TT Putin làm gì sau khi rời khỏi điện Kremli

TT Putin làm gì sau khi rời khỏi điện Kremli
TP - Theo ý kiến của các nhà phân tích, có nhiều chức vụ mà ông Putin có thể đảm nhiệm sau khi mãn hạn nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai.
TT Putin làm gì sau khi rời khỏi điện Kremli ảnh 1
Tổng thống Putin

Thứ tự là: 1/ Đứng đầu tập đoàn khí đốt  khổng lồ “Gazprom” ; 2/ Thủ tướng ; 3/ Chủ tịch Đuma Quốc gia ; 4/ Chủ tịch đảng cầm quyền “Nước Nga thống nhất” ; 5/ Chủ tịch Quỹ mang tên ông và 6/ Đứng đầu Hội đồng Nhà nước.

Khả năng thứ nhất (đứng đầu tập đoàn “Gazprom”, hoặc một trong những  tập đoàn dầu mỏ khổng lồ “Transneft” và “Rosneft”) bị đa số các nhà phân tích bác bỏ.

Theo họ, những phương án gắn liền tương lai ông Putin với hoạt động kinh doanh hoặc thương mại là không hiện thực bởi vì đối với quan niệm của người dân Nga, hoạt động kinh doanh và thương mại không thích hợp với các chính khách, đặc biệt là một chính khách tầm cỡ như ông Putin.

Nói chung, đa số người Nga cho rằng sau khi rời khỏi điện Kremli, ông Putin vẫn là chính khách số một của nước Nga bất kể Tổng thống tương lai là ai.   

Khả năng ông Putin làm Thủ tướng chỉ có thể trở thành hiện thực nếu nước Nga là một nước Cộng hòa Nghị viện, tức là Tổng thống chỉ đóng vai trò nghi lễ là chính còn quyền hành tập trung trong tay Thủ tướng do Quốc hội bầu lên.

Nhưng hiện nay nước Nga theo chế độ Tổng thống còn Thủ tướng là cấp dưới trực tiếp của Tổng thống, bởi vậy khó hình dung nổi mối quan hệ như vậy giữa ông Putin và người kế nhiệm ông. Đấy là chưa kể nguy cơ sẽ xẩy ra xung đột giữa Tổng thống và Thủ tướng.

Bởi vậy, đa số các nhà phân tích loại trừ khả năng này. Một số ý kiến cho rằng ông Putin có thể làm Thủ tướng nhưng khi ấy sẽ phải phân bố các chức trách theo hướng có lợi cho Thủ tướng, chẳng hạn, Thủ tướng sẽ được trao trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan với việc quản lý kinh tế và thông qua chính phủ, giải quyết cả những vấn đề đối ngoại và quốc phòng.

Như vậy, không cần sửa đổi Hiến pháp mà quyền hành chủ yếu vẫn tập trung vào tay Thủ tướng. Nhưng nói chung, khả năng này ít có cơ trở thành hiện thực.

Khả năng ông Putin làm Chủ tịch Nghị viện (Đuma Quốc gia) bị hầu hết các nhà phân tích bác bỏ. Họ cho rằng không thể hình dung một Tổng thống năng động như ông Putin mà lại ngồi yên một chỗ trên Chủ tịch đoàn để giới thiệu người này, người nọ lên phát biểu ý kiến hoặc đóng vai trò thụ động là làm trung gian giữa các phe nhóm khác nhau.

Đa số các nhà phân tích cũng loại trừ khả năng ông Putin trở thành người đứng đầu một chính đảng nào đó cho dù đó là đảng “Nước Nga thống nhất”  cầm quyền.

Chắc chắn ông sẽ không chấp nhận việc bản thân ông từ người đứng đầu cả nước, cả xã hội, biến thành một nhân vật chỉ đại diện cho một bộ phận của xã hội.

Đa số các nhà phân tích cũng không tin ông Putin sẽ đứng đầu Quỹ mang tên ông và do ông thành lập. Đó là vì ở nước Nga, khái niệm “Quỹ” thường gây ấn tượng không mấy tốt đẹp về những khoản tiền nào đó “quay vòng” nhằm những mục đích không rõ ràng.

Hơn nữa, khái niệm “Quỹ” thường bị liên tưởng với tuổi già, với sự thất thế (chẳng hạn như “Quỹ Ensin”, “Quỹ Gorbachov” ), điều này trái ngược hẳn với vị thế và hình ảnh năng động của ông Putin hiện nay.

Vậy ông Putin sẽ làm gì sau tháng 3 năm 2008?

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng ông Putin sẽ đảm nhận một chức vụ vẫn trên đỉnh cao quyền lực và do đó, cho phép ông duy trì được ảnh hưởng của mình đối với tình hình đất nước, đồng thời không phải sa vào những công việc hành chính hằng ngày.

Hơn thế nữa, chức vụ đó sẽ có nhiệm kỳ 4 năm để đến năm 2012, nếu tình hình thuận lợi ông sẽ lại ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ 3 mà sẽ không vi phạm Hiến pháp bởi vì Hiến pháp Nga chỉ ngăn cấm việc ra ứng cử Tổng thống 3 nhiệm kỳ liên tiếp.

Cũng theo các nhà phân tích, chức vụ như vậy chỉ có thể là chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nhưng là một Hội đồng Nhà nước đã đổi mới, đã được tăng thêm quyền hạn.

Việc đổi mới Hội đồng Nhà nước theo hướng mở rộng quyền hạn là việc hoàn toàn có thể thực hiện được trong bối cảnh hiện nay của nước Nga, khi uy tín của ông Putin gần như tuyệt đối.

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy chỉ số tín nhiệm của ông Putin vẫn rất cao, vượt xa tất cả các nhân vật khