Trung Quốc: Tranh cãi quanh dự luật tình báo

Người dân Quảng Đông tình nguyện tuần tra khu dân phố. Ảnh: CFP.
Người dân Quảng Đông tình nguyện tuần tra khu dân phố. Ảnh: CFP.
TP - Trung Quốc đang cân nhắc thông qua dự luật tình báo trong đó có nội dung tăng quyền theo dõi, điều tra và huy động dân thường trong phòng chống gián điệp. Bắc Kinh cảnh báo công chức về việc hẹn hò với người nước ngoài.

Mỗi khi Bắc Kinh tổ chức một sự kiện lớn, bà Du lại cùng các đảng viên nghỉ hưu đi quanh khu dân cư ở quận Triều Dương; nếu phát hiện điều gì bất thường, họ sẽ báo ngay cho nhà chức trách.

Phòng tuyến quần chúng

Những người như bà Du được chính quyền huy động đóng vai trò tiền tuyến an ninh và vai trò của họ có thể sớm được đưa vào luật. Theo dự thảo luật tình báo, các “phương pháp chuyên nghiệp” cần được kết hợp với “phòng tuyến quần chúng”, cụm từ thường được dùng để chỉ những người tình nguyện như bà Du. Dự luật gồm 28 điều, đề cập nhiều vấn đề như đối tượng nào phụ trách thu thập thông tin, quyền của các cơ quan tình báo, việc bảo vệ điệp viên và gia đình họ…

Được công khai trên website của Quốc hội Trung Quốc, dự luật nhận được ít phản hồi của người dân nước này. Nhưng trên báo chí xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc nỗ lực luật hóa việc thu thập thông tin tình báo. Trong khi một số ít ý kiến cho rằng luật tình báo sẽ tác động tiêu cực tới quyền tự do của cá nhân, nhiều người ủng hộ dự luật được thông qua. “Xưa nay không có luật về công tác tình báo. Công việc này chủ yếu được thực hiện theo các văn bản cấp bộ. Luật mới sẽ là bước đột phá và có nhiều ý nghĩa trong việc bảo đảm an ninh quốc gia”, ông Wang Qiang, chuyên viên tại Đại học Quốc phòng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nói.Theo ông Wang, tất cả các lực lượng liên quan sẽ được tích hợp, tăng hiệu quả công việc và giảm lãng phí nguồn lực.

Phần giới thiệu trong dự luật nói rằng, luật mới sẽ liên kết với Luật An ninh quốc gia, Luật Phản gián và Luật Chống khủng bố để đảm bảo quyền lợi quốc gia, bao gồm chủ quyền, thống nhất, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và phúc lợi của người dân. Nếu được thông qua, luật sẽ cho phép giới chức quyền giám sát, điều tra các tổ chức, cá nhân Trung Quốc và nước ngoài để bảo vệ an ninh quốc gia. “Gián điệp không bao giờ ngừng thu thập thông tin tình báo ở Trung Quốc. Tình hình an ninh quốc gia là căng thẳng”, chuyên gia quân sự Li Jie sống ở Bắc Kinh, nhận định.Ở tỉnh Quảng Đông, cơ quan an ninh phát hiện một tổ chức phi chính phủ đã nhận tiền tài trợ từ nước ngoài để kích động công nhân đình công trái phép. “Những người yếu đuối, dễ bị tác động dễ dàng thông đồng với các lực lượng ở hải ngoại để làm hại đất nước”, ông Li nói.

Vì vậy, dự luật tình báo có nhiều điều khoản về vai trò của các cá nhân. Theo đó, các tổ chức, cá nhân ủng hộ công tác tình báo sẽ được bảo vệ; những ai có đóng góp sẽ được trọng thưởng. Một hệ thống quản lý về tuyển dụng, sàng lọc, kiểm tra, huấn luyện, sử dụng nhân viên tình báo sẽ được thành lập. An toàn cá nhân của họ, đối tác và tất cả những người họ hàng gần sẽ được bảo đảm. Hiện nay, các cơ quan an ninh có kênh đào tạo riêng, nhưng trong tương lai, một số môn học liên quan tình báo có thể sẽ được mở ở các trường đại học, cao đẳng để thu hút thêm nhân tài trong lĩnh vực đặc biệt này, ông Wang nói.

“Cơ quan tình báo” lớn thứ 5 thế giới

Trong khi đó, vai trò của những người tình nguyện, cán bộ về hưu như bà Du sẽ được đề cao. Cư dân mạng Trung Quốc từng lập danh sách vui bình chọn 5 cơ quan tình báo lớn nhất thế giới là CIA (Mỹ), KGB (Nga), Mossad (Israel), MI6 (Anh) và BJCYQZ. BJCYQZ là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Quần chúng của quận Triều Dương, Bắc Kinh”. Trước đó, Công an Bắc Kinh cam kết thưởng tiền mặt cho người dân cung cấp thông tin phòng chống tội phạm ma túy, gián điệp nước ngoài. “Hiện nay, người ta đề cập quần chúng Triều Dương có ý vui đùa một chút. Nhưng nghiêm túc mà nói, họ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh quốc gia. Họ cung cấp một số manh mối bề ngoài có vẻ là về trật tự xã hội nhưng thực tế phản ánh sự đấu tranh giữa Trung Quốc và các đối thủ”, ông Wang nói. Theo ông, nếu dự luật tình báo được thông qua, nếu hàng chục nghìn người tình nguyện huy động mọi công dân xung quanh họ để mắt tới những dấu hiệu bất thường trong đời sống hằng ngày thì ai cũng có thể đóng góp cho an ninh quốc gia.

Ông Wang nói rằng, luật tình báo là một phần kế hoạch tổng thể của Trung Quốc nhằm “hợp pháp hóa” các biện pháp an ninh quốc gia của nước này. Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra khái niệm “an toàn quốc gia tổng thể” và tuyên bố Trung Quốc sẽ xây dựng hệ thống an ninh quốc gia gồm 11 loại an toàn, bao gồm an toàn liên quan chính trị, quân sự, kinh tế, công nghệ và cơ sở hạt nhân.

Tháng 11/2014, Trung Quốc thực hiện Luật Phản gián. Năm 2015, nước này công bố phiên bản mới của Luật An toàn quốc gia. Tháng 12/2016, Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Chống khủng bố. “Luật Chống khủng bố là để phòng vệ, còn luật tình báo là để tấn công”, ông Wang nhận xét.

Cảnh báo hẹn hò với trai đẹp nước ngoài

Chính quyền Trung Quốc mới đây cảnh báo cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về việc hẹn hò với người nước ngoài đẹp trai vì họ có thể là James Bonds tiềm năng. Một bộ poster dạng truyện tranh được dán ở các bảng thông báo khắp Bắc Kinh, kể câu chuyện về một nữ công chức trẻ đẹp Xiao Li được một người nước ngoài tóc đỏ trong vai học giả tán tỉnh, theo đuổi. Vị học giả David thường xuyên khen ngợi, tặng Li hoa hồng, dẫn đi ăn tối, đi dạo ở những nơi lãng mạn, rồi nài nỉ cô cung cấp tài liệu nội bộ của cơ quan. Ban đầu, Li từ chối giao tài liệu nhưng David cuối cùng thuyết phục được cô. Cuối cùng, lực lượng an ninh dẫn giải Li đi và cô nhận ra rằng, bạn trai mình là gián điệp nước ngoài. Bộ poster cũng cung cấp đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan an ninh quốc gia.

Trên đường phố Bắc Kinh, dường như ít người quan tâm đến thông điệp của bộ poster. “Chúng tôi không tin đâu. Nhiều bạn của tôi có bạn trai là người nước ngoài. Chúng tôi không tin họ là gián điệp”, nữ sinh viên Tou nói. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cách mà chính quyền gửi đi thông điệp cảnh báo những người ở trong tình huống tương tự có thể cố tình hoặc vô tình tiết lộ bí mật nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, đồng thời khiến công chúng có cảm tưởng rằng, gián điệp và điệp viên tiềm năng có thể chính là người luôn bên cạnh họ.

Phát hiện gián điệp được thưởng tiền tỷ

Công an Bắc Kinh gần đây thông báo thưởng 10.000-500.000 nhân dân tệ (34 triệu-1,7 tỷ đồng) cho những ai cung cấp thông tin giúp họ lật mặt gián điệp nước ngoài. Người dân sẽ được thưởng thêm nếu phát hiện thiết bị gián điệp. Tuy nhiên, nếu cố tình báo tin sai sẽ bị xử phạt.

Theo Theo Global Times, Shanghaiist, CNN
MỚI - NÓNG