Trước lễ nhậm chức, ông Trump như... ngôi sao đấu vật

Ông Trump tại sảnh Tháp Trump hôm đầu đầu tuần này. Ảnh: NYT
Ông Trump tại sảnh Tháp Trump hôm đầu đầu tuần này. Ảnh: NYT
TPO - Trong khi các tổng thống Mỹ tiền nhiệm dành thời gian trước khi nhậm chức để nỗ lực xóa đi những mâu thuẫn sau mùa tranh cử, thì ông Donald Trump lại thể hiện như một ngôi sao đấu vật.

Ít nhất theo một cách nào đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã vượt qua tất cả những người tiền nhiệm của mình. Tổng thống Barack Obama phải mất 18 tháng để đẩy tỷ lệ ủng hộ mình giảm xuống 44% trong khảo sát của hãng nghiên cứu Gallup, còn ông George W. Bush mất đến 4 năm rưỡi để tụt xuống mức đó. Nhưng ông Trump làm được điều này trước khi lễ nhậm chức Tổng thống diễn ra.

Thực sự, ông Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1 với tỷ lệ ủng hộ ít hơn bất kỳ tân tổng thống Mỹ nào trong lịch sử hiện đại, theo nghiên cứu của nhiều cuộc thăm dò. Đây là dấu hiệu cho đến nay, ông không thể tập hợp sự đoàn kết của người dân lớn hơn mức đủ để giúp ông giành chiến thắng vào tháng 11/2016.

Thời điểm chuyển giao quyền lực ở nước Mỹ sẽ không phải khoảnh khắc tập hợp sự đồng lòng mà sẽ là sự tiếp diễn của tình trạng chia rẽ trong lòng xứ cờ hoa.

Trong khi các tổng thống Mỹ khác dành nhiều tuần trước lễ nhậm chức để nỗ lực xóa đi những mẫu thuẫn sau mùa tranh cử và hàn gắn đất nước, còn ông Trump lại thể hiện như một ngôi sao đấu vật trên truyền hình. Ông mỉa mai một biểu tượng dân quyền, một nữ diễn viên Hollywood, các cơ quan tình báo, các nhà thầu quốc phòng, lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Mỹ Obama. Không hề có một hành động hàn gắn nào được thực hiện trước khi nhiệm kỳ 4 năm bắt đầu!

Theo kết quả hai cuộc thăm dò, một cuộc do CNN và ORC và một cuộc do báo Washington Post và ABC News thực hiện, 40% -44% dân Mỹ ủng hộ ông Trump nhậm chức, và họ gọi đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với một tổng thống sắp lên nắm quyền.

Nếu so sánh, ông Obama trước khi nhậm chức được 68% ủng hộ, còn ông Bush được 57% ủng hộ, theo kết quả thăm dò của Gallup. Cả hai đều dành thời gian từ sau khi đắc cử đến trước lúc nhậm chức để rao giảng thông điệp bao trùm cũng như dang tay với phe đối lập, cho dù những điều này không tồn tại đến cùng.

Tuy nhiên, báo New York Times cho biết các cố vấn của ông Trump nói rằng việc ông này đắc cử đầy bất ngờ cho thấy những thước đo truyền thống nay không còn nhiều ý nghĩa nữa. Nếu kết quả các cuộc thăm dò đáng tin, ông Trump đã không có cơ hội trở thành Tổng thống Mỹ.

Nhưng có vẻ những con số từ các cuộc thăm dò vẫn khiến ông Trump không thể ngồi yên. “Những con người từng thực hiện các cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại và nhận được kết quả sai nay lại làm những cuộc thăm dò tỷ lệ ủng hộ”, ông Trump viết trên Twitter hôm 17/1.

Dù những cuộc thăm dò dư luận ở nhiều bang "chiến trường" Trung Tây không phản ánh được kết quả trong ngày bầu cử, nhưng các cuộc thăm dò trên toàn quốc vẫn thu được kết quả sát thực tế về tỷ lệ phiếu phổ thông ủng hộ bà Hillary Clinton trong mùa bầu cử 2016. Bà Clinton giành được 48% phiếu phổ thông, trong khi ông Trump được 46%.

