GS Carlyle Thayer:

Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa, chú trọng Hoàng Sa

Đá Bắc chụp từ vệ tinh ngày 15/2 (ảnh trên) và ngày 6/3 (ảnh dưới). Ảnh: Planet Labs.
Đá Bắc chụp từ vệ tinh ngày 15/2 (ảnh trên) và ngày 6/3 (ảnh dưới). Ảnh: Planet Labs.
TPO - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định, bất chấp sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục lắp đặt vũ khí, khí tài trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở biển Đông, đồng thời xây mới ở quần đảo Hoàng Sa.

“Quần đảo Hoàng Sa rất quan trọng vì có vị trí chiến lược và trong khu vực xung quanh có thể có các bể trầm tích dầu khí… Để thống trị biển Đông, Trung Quốc sẽ khai thác thế mạnh của Hoàng Sa, sẽ tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo”, GS Carlyle Thayer nhận định.

Kể từ khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Bắc Kinh đã xây dựng, gia cố các nhà chứa máy bay trên ba đường băng trên các đảo nhân tạo. Theo GS Thayer, mỗi đảo nhân tạo này có thể chứa 24 máy bay chiến đấu hiện đại cùng 4 máy bay cỡ lớn hơn, như máy bay tiếp dầu, máy bay kiểm soát và cảnh báo trên không và máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

“Sau đó, Trung Quốc lắp đặt hệ thống vũ khí đánh gần (phiên bản hiện đại của súng máy đa nòng Gatling dùng để bắn hạ tên lửa hành trình bay thấp) và hệ thống phòng không trên tất cả 7 đảo nhân tạo”, GS Thayer thông tin.

Xây thêm căn cứ ở Hoàng Sa

Ảnh vệ tinh chụp ngày 6/3 (do công ty vệ tinh tư nhân Mỹ Planet Labs cung cấp) cho thấy Trung Quốc đang phát quang, cải tạo đá Bắc ở Hoàng Sa. Theo các chuyên gia và tùy viên quân sự khu vực, Trung Quốc chuẩn bị xây bến cảng tại đá Bắc nhằm cuối cùng biến rạn san hô vòng này thành căn cứ quân sự. Căn cứ này sẽ đóng vai trò bảo vệ Phú Lâm - đảo lớn nhất ở Hoàng Sa.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói: “Nếu không bị phản đối, Trung Quốc có thể xây dựng một căn cứ quân sự tại phía nam bãi cạn Scarborough giống một số căn cứ mà nước này đã xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Nếu chúng ta cho phép, họ sẽ xây dựng. Điều đó sẽ cực kỳ khó chịu. Khó khịu hơn rất nhiều so với việc xây dựng trên đá Chữ Thập vì Scarborough rất gần”.

Một số nhà phân tích nhận định, Trung Quốc có tham vọng quân sự hóa Scarborough để kết hợp với các tiền đồn nước này đã và đang thiết lập trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa tạo ra một tam giác chiến lược hòng kiểm soát toàn bộ biển Đông. Theo họ, tam giác chiến lược này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không, kiểm soát tàu thuyền, máy bay qua lại trên biển Đông.

Hiện chưa có dấu hiệu Trung Quốc biến Scarborough thành đảo nhân tạo rồi đưa vũ khí, khí tài ra đó như đã và đang làm với các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Có vẻ là Bắc Kinh sợ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ can thiệp mạnh tay nếu họ quân sự hóa Scarborough, giới quan sát nhận định.

Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa, chú trọng Hoàng Sa ảnh 1

Theo ảnh vệ tinh chụp ngày 17/2, Trung Quốc đã đặt 32 tên lửa đất đối không Hồng Kỳ 9 trên đảo Phú Lâm. Ảnh: DigitalGlobe.

Thách thức luật pháp quốc tế

Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố, Trung Quốc không được phép sử dụng các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép trên biển Đông để gây sức ép đối với các nước láng giềng hoặc để hạn chế quyền tự do hàng hải, tự do bay ở biển Đông.

“Nếu có tình huống bất ngờ xảy ra, Mỹ và các đồng minh, đối tác phải đủ năng lực để hạn chế việc Trung Quốc tiếp cận cũng như sử dụng các đảo nhân tạo để tạo mối đe dọa với Mỹ hoặc các đồng minh, đối tác của mình”, ông Tillerson nói.

GS Thayer cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách ngăn cản chính quyền Donald Trump can thiệp vào vấn đề biển Đông (tiếp tục tuần tra tự do hàng hải, triển khai các nhóm tàu sân bay tấn công…). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Người Trung Quốc sẽ không bao giờ để yên cho bất kỳ ai làm om xòm về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải (của Trung Quốc)”.

“Trung Quốc đang lấy ý kiến rộng rãi về việc sửa Luật An toàn giao thông hàng hải (1984) để có thể hạn chế tàu nước ngoài đi vào vùng biển nước này tuyên bố chủ quyền, thách thức quyền đi qua không gây hại được nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển”, GS Thayer cho biết. Theo ông, dù luật sửa đổi có khả năng đến năm 2020 mới có hiệu lực, nhưng đó sẽ là thách thức lớn đối với các hoạt động hải quân của Mỹ.


Theo GS Carlyle Thayer, năm 1990, Trung Quốc xây dựng một đường băng dài 365m trên đảo Phú Lâm, sau đó được nâng cấp để có thể tiếp nhận các máy bay chiến đấu hiện đại, máy bay vận tải cỡ lớn. Hiện nay, với đường băng dài 2,7km, Phú Lâm có thể phục vụ bất kỳ máy bay chiến đấu nào của quân đội Trung Quốc. Ảnh vệ tinh đã chụp được ảnh chiến đấu cơ J-11 Thẩm Dương, hệ thống tên lửa đất đối không Hồng Kỳ 9 và máy bay do thám không người lái xuất hiện ở Phú Lâm. Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa hành trình chống tàu YJ-16 (tầm bắn 400km) trên đảo này. 

Theo ông Thayer, Trung Quốc cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan quân sự ở những nơi khác thuộc quần đảo Hoàng Sa, như trạm dự báo thời tiết ở đảo Hoàng Sa (tên tiếng Anh: Pattle Island), đèn hiệu radio ở đảo Hữu Nhật (Robert Island), vũng tàu đậu ở đảo Quang Hòa (Duncan Island), trạm trinh sát tín hiệu (SIGINT) trên đảo Đá (Rocky Island). Trạm SIGINT có thể đưa ra cảnh báo trên không hoặc trên mặt biển, hỗ trợ các chiến dịch trên không hoặc nhắm vào tàu biển.

MỚI - NÓNG