Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng, cam kết mở cửa

Người dân Trung Quốc đang tập dưỡng sinh trong bầu không khí cực kỳ ô nhiễm. Ảnh: Business Times
Người dân Trung Quốc đang tập dưỡng sinh trong bầu không khí cực kỳ ô nhiễm. Ảnh: Business Times
TP - Lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay thấp hơn các năm trước và hứa sẽ mở cửa thêm nhiều ngành công nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu tăng trưởng được đặt ra cho năm nay là 7%, thấp hơn mức 7,5% của năm ngoái, song song với những nỗ lực nhằm tạo ra một “xã hội khá giả vừa phải”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói trong báo cáo tại kỳ họp thứ 3 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa 12, Xinhua đưa tin. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm ngoái của Trung Quốc là 7,4%, thấp nhất kể từ năm 1990. 

Đảng cầm quyền Trung Quốc đang phải nỗ lực dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phát triển chậm hơn nhưng bền vững hơn, dựa trên dịch vụ và tiêu dùng nội địa. Họ đang cố gắng thay thế mô hình đề cao thương mại và đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghiệp nặng nay đã lỗi thời và khiến không khí, nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Về vấn đề môi trường, Thủ tướng Lý hứa sẽ xử lý vấn đề môi trường “với tất cả sức mạnh của chúng ta”, bằng cách thực hiện nghiêm các luật và quy định về môi trường, xử lý mạnh tay những đối tượng xả thải trái phép. 

Các lãnh đạo Trung Quốc nói rằng, họ thấy thoải mái khi nền kinh tế chậm lại. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mượn cụm từ của người Mỹ nói rằng, đây là tình trạng “bình thường mới”. Nhưng dấu hiệu cho thấy họ lo sợ mối đe dọa chính trị từ tình trạng thất nghiệp gây ra là việc hai lần cắt giảm lãi suất cho vay kể từ tháng 11 năm ngoái và giảm thuế doanh nghiệp, các nhà phân tích nhận định.

Thủ tướng Lý hứa sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn để các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào nền kinh tế sau 3 thập kỷ cải cách theo hướng thị trường, nhưng vẫn bị thống trị bởi các doanh nghiệp nhà nước. Bắc Kinh sẽ giảm một nửa lĩnh vực dịch vụ và sản xuất từ trước đến nay vẫn hạn chế đầu tư nước ngoài.

Vấn đề Hong Kong, Đài Loan

Về nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”, ông Lý Khắc Cường nói rằng, cần phải tuân thủ chặt chẽ Hiến pháp và Luật Cơ bản. Đây là lần đầu tiên vai trò của Hiến pháp Trung Quốc được nhấn mạnh trong báo cáo hằng năm của Thủ tướng khi vấn đề Hong Kong được đề cập. Ông Lý cũng nhắc lại lời hứa “người Hong Kong quản lý Kong Hong” và “quyền tự trị mức độ cao”.

Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời giáo sư Ye Haibo ở Trung tâm Luật Macau và Hong Kong tại Đại học Thâm Quyến cho rằng, phát biểu của ông Lý Khắc Cường không hoàn toàn mới và phù hợp với những phát biểu trước đây của lãnh đạo nước này. Ông Ye cho rằng, ý nghĩa của việc nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp trong bản báo cáo là nhằm nhấn mạnh những tranh cãi trong việc giải thích Luật Cơ bản áp dụng vào các vấn đề cải cách chính trị sẽ được giải quyết theo quy định của Hiến pháp. Về việc nhắc đến khái niệm “một đất nước, hai chế độ” và “người Hong Kong quản lý Hong Kong”, bà Rita Fan Hsu Lai-tai, đại biểu Quốc hội Trung Quốc đến từ Hong Kong, cho rằng, vai trò của Hiến pháp được nhấn mạnh nhằm nhắc nhở người Hong Kong, nhất là sau khi nhiều nhà hoạt động ở đặc khu này lên tiếng đòi độc lập. 

Về vấn đề Đài Loan, ông Lý Khắc Cường nêu rõ, Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối sự độc lập của hòn đảo này, đồng thời khẳng định tiếp tục duy trì quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình đúng hướng. 

Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động cải tạo ở Trường Sa

Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 5/3, trả lời về phản ứng trước việc Trung Quốc xây dựng, bồi đắp trên các đảo, đá, xây các cơ sở đồn trú và sân bay quân sự trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng, quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán. “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép trên các bãi, đá, thay đổi hiện trạng ở Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông ký với ASEAN. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động đó”, bà Hằng khẳng định. Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng năm 2015, bà Hằng nói: “Chúng tôi mong rằng với tư cách Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có vai trò quan trọng ở khu vực, Trung Quốc sẽ hành động có trách nhiệm và xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới”.

Về chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc trong thời gian tới, bà Hằng cho biết, 2015 là năm Việt Nam và Trung Quốc kỷ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao; hai nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, trong đó có việc trao đổi chuyến thăm các cấp, gồm chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.