Trung Quốc: Một đại biểu Quốc hội lãnh án tử hình vì là trùm xã hội đen

Trung Quốc: Một đại biểu Quốc hội lãnh án tử hình vì là trùm xã hội đen
Ngày 26/4, TAND tỉnh Cát Lâm đã kết án tử hình Tang Việt Xuân - Đại biểu Quốc hội khoá 9 - vì đã tham ô, tổ chức và lãnh đạo băng nhóm xã hội đen, cưỡng hiếp, tổ chức mại dâm,  cướp giật, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép…

Cùng bị kết án với Tang Việt Xuân còn có 17 tội phạm khác, trong đó có 3 người anh em ruột của y là Tang Việt Đông (anh trai), Tang Việt Bình (chị gái), Tang Việt An (em trai).

Là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Cát Cảng (Cát Lâm, Hồng Công), Tang Việt Xuân có trong tay tài sản lên tới hàng trăm triệu Nhân dân tệ. Lợi dụng là đại biểu Quốc hội, trong quá trình phát triển Cty, Tang Việt Xuân đã dùng các thủ đoạn phi pháp để thu gom tiền bạc, hình thành nên một tổ chức mang tính chất xã hội đen lấy gia tộc làm trung tâm gồm hơn 20 thành viên do y cầm đầu.

Dưới sự chỉ huy của Tang Việt Xuân, băng nhóm này đã hoành hành ngang ngược, bên ngoài thì trấn áp quần chúng, bên trong thì lập ra “bang quy”… và  tổ chức các hoạt động tội ác. Hồ sơ tội ác của Tang Việt Xuân và đồng bọn do viện kiểm sát lập ra đã ghi kín 300 cuốn sổ.

Theo cáo trạng thì Tang Việt Xuân đã chuẩn bị các loại súng ống và tổ chức hàng chục vụ phạm tội, đồng thời dùng  tiền, gái để lôi kéo, làm sa ngã nhiều cán bộ lãnh đạo, biến họ thành ô dù. Đặc biệt, Tang Việt Xuân đã dùng mọi thủ đoạn để ngồi được vào ghế đại biểu Quốc hội hòng tạo lá chắn cho các hành động tội lỗi của y và đồng bọn.

Trong quá trình cơ quan công an lập án để điều tra, khi biết có chuyên án “28/3” được lập để điều tra y và băng nhóm, Tang Việt Xuân đã ngang ngược lập ra “Tổ 29/3” để đối kháng lại công an, vu cáo công an “vi phạm pháp luật” và “phá hoại sự ổn định cùng việc làm ăn của xí nghiệp”… Y còn dùng các mối quan hệ để cản trở công việc của tổ chuyên án, thậm chí khủng bố, dọa nạt các nhân viên công tác.

Sự tồn tại và hoạt động ngang ngược của tổ chức xã hội đen do Tang Việt Xuân cầm đầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến các giới trong xã hội chú ý. Từ khi bắt đầu điều tra đến khi đưa được băng nhóm này ra xử phải mất hơn 3 năm.

Một vấn đề khiến dư luận quan tâm là một kẻ côn đồ, nhân thân xấu xa như Tang Việt Xuân tại sao lại vượt qua được các thủ tục xét chọn chặt chẽ để ra ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội để rồi mượn danh và sử dụng  đặc quyền của một đại biểu Quốc hội để làm bậy?

Qua điều tra của các nhà báo thì theo lời một vị lãnh đạo HĐND thành phố Trường Xuân: Con đường trở thành đại biểu Quốc hội của Tang Việt Xuân là: Ban tổ chức Thành uỷ giới thiệu, Ban tổ chức Tỉnh uỷ xét duyệt, rồi HĐND tỉnh bầu ra.

Ấn tượng sâu đậm nhất mà tên trùm xã hội đen này gây ra cho mọi người là “tích cực tham gia các hoạt động công ích, rất nhiệt tình quyên tiền cứu giúp thiên tai”.

Qua điều tra, thực ra hình ảnh “nhiệt tình quyên tiền” của Tang Việt Xuân là do báo chí đánh bóng nên. Năm 1997, cả nước bị lụt, kho thép tấm của Tang Việt Xuân cũng bị ngập nên giảm phẩm chất, vậy là y liền đem quyên tặng. Đài TH Cát Lâm đưa tin Tang Việt Xuân quyên 36 vạn tệ, sau thổi lên thành 2 triệu tệ, cuối cùng biến thành 5 triệu.

Dĩ nhiên, chỉ nhờ vào hoạt động từ thiện thì Tang Việt Xuân không thể trở thành đại biểu quốc hội được, mà thứ quyết định là dùng tiền và gái để đánh gục các cán bộ lãnh đạo biến chất. Khách sạn Thiên Hòa Phủ của gia tộc họ Tang được dùng làm nơi chiêu đãi các quan chức miễn phí. Nhiều mỹ nữ đã được Tang tuyển vào làm nhân viên để phục vụ các quan tham. Chưa hết, theo một nguồn tin đáng tin cậy thì nhiều căn hộ trong khu nhà ở cao cấp Cát Cảng Hoa Viên đã được y dành tặng cho các cán bộ lãnh đạo.

Theo bản cáo trạng thì một số quan chức như Tống Vĩ Quang, Phó trưởng phòng Hộ khẩu công an thành phố Trường Xuân đã giúp băng nhóm Tang đánh đập và dùng súng truy sát người khác (đã bị kết án tù); Long Uy, Phó Phân cục CA khu Triều Dương đã dung túng và làm chứng giả cho bọn Tang.

Nhưng dư luận cho rằng, những quan chức loại “ruồi” đó không đủ sức đưa Tang Việt Xuân vào Đại lễ đường Nhân dân. Rất nhiều người ở Trường Xuân nói với các phóng viên : “Đằng sau nhất định có hổ”. Năm 1998, trong thời kỳ họp quốc hội, Tang Việt Xuân từng đắc ý nói với vị ở cùng phòng “Lãnh đạo đều là anh em của tôi cả, tôi nói gì họ nghe nấy!”. Chính vì vậy, tuy Tang Việt Xuân đã bị kết án tử hình nhưng lòng dân ở đây vẫn chưa yên.

MỚI - NÓNG