Đối với ông Trump, mối bận tâm về tỷ lệ ủng hộ hiện nay có thể không lớn bằng ý nghĩa của nó đối với kỳ bầu cử sau mấy năm nữa, nhưng những con số đó rất được các thành viên Quốc hội Mỹ quan tâm, vì họ có truyền thống tôn trọng những người được nhiều dân chúng yêu quý hơn, và ngược lại.

“Tổng thống nào cũng bắt đầu bằng quan hệ tốt với Quốc hội rồi sau đó xấu đi”, ông Phil Schiliro, giám đốc lập pháp lý Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, nhận xét. “Khi tỷ lệ ủng hộ giảm, quan hệ của họ với Quốc hội cũng nhanh chìm. Điều đó khiến việc thuyết phục Quốc hội ủng hộ những ưu tiên của tổng thống trở nên khó khăn hơn”, ông Schiliro nói.

Ông Steve Israel, thành viên đảng Dân chủ đại diện cho New York trong Nhà Trắng, cho rằng thách thức lớn nhất đối với ông Trump sẽ là những đảng viên đầy lo lắng trong chính đảng của ông.

Nhưng ông Trump đã thể hiện rằng ông có ý định lãnh đạo bằng cá tính của mình hơn là ý kiến của cả nhóm. Ông đã sửa chữa quan hệ với một số người không ưa ông, như ông Mitt Romney, nhưng chỉ có vài nỗ lực rời rạc để lấy lòng một bộ phận dân chúng không ủng hộ mình.

Trong nhiều năm qua, các tổng thống Mỹ và cố vấn của họ rất bận tâm đến các cuộc thăm dò dư luận vì sợ rằng tỷ lệ ủng hộ thấp sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều hành và triển khai các chương trình của họ.

Hai tổng thống Mỹ gần đây nhất trải qua thời gian khá dài với tỷ lệ ủng hộ không quá bán, khiến họ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy những luật lớn. Nhưng họ đều đã thể hiện rằng ít nhất họ cũng có thể đạt được một số tiến triển.

Ông Bush chưa bao giờ giành được tỷ lệ ủng hộ trên 50% trong hầu hết nhiệm kỳ 2, thậm chí rơi xuống mức 20% trước khi ông rời nhiệm sở. Tuy nhiên, ông vẫn phớt lờ tỷ lệ này và sự phản đối của phe đối lập mà đưa quân đến Iraq để bắt đầu một cuộc chiến thất bại.

Ông Obama không đến mức như vậy, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông trong nhiều tháng cũng xuống dưới 50%, khiến ông phải dùng quyền hành pháp để thực thi các chính sách về nhập cư và môi trường. Tỷ lệ ủng hộ dành cho vị tổng thống này tăng trở lại trong mấy tháng qua, giúp ông rời nhiệm sở với tỷ lệ ủng hộ 56% trong cuộc thăm dò do NBC thực hiện.

Một số đảng viên Cộng hòa nói rằng ông Trump đã viết lại cuốn sách về luật lệ. “Thăm dò dư luận ngày càng trở thành công cụ sai. Chúng ta đều tin vào nó, nhưng nó là công cụ sai. Tôi nghĩ rằng nó không còn đáng tin cậy nữa”, ông Ron Kaufman, giám đốc chính trị Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George Bush, nhận xét.

Bà Mary Matalin, cố vấn hàng đầu dưới thời Phó Tổng thống Dick Cheney – người đã phớt lờ tỷ lệ ủng hộ thấp trong khi đương nhiệm để tập trung vào chương trình an ninh quốc gia của mình – nói rằng ông Trump “đã tạo nên một mô hình chính trị mới”, trong đó những giả thiết lâu đời bị gạt sang một bên.

Theo Theo New York Times
MỚI - NÓNG