Trung Quốc khởi động chiến dịch “Săn cáo 2014”

Chiến dịch truy bắt quan tham bỏ trốn ra nước ngoài
Chiến dịch truy bắt quan tham bỏ trốn ra nước ngoài
TP - Chiến dịch mang tên “Săn cáo 2014” đã được Bộ Công An Trung Quốc chính thức khởi động nhằm truy bắt các quan tham, tội phạm kinh tế lẩn trốn ở nước ngoài, trong đó có Lý Tiểu Dũng, con trai út của cựu Thủ tướng Lý Bằng, đang trốn ở Singapore.

Tân Hoa xã - hãng tin chính thức của Trung Quốc đưa tin: Ngày 22/7, Bộ Công an đã công bố bắt đầu khởi động chiến dịch mang tên “Săn cáo 2014” kéo dài từ nay đến cuối năm, mục đích là truy bắt các quan tham, tội phạm kinh tế lẩn trốn ở nước ngoài. Thứ trưởng Bộ CA Lưu Kim Quốc tuyên bố: “Dù các tội phạm có trốn đến chân trời góc biển, cũng phải bắt về, trừng trị theo pháp luật”. 

Các học giả, nhà phân tích chính trị cho rằng đây là nấc thang mới của cuộc chiến mang tên “chống tham nhũng”, nhưng khó đạt được kết quả như ý muốn của chính phủ. Thực ra, chiến dịch này đã được chuẩn bị từ lâu. Hồi tháng 1/2014, tại Hội nghị lần 3 Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (KTKLTW), Bí thư UB Vương Kỳ Sơn đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc truy bắt quan tham mang theo tài sản bỏ trốn ra nước ngoài. Tại kỳ họp quốc hội đầu năm, Viện trưởng KS tối cao Tào Kiến Minh cũng nhấn mạnh phải tăng cường truy bắt quan tham bỏ trốn ra nước ngoài. Hồi tháng 5/2014, tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin: Trung Quốc đã trao cho phía Mỹ danh sách hơn 1.000 quan tham đang lẩn trốn ở Mỹ, gây xôn xao dư luận.

Mỗi năm thất thoát gần 13 tỷ USD

Mấy năm gần đây, chủ đề quan tham ôm tiền bỏ trốn thỉnh thoảng lại xuất hiện trên báo chí, nhưng các cơ quan này hiếm khi công bố số liệu chính xác. Hồi năm 2009, Chánh án Tòa án tối cao Tiêu Dương khiến cả nước choáng váng khi viết trong “Báo cáo chống tham nhũng”: trong 15 năm từ 1998 đến 2002, số tiền bị các quan tham chuyển ra nước ngoài lên tới 191 tỷ 357 triệu USD, bình quân mỗi năm mất 12 tỷ 757 triệu USD (nếu quy đổi ra Nhân dân tệ (NDT) theo tỷ giá đương thời thì đã mất tới 15.000 tỷ NDT). 

Tháng 10/2013, tạp chí “Tài Kinh” đăng tải “Báo cáo về lõa quan Trung Quốc” (lõa quan: từ chỉ các quan chức đã đưa hết vợ (chồng) con cái ra nước ngoài, một mình ở lại trong nước), đã dẫn số liệu do Bộ Công an công bố tháng 5/2006 cho biết, đến thời điểm đó, đã truy bắt được 320 tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài ôm theo 70 tỷ NDT. Cũng tạp chí này hồi năm 2011 đã công bố báo cáo nghiên cứu về quan chức bỏ trốn tính từ thập niên 1990 đến tháng 6/2008 là khoảng 18.000 người, ôm theo số tiền ăn cắp là 800 tỷ tệ, bình quân mỗi người dân Trung Quốc bị chúng móc túi 620 tệ. 

Tháng 12/2013, tổ chức tài chính Mỹ có uy tín trên toàn cầu là Global Financial Integrity đã công bố “Dòng vốn chảy trái phép từ các nước đang phát triển 2001 – 2011” đã khẳng định: trong thời gian này, số tiền chuyển từ Trung Quốc ra ngoài do tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền…lên tới 1.080 tỷ USD, chiếm 1/6 toàn thế giới, là nước bị “chảy máu tiền” nhiều nhất thế giới.

Phát hiện nhiều, khó bắt

Cùng với việc tuyên bố khởi động chiến dịch “Săn cáo 2014”, Bộ Công an cũng công bố các biện pháp thực thi như: hợp tác đầy đủ với các quốc gia, khu vực; tổ chức truy bắt; khuyến khích tự thú; động viên người thân khuyên nhủ, thuyết phục; xây dựng chế độ thưởng tiền cho người tố giác…Hiện Trung Quốc đã ký hiệp ước dẫn độ với 37 quốc gia, nhưng lại chưa có hợp tác về vấn đề này với Mỹ, Canada và phần lớn các nước EU. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, học giả bày tỏ không tin tưởng về sự thành công của chiến dịch này. Ông Tưởng Trinh, Hội trưởng xúc tiến Hoa kiều thế giới cho rằng, không những quan tham, tội phạm đang lẩn trốn ở các “thiên đường của quan tham bỏ trốn” như Mỹ, Canada, Australia, các nước EU khó bắt và dẫn độ về nước, mà ngay các quan chức đang trốn ở Hồng Kông cũng khó. Ông nêu ví dụ Ngô Vĩnh Hồng, một quan tham có quan hệ mật thiết với cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm chiếm đoạt số cổ phiếu trị giá hơn 10 tỷ NDT hiện đang ẩn náu ở Hồng Kông mấy năm nay, công an Phúc Kiến và Quảng Đông mấy lần phối hợp truy bắt mà không bắt được, không những thế, 7 người đến Hồng Kông truy bắt Ngô Vĩnh Hồng lại bị cảnh sát Hồng Kông bắt.

