Trung Quốc xây trái phép hải đăng ở Trường Sa

Trung Quốc ngang nhiên xây dựng tháp hải đăng ở bãi đá Gạc Ma. Ảnh: IHS Janes
Trung Quốc ngang nhiên xây dựng tháp hải đăng ở bãi đá Gạc Ma. Ảnh: IHS Janes
TP - Ngày 26/5, Trung Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng 2015 “Chiến lược quân sự Trung Quốc”, tuyên bố lực lượng hải quân sẽ tập trung “bảo vệ vùng biển ngoài xa”. Cùng ngày, Bắc Kinh động thổ xây dựng trái phép hai tháp hải đăng trên hai bãi đá ở Trường Sa, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin.

Theo Xinhua, Sách trắng Quốc phòng 2015 chủ yếu đề cập xây dựng lực lượng quân sự, nhấn mạnh phương châm chủ động phòng vệ và tăng cường hợp tác an ninh quốc tế. Bắc Kinh thể hiện một chiến lược quân sự cứng rắn hơn, tập trung vào “các mối đe dọa phức tạp và thách thức trên biển”.

Sách trắng viết: “Chúng ta sẽ không tấn công trước, trừ khi bị tấn công, và một khi bị tấn công, chúng ta chắn chắn sẽ đáp trả”. Chiến lược quân sự mới nhấn mạnh 4 “lĩnh vực an ninh cốt lõi” gồm: đại dương, không gian vũ trụ, không gian mạng và lực lượng hạt nhân. Trong đó, đáng chú ý là hải quân Trung Quốc sẽ chuyển đổi trọng tâm từ “phòng vệ ngoài khơi” sang kết hợp “phòng vệ ngoài khơi” và “bảo vệ vùng biển ngoài xa” để đối phó “mối đe dọa đối với quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

“Chúng ta cần phải giám sát chặt chẽ vùng trời và phát triển năng lực phòng không”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nhấn mạnh trong cuộc họp báo công bố Sách trắng.Ông Dương cho rằng, việc Trung Quốc cải tạo đảo ở biển Đông gần đây đã trở thành đề tài thổi phồng của giới truyền thông “chỉ vì một nước nào đó (ám chỉ Mỹ) điều máy bay trinh sát thường xuyên hơn tới khu vực”.

Ngày 26/5, Bộ trưởng Giao thông Trung Quốc chủ trì lễ động thổ xây dựng trái phép hai tháp hải đăng đa chức năng tại đá Châu Viên và Gạc Ma, biện bạch rằng “để cải thiện an toàn hàng hải ở biển Đông”.

Nhật tham gia tập trận với Mỹ-Úc

Reuters đưa tin, lần đầu tiên Nhật Bản và New Zealand sẽ tham gia cuộc diễn tập hải quân lớn với liên quân Mỹ-Úc vào đầu tháng 7, với sự hiện diện của 30.000 quân Mỹ và Úc, 40 sĩ quan và binh sĩ Nhật Bản… Cuộc tập trận chung Talisman Sabre (được tiến hành hai năm một lần) diễn ra ở các địa điểm trên khắp nước Úc, bao gồm các hành động tác chiến trên biển, đổ bộ đường biển và đường không, các hành động của lực lượng đặc biệt và tác chiến đô thị.

Theo Bộ Quốc phòng Úc, các quân nhân Nhật Bản sẽ tham gia tác chiến cùng lực lượng quân đội Mỹ, 500 quân nhân New Zealand sẽ tác chiến trong đội hình của quân đội Úc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói với Reuters rằng, tham gia tập trận, đơn giản là Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và Úc. Hợp tác quốc phòng, an ninh giữa Canberra và Tokyo phát triển mạnh mẽ dưới thời Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy (Úc), nói: “Có một sự đối xứng rõ ràng của thế trận liên minh phương Tây ở Thái Bình Dương. Nhật Bản như chiếc neo trên của liên minh quân sự ở phía Tây Thái Bình Dương và Úc là chiếc neo dưới ở phía Nam”.

Lãnh đạo 3 nước Mỹ-Nhật-Úc đều quan ngại sâu sắc khả năng tự do di chuyển qua vùng biển và vùng trời biển Đông, nơi Trung Quốc đang bồi đắp bảy đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa - vùng biển có hành lang vận tải thương mại quan trọng hàng đầu thế giới.

Báo chí Mỹ dự đoán Washington sẽ quyết đoán hơn

Tạp chí Mỹ National Interest nhận định, những hành động gần đây cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho công chúng Mỹ thấy được một chính sách cứng rắn hơn ở biển Đông. CNN dự đoán, các chiến hạm và máy bay Mỹ có thể được điều động tham gia hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải ở biển Đông. Xu hướng của các hành động đó phản ánh quan điểm không khoan nhượng của Washington với Bắc Kinh. Trung Quốc chưa có khả năng thực hiện một vùng giới hạn không phận đối với Trường Sa.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự tại Trường Sa, có thể có một hoặc nhiều đường băng quân sự hoạt động vào năm 2016, hậu quả tất yếu là đối đầu quân sự Trung-Mỹ sẽ loang rộng trên biển Đông. Tàu hải quân Mỹ sẽ thường xuyên bị các chiến hạm của hải quân Trung Quốc quấy rối, ngăn chặn và đe dọa. Những lo ngại của Mỹ về dự án bồi đắp đảo của Trung Quốc dẫn đến việc các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải xem xét lại những lựa chọn trong quan hệ đối ngoại. Có khả năng Mỹ sẽ thực hiện phương pháp tiếp cận mạnh mẽ, quyết đoán hơn trong những yêu cầu về tự do hàng hải, hàng không trong những tuần và tháng tới.

MỚI - NÓNG