Trung Quốc lại đưa người trái phép ra Trường Sa

Trung Quốc lại đưa người trái phép ra Trường Sa
TP - Báo chí Trung Quốc hôm qua đồng loạt đăng tải những bức ảnh chụp màn biểu diễn của nhiều văn công nước này trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ tập trận trên biển Đông trong tháng 5 này.

Báo chí nhà nước Trung Quốc đăng tải rộng rãi hình ảnh nữ ca sĩ Song Zuying nổi tiếng cùng nhiều văn công khác biểu diễn trước các sĩ quan, binh lính hải quân và công nhân xây dựng, đồng thời cung cấp hình ảnh hiếm hoi về hoạt động xây dựng trên diện rộng mà nước này đang tiến hành trái phép trên các bãi san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong những bức ảnh này xuất hiện tàu tấn công đổ bộ 20.000 tấn Type 071 có thể mang theo nhiều trực thăng và 800 binh lính. Đường băng, tòa nhà cao tầng được thắp sáng, bến tàu hải quân cũng xuất hiện rất rõ trong các bức ảnh.

Hãng thông tấn Xinhua đưa tin, đoàn văn công đã trình diễn chương trình mang tên “Đà tiến lên của Hải quân nhân dân Trung Quốc” vào tối 2/5 trên đá Chữ Thập - nơi nước này đã xây dựng một đường băng có khả năng tiếp nhận máy bay quân sự lớn nhất. Buổi biểu diễn còn có vài màn ảo thuật.

Hàng trăm quân nhân và công nhân xây dựng Trung Quốc đã xem chương trình biểu diễn này. Xinhua dẫn lời ca sĩ Song nói rằng, buổi biểu diễn dài 2 tiếng rưỡi là chặng đầu tiên trong chuyến biểu diễn ở Trường Sa.

Trung Quốc lại đưa người trái phép ra Trường Sa ảnh 1 Ca sĩ Song Zuying biểu diễn trước các binh lính và công nhân xây dựng Trung Quốc đang hiện diện trái phép ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: SCMP
Gần đây, Trung Quốc đưa nhiều tàu và máy bay quân sự ra đá Chữ Thập. Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tướng Phạm Trường Long, thăm đá Chữ Thập vào tháng 3.

Hôm qua, Xinhua đưa tin, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành thêm các đợt tập trận trên biển Đông trong tháng này, với sự tham gia của các tàu ngầm và chiến hạm hiện đại. Đội tàu, trong đó có một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, sẽ tham gia các bài tập chống tàu ngầm, chống tên lửa và nhiều hoạt động khác. Bài báo không cho biết chính xác những hoạt động này sẽ diễn ra ở đâu. Theo Xinhua, đây là hoạt động định kỳ và đã được lên kế hoạch từ trước.

Trung Quốc thỉnh thoảng thông báo những cuộc tập trận như vậy trên biển Đông để thể hiện rằng, họ đang minh bạch về các hoạt động triển khai lực lượng.

Bắc Kinh tàn phá môi trường biển Đông

Ngày 3/5, tại hội thảo “An ninh môi trường: Thử thách tại biển Đông” diễn ra tại Mỹ, các học giả đến từ Mỹ và nhiều nước khác lên án việc Trung Quốc bồi đắp, tôn tạo bãi đá ngầm, xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp trên biển Đông đã và đang tàn phá hệ sinh thái biển. An ninh môi trường là một trong những thách thức lớn mà biển Đông đang phải đối mặt, theo East-West Center.

Theo ông James Borton, giảng viên Viện Walker, ĐH South Carolina, hệ sinh thái biển Đông sẽ bị hủy diệt nếu Trung Quốc không chấm dứt các hoạt động phi pháp trên biển. GS John McManus, ĐH Miami, nói rằng, môi trường sinh thái và các nguồn lợi hải sản, rạn san hô quý đã và đang bị tàn phá do nhiều hoạt động của Trung Quốc như nạo vét, bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, khai thác cá, sò khổng lồ… kiểu tận diệt. 

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng thừa nhận, khoảng 80% số rạn san hô đang bị suy giảm. Ngoài ra, việc Trung Quốc biến đội tàu cá hùng hậu thành “lực lượng dân quân” làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột.

Các học giả nói rằng, các bên liên quan cần chấm dứt việc nạo vét tại biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế; nên nghiên cứu xây dựng mô hình công viên hòa bình.

ASEAN cần tham gia và ủng hộ việc thành lập Ủy ban đa phương về biển Đông xanh, phối hợp Chương trình Đại dương Liên Hợp Quốc để vận động thông qua hiệp định đại dương nhằm đưa ra các quy định mới về việc xây dựng các khu bảo tồn trên biển Đông, TTXVN đưa tin.

LHQ theo sát tình hình biển Đông

Trong cuộc hội đàm ngày 4/5 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Jan Eliasson trao đổi về tình hình khu vực và diễn biến phức tạp gần đây tại biển Đông. Ông Eliasson khẳng định, LHQ luôn theo dõi sát tình hình, diễn biến biển Đông; cho rằng việc giảm căng thẳng phù hợp lợi ích của các bên liên quan; mong muốn các bên liên quan kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế và cần thúc đẩy để đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu mà người dân ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên và nhất là Đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu do đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử hơn 90 năm qua.

 Phó Thủ tướng cảm ơn LHQ đang cùng cộng đồng quốc tế tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch ứng phó khẩn cấp do Chính phủ Việt Nam đề ra. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và của LHQ, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.


Theo Theo SCMP, Xinhua, AP
MỚI - NÓNG