Trung Quốc: Một năm, hàng vạn người chết vì thực phẩm bẩn

Một xưởng tái chế dầu cống rãnh bị phát hiện ở Trung Quốc.
Một xưởng tái chế dầu cống rãnh bị phát hiện ở Trung Quốc.
TP - Theo báo “Tin tức tham khảo” của Trung Quốc, hôm 30/9 ông Lý Xuân Hoa, người lãnh đạo Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển đô thị, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc phát biểu tại buổi công bố “Sách Xanh đô thị số 9” nhân Diễn đàn phát triển đô thị Trung Quốc 2016, cho biết: “Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến hàng vạn người Trung Quốc chết trong năm 2015”.

Ô nhiễm đất, nước và không khí

Ông Lý Xuân Hoa nói, ngoài hàng vạn người chết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng gây tổn thất về kinh tế tới 5 tỷ NDT (Nhân dân tệ, tương đương 17.500 tỷ VND). Theo ông, các vấn đề gây nên vệ sinh thực phẩm mất an toàn bao gồm: ô nhiễm đất đai, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, sử dụng phân bón, lạm dụng kháng sinh và sự vô trách nhiệm của con người, biện pháp giám sát quản lý lỏng lẻo….

Ông bày tỏ lo lắng với việc hiện nay các chất độc hại đã gây ô nhiễm môi trường đất, tích tụ lâu dài trong đất, tạo thành bom hóa học nổ chậm sẵn sàng kích hoạt bất cứ lúc nào. Hiện nay Trung Quốc có từ 13 triệu đến 16 triệu mẫu đất canh tác đã bị ô nhiễm; khoảng 80% nông dược (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…) trực tiếp ngấm vào đất đai, ra môi trường, trực tiếp đe dọa mâm cơm hàng ngày.

Lý Xuân Hoa cho biết: Lượng phân bón hóa học của Trung Quốc chiếm 35% lượng dùng của cả thế giới, tương đương tổng số lượng sử dụng của cả Mỹ và Ấn Độ  cộng lại, cho thấy chúng hiện đang được sử dụng quá mức cần thiết. Hiện nay mỗi mẫu đất trồng trọt của Trung Quốc sử dụng tới 21,9kg phân hóa học/năm, trong khi mức bình quân của thế giới là 8kg; cao gấp 2,6 lần của Mỹ và 2,5 lần của Liên minh Châu Âu (EU).

2-3 triệu tấn “dầu cống rãnh” lên bàn ăn

Ông Lý Xuân Hoa đặc biệt cảnh báo: Việc sử dụng dầu ăn tái chế (người Trung Quốc gọi là “Địa câu du - Dầu cống rãnh”) khiến gia tăng nguy cơ ung thư. Ông khẳng định: Do sự bất lực trong quản lý loại dầu ăn độc hại này và mức lợi nhuận cực khủng nên người ta đã đánh mất nhân cách. Hiện nay mỗi năm số “dầu cống rãnh” quay trở lại bàn ăn lên tới từ 2 triệu đến 3 triệu tấn.

Nguy hiểm nhất là trong “dầu cống rãnh” chứa lượng benzopyrene và aflatoxin độc gấp 100 lần arsenic, rất dễ gây nên các chứng ung thư dạ dày, trực tràng, gan, vú và buồng trứng.

Báo chí cho biết: “Dầu cống rãnh” được tái chế từ dầu ăn đã sử dụng của các nhà hàng, khách sạn, thậm chí từ các thùng thức ăn thừa. Vào năm 2010, các chuyên gia đã ước tính loại dầu ăn độc hại này chiếm tới 1/10 thị trường dầu ăn Trung Quốc. Chúng được sử dụng trong các quán ăn ven đường, thậm chí cả các nhà hàng cao cấp, dùng trong chế biến các món ăn như quẩy, thịt xiên, thịt chiên, cá chiên, lẩu cay… Qua phân tích thấy chúng chứa nhiều chất độc hại như vi sinh vật, chì, asen, benzopyrene, aflatoxin… trong đó benzopyrene và aflatoxin có nguy cơ gây ung thư cao. 

