 38 lần với tổng số tiền gần 30 triệu NDT.

Ngày 31/12/2005, TAND thành phố Trường Sa tỉnh Hồ Nam đã tuyên phạt Dương Chí Đạt mức tù chung thân, thu hồi toàn bộ tài sản cá nhân.

Lương Tiểu Bình là một chuyên gia lĩnh vực giao thông ở Sở Giao thông tỉnh Giang Tô. Lương Tiểu Bình đã tham gia chỉ đạo xây dựng đa số các công trình quan trọng của tỉnh, trong đó có nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Cầu Trường Giang, tuyến cao tốc Thượng Hải – Nam Kinh…

Vì muốn trúng được thầu các công trình, bạn bè Lương Tiểu Bình đã dùng mọi thủ đoạn để hối lộ cho y. Từ năm 1995 đến năm 2004, Lương Tiểu Bình đã 13 lần nhận hối lộ, với số tiền gần 700.000 NDT và 20.000 đô la Mỹ.

Ngày 15/11/2005, Lương Tiểu Bình bị bắt về tội tham ô, nhận hối lộ và phải ngồi “bóc lịch” 12 năm.

Quan tham và 4 quy tắc nhận hối lộ

Lư Vạn Lí, nguyên Giám đốc Sở Giao thông tỉnh Quý Châu - một tham quan có “máu mặt” nhất vừa bị tuyên phạt tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ. Nhiều Cty trong vòng hai năm đã hối lộ cho Lư gần 8 triệu NDT (16 tỉ VNĐ).

Để đảm bảo an toàn, Lư nghiêm ngặt thực hiện 4 nguyên tắc khi nhận hối lộ. Một, đối với đối tượng đưa hối lộ phải có sự lựa chọn. Hai, giữ uy tín, được người khác cho “ăn” thì phải cảm ơn thích đáng. Ba, giữ mối quan hệ lâu dài với kẻ đưa hối lộ. Bốn, khi nhận tiền chỉ có một đối một.

Mặc dù đã tìm mọi cách che giấu tội lỗi nhưng tháng 5/2005 Lư cũng đã bị pháp luật Trung Quốc trừng trị với mức án cao nhất.

Trung Quốc: Đau đầu vì nạn tham nhũng trong ngành giao thông ảnh 2
và Dương Chí Đạt đứng trước vành móng ngựa

Dùng “tứ song” để đẩy lùi tham nhũng

Trước tình trạng tham nhũng ngày càng lan rộng trong lĩnh vực giao thông ở TQ, lãnh đạo các tỉnh Quý Châu, Tứ Xuyên... đã phân tích nguyên nhân rút ra nhiều bài học xương máu trong quản lí cán bộ.

Bài học đầu tiên là do quyền lực quá tập trung vào 1 hoặc bộ phận cán bộ. Khi một lãnh đạo vừa là giám đốc sở giao thông, vừa là bí thư đảng ủy đồng thời kiêm luôn chức tổng giám đốc tổng Cty xây dựng thì “sếp” này có thể mặc nhiên “tung hoành”.

Trước những vấn đề nan giải trên, ban lãnh đạo mới của Sở Giao thông Quý Châu đã chỉ đạo không tập trung quyền hạn vào giám đốc sở giao thông nữa. Sở Giao thông và Cty xây dựng đường cao tốc tách riêng, Sở chỉ quản lí Cty, chứ không chỉ đạo cụ thể thi công công trình như trước kia.

Ngoài ra, Sở sẽ không còn có quyền giám sát, điều động vốn như trước kia mà phải qua các bước thẩm định chặt chẽ của ủy ban phát triển và cải cách của tỉnh. Bốn khâu quy hoạch, thiết kế, mời thầu, thi công phải được công khai hóa, chứ không mờ ám như trước kia.

Theo các chuyên gia giao thông nên áp dụng chế độ quản lí “tứ song” để xây dựng các công trình có chất lượng cao.

Theo đó, đặc biệt coi trọng vấn đề công khai, minh bạch, thắt chặt việc quản lý, sử dụng vốn. Đồng thời sẽ công bố tổng vốn đầu tư, quy mô xây dựng, chất lượng công trình, đường dây nóng phản ánh tiêu cực để toàn xã hội cùng tham gia đôn đốc, giám sát.

Bộ trưởng Bộ Giao thông TQ Lí Thịnh Lâm trong buổi họp cuối tháng 3 bàn về công tác chống tham ô, phủ bại trong ngành giao thông TQ đã một lần nữa nhấn mạnh lời của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về “bốn điều không được phép”:

Một là, không được lợi dụng chức quyền hoặc chức vụ để gây ảnh hưởng, gây áp lực, can thiệp hoặc nhúng tay vào các việc có liên quan tới hoạt động kinh tế trên thị trường như mời thầu công trình xây dựng, mua bán, nhập khẩu thiết bị…;

Hai là, không được phép nhận tiền mặt, séc của các đơn vị, cá nhân trong ngành có liên quan tới chức quyền mình đang nắm giữ;

Ba là, không được kiêm nhiệm tư cách pháp nhân các công trình và dự án công trình sai quy định;

Bốn là, không được để vợ con, họ hàng thân quyến và nhân viên dưới quyền lợi dụng ảnh hưởng chức quyền của bản thân cán bộ để mưu lợi.

Tất cả những cán bộ nếu vi phạm các quy định trên sẽ bị xử phạt nghiêm minh.

MỚI - NÓNG