Danh sách các quan chức và tội phạm kinh tế bỏ trốn đã có, qua điều tra biết chắc nơi trốn, danh sách đã được trao cho nước sở tại, nhưng bắt và dẫn độ họ về không hề đơn giản. Trong pháp luật về dẫn độ của các nước đều có nguyên tắc “không dẫn độ tội phạm chính trị” nên nhiều quốc gia đã từ chối yêu cầu bắt, dẫn độ tội phạm của phía Trung Quốc do tin theo lời lẽ của tội phạm “khi về Trung Quốc sẽ bị bức hại chính trị”. Đối với một số người tội lỗi rành rành, nhưng quốc gia sở tại không nhiệt tình hỗ trợ hoặc kiếm mọi lý do để không hợp tác. Ngoài ra, một số quốc gia đã bỏ hình phạt tử hình còn nêu thêm nguyên tắc “không dẫn độ để tử hình” để cản trở.

“Săn cáo”, nhưng bắt Hổ con

Trong số những mục tiêu quan trọng của chiến dịch “Săn cáo” lần này, người ta thấy có một số cái tên nổi tiếng, có không ít “Hổ con”. Một trong những cái tên nổi tiếng đó là Lý Tiểu Dũng, con trai út của cựu Thủ tướng Lý Bằng, sinh năm 1963, hiện đang trốn ở Singapore. Khi mới 15 tuổi, Lý Tiểu Dũng đã được bố cho nhập ngũ, nhưng lại làm chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty của Cảnh sát vũ trang, rồi được đặt vào ghế Phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Thủy điện cảnh sát vũ trang, được phong hàm Thượng tá. 

Trung Quốc khởi động chiến dịch “Săn cáo 2014” ảnh 1 Lý Tiểu Dũng, con trai út của cựu Thủ tướng Lý Bằng

Lý Tiểu Dũng kết hôn với Diệp Tiểu Yến, cháu nội cố nguyên soái Diệp Đĩnh, sau đó hai vợ chồng mua nhà đất, kinh doanh ở Hồng Kông, Singapore. Bị tố cáo dính líu tới vụ án tham nhũng lớn, lừa đảo số lượng lớn cổ phiếu của Công ty Tân Quốc Đại trị giá 500 triệu NDT, Lý Tiểu Dũng đã đổi tên thành Chu Phong, nhập cư Hồng Kông, sau đó sang cư trú ở Singapore. Lần này, Lý Tiểu Dũng sẽ bị truy bắt để điều tra làm rõ.

Nhân vật nữa là Hạ Cẩm Đào, Hạ Cẩm Lôi, hai con trai cựu Ủy viên Thường vụ BCT, Bí thư Ủy ban KTKLTW Hạ Quốc Cường bị liên đới đến vụ án “siêu tham nhũng” của Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Nhuận Tống Lâm. Cả gia đình Hạ Cẩm Đào, Hạ Cẩm Lôi hiện đang cư trú ở Mỹ.

Một nhân vật quan trọng khác là Giả Hiểu Hà, em vợ Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ BCT, Bí thư Ủy ban Chính trị pháp luật của Đảng CSTQ. Giả Hiểu Hà là một đại gia trong ngành Dầu khí, Tổng giám đốc Văn phòng Tập đoàn dầu khí quốc gia ở Canada, cùng chồng trốn ở lại Canada.

Ngoài ra, trong danh sách “Săn cáo” người ta thấy có một số tên tuổi khác như: Dương Tú Châu, nguyên Phó Thị trưởng Ôn Châu, năm 2003 trốn sang Mỹ ôm theo 200 triệu, năm 2005 đã bị bắt ở Hà Lan, nhưng đến nay vẫn chưa được dẫn độ về; Cao Nghiêm, Tổng giám đốc Công ty Điện lực quốc gia, năm 2002 khi đang bị Ủy ban KTKL điều tra thì trốn sang Australia; La Khánh Xương, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công ty du lịch Vân Nam, năm 1999 tham ô 33 triệu tệ rồi trốn sang Mỹ... 

Quan to trốn sang Bắc Mỹ, quan nhỏ chạy sang Âu Phi là tình hình tổng thể hiện nay. Trong dư luận hiện đang có những quan điểm khác nhau về chiến dịch “Săn cáo 2014”. Có người cho rằng, Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn lần này sẽ làm quyết liệt, làm thật; nhưng cũng có ý kiến cho rằng: cũng chỉ bắt được “chuột” và “ruồi” mà thôi, liệu có dám đụng đến đám thân nhân của quan to không?

MỚI - NÓNG