Bọn bất lương đã “khai thác” những thùng dầu đã qua sử dụng nhiều lần, thịt và nội tạng gia súc chết, những đám váng dầu mỡ trong thùng thức ăn thừa, thậm chí dưới cống nước thải đưa vào các xưởng, qua các bước lọc, lắng, tách, tẩy… biến chúng thành những chai, thùng dầu ăn đưa trở lại thị trường, vào các nhà hàng khách sạn, vào bếp ăn các cơ quan, gia đình. Giá thành mỗi kg “dầu cống rãnh” này chỉ 0,3 NDT/kg (1.050 VND), trong khi dầu ăn bình thường là 9 NDT/kg (31.500 VND).

Trong những thành phần độc hại của “dầu cống rãnh”, asen (thạch tín) gây nên biểu hiện rõ nhất: Sau khi ăn vào một lượng nhất định, người ta sẽ thấy chóng mặt, đau đầu; một chứng bệnh thường gặp nữa là đau bụng, đi ngoài bởi loại dầu này rất mất vệ sinh và chứa rất nhiều vi sinh vật. Thành phần chì trong dầu bẩn này cũng gây nên chứng đau bụng quặn và thiếu máu, nếu dùng nhiều sẽ bị trúng độc chì, chức năng gan bị hủy hoại…

Những giải pháp ứng phó

Tháng 4/2015, Trung Quốc đã ban hành Luật An toàn thực phẩm mới, được coi là “nghiêm nhất trong lịch sử”. Sau 1 năm thực hiện, báo chí đánh giá tình hình an toàn thực phẩm “về tổng thể đang tốt dần lên một cách ổn định”.

Theo trang điện tử của Đài phát thanh Trung Quốc (CNR), Bộ Nông nghiệp đã gấp rút thực thi việc cấm và hạn chế sử dụng  thuốc bảo vệ thực vật: 39 loại thuốc cực độc đã bị đưa vào danh sách cấm sử dụng; tỷ lệ thuốc cực độc chiếm 35% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật hồi thập niên đầu (2000 – 2010) nay chỉ còn dưới 2%. Ủy ban Kế hoạch nhà nước đã đi đầu trong việc hoàn thành bộ tiêu chuẩn về 5.000 loại thực phẩm, đã phối hợp các bộ, ngành ban hành 926 tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm, từ nay đến cuối năm sẽ ban hành tiếp 200 tiêu chuẩn nữa, cơ bản bao trùm tất cả các loại thực phẩm và các nhân tố gây hại cho sức khỏe.

Tổng cục giám sát thực phẩm – dược phẩm quốc gia cũng ráo riết đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tiến trình soạn thảo, ban hành các quy định về an toàn thực phẩm đối với loại thức ăn nhanh, thức ăn đường phố để đảm bảo có căn cứ pháp luật để kiểm tra, giám sát các quán ăn, quầy thực phẩm đường phố; thúc đẩy việc hoàn thiện cơ sở luật pháp để trừng trị hành vi phạm tội về an toàn thực phẩm.

Đầu tháng 5/2016, Tổng cục quản lý giám sát thực phẩm – dược phẩm, Hiệp hội Khoa học kỹ thuật đã chỉ đạo tổ chức cuộc họp báo về “Điểm nóng an toàn thực phẩm 2015” để giải trình về 12 vụ việc nóng xảy ra trong năm 2015. Bao gồm: Virus Norovirus do ô nhiễm đồ ăn (trai sò, rau xanh, dâu tây) và nước uống khiến hàng loạt trẻ em ở Quảng Đông, Chiết Giang bị tiêu chảy; sự phát triển ồ ạt của thị trường Mì cay; tranh cãi quanh việc cho vảy vàng vào rượu; phụ gia khiến mì ăn liền không tiêu hóa hết sau 32 giờ trong cơ thể; sự kiện nhập và tiêu thụ “thịt xác ướp” (tức thịt đông lạnh quá date nhiều năm); “giá đỗ độc hại” do dùng chất kích thích; sữa tươi uống ngay gây nguy hại; thịt đỏ và thịt qua gia công chế biến gây ung thư…

MỚI - NÓNG