Trung Quốc ráo riết thúc đẩy tham vọng biển

Trung Quốc tăng cường đội tàu và giàn khoan phục vụ tham vọng lãnh thổ. Ảnh: Xinhua
Trung Quốc tăng cường đội tàu và giàn khoan phục vụ tham vọng lãnh thổ. Ảnh: Xinhua
TP - Bắc Kinh đóng thêm các giàn khoan, đội tàu hộ tống cũng như tăng cường lực lượng tuần duyên nhằm chiếm lĩnh biển Đông, báo Mỹ Wall Street Journal đưa tin.

Trung Quốc cũng ráo riết đào tạo đội ngũ chuyên gia thám hiểm các vùng biển sâu, thông qua chương trình hợp tác giữa Trung tâm Biển sâu Quốc gia và Trung tâm Vũ trụ Trung Quốc. 

Wall Street Journal dẫn số liệu của nhà cung cấp thông tin hàng hải IHS Maritime rằng, chỉ trong nửa đầu năm 2014, các doanh nghiệp Trung Quốc, từ Tập đoàn Dầu khí Hải dương quốc gia (CNOOC) đến những nhà cung cấp dịch vụ nhỏ hơn, đều đặt đóng thêm nhiều tàu và giàn khoan phục vụ khai thác ngoài khơi xa, nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ năm 2010. Thời gian tới, số lượng này còn tiếp tục tăng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc đã đặt đóng các giàn khoan và tàu với tổng trọng tải lên tới 126.300 tấn, bao gồm các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng biển có độ sâu trung bình, nhiều loại tàu phục vụ khai thác quy mô ngoài khơi và các đội tàu nghiên cứu địa chấn vùng biển nước sâu, tàu hỗ trợ. 

Năm 2013, Trung Quốc đặt hàng đóng một giàn khoan lớn 30.000 tấn. Bắc Kinh lên kế hoạch đóng thêm hai giàn khoan nữa. Các giàn khoan trên lớn tương đương giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc từng hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Giàn khoan Hải Dương 982 dự kiến hoàn tất vào năm 2016 để hoạt động ở biển Đông, Wall Street Journal đưa tin.

Mặt khác, Trung Quốc ráo riết tăng cường đầu tư cho lực lượng tuần duyên nhằm hậu thuẫn khai thác tài nguyên biển. Năm 2013, lực lượng này được tổ chức lại theo mô hình bộ chỉ huy chung, bao gồm cảnh sát biển, ngư chính và một số cơ quan chấp pháp trên biển khác. Lực lượng tuần duyên Trung Quốc sở hữu hàng trăm tàu các loại, đã đặt đóng thêm 40 tàu và 15 chiếc được bàn giao trong năm nay. Theo các chuyên gia, Trung Quốc chú trọng đầu tư hơn vào biển Đông, nơi nước này đang có tranh chấp với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Biển Đông được đánh giá có tiềm năng to lớn về dầu khí. 

Một số chuyên gia nhận định, ngoài mục đích tìm kiếm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế, việc đẩy mạnh phát triển hạm đội khai thác dầu khí ngoài khơi còn là một phần trong tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. 

“Tôi cho rằng, Trung Quốc sử dụng các giàn khoan vừa như một tuyên bố chính trị, vừa để thăm dò dầu khí”, ông Philip Andrews Speed, chuyên gia an ninh năng lượng thuộc Viện Nghiên cứu năng lượng Singapore, nhận định. 

Theo Wall Street Journal, việc Trung Quốc tăng tốc mở rộng hạm đội khai thác dầu khí biển xa, kèm theo lực lượng bảo vệ hung hăng được xem là những cuộc phiêu lưu xa hơn đang gây tranh chấp căng thẳng hơn nữa với các nước láng giềng.

Khai thác 99,8% biển trên thế giới?

Trước đó, hãng tin Anh Reuters đưa tin CNOOC đang nghiên cứu khả năng chế tạo một tàu khai thác khí đốt di động (FLNG) trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ để có thể khai thác khí đốt ngay trên biển Đông, ngay sau khi tuyên bố giàn khoan Hải Dương 981 phát hiện “dấu hiệu của dầu mỏ và khí đốt” trong vùng biển Việt Nam. 

Trang tin Đài Loan Want China Times ngày 3/8 đưa tin, đội ngũ chuyên gia thám hiểm biển sâu Trung Quốc sẽ sớm được huấn luyện như các nhà du hành vũ trụ trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh tham vọng đạt được những thành tựu lớn hơn trong cả hai lĩnh vực biển sâu và không gian vũ trụ.

Trung tâm Biển sâu Quốc gia và Trung tâm Vũ trụ Trung Quốc vừa ký thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và các dự án công nghệ. Theo đó, Trung tâm huấn luyện các nhà du hành vũ trụ Trung Quốc sẽ đào tạo các nhà thám hiểm biển sâu một tháng mỗi năm trong giai đoạn 2014-2016, rèn luyện họ cả về thể lực lẫn kiến thức. 

Phó giám đốc Cơ quan Kỹ nghệ Không gian Trung Quốc Dương Lợi Vĩ cho rằng, cả đội ngũ thực hiện các nhiệm vụ khai thác biển sâu và thám hiểm vũ trụ đều phải chịu những áp lực và nguy cơ như nhau. Nên chương trình hợp tác có ảnh hưởng then chốt tới tuyển chọn, đào tạo con người, cũng như các dự án nghiên cứu trong những môi trường khắc nghiệt.

Trung tâm Biển sâu Quốc gia Trung Quốc chính là đơn vị quản lý chương trình tàu thám hiểm biển sâu Giao Long, giám sát vấn đề tuyển dụng nhân sự và huấn luyện thủy thủ đoàn của dự án. Nhóm này gồm 2 chuyên gia kỳ cựu và 6 người được tuyển tháng 12/2013. Giao Long đã lặn tới độ sâu 7.062 m tại Rãnh Mariana ở Thái Bình Dương vào tháng 6/2012. Trung Quốc tin rằng, điều đó có nghĩa nước này có thể khai thác biển sâu tại 99,8% các đại dương trên thế giới. Trung Quốc đang trở lại một cuộc thám hiểm khoa học trên Thái Bình Dương.

Khởi động chương trình huấn luyện trong tháng 8/2014, Giám đốc Trung tâm Biển sâu Quốc gia Yu Hongjun trông đợi sẽ xây dựng được cơ chế đào tạo đội ngũ khai thác biển sâu cho Trung Quốc.

Trang tin Quartz vừa đăng bài “Trung Quốc sử dụng đội tàu cá khổng lồ như một lực lượng hải quân”, nêu bật quy mô của đội tàu cá Trung Quốc lên đến gần 700.000 chiếc, đứng đầu thế giới về số lượng, cao gấp đôi nước đứng thứ hai là Nhật Bản.

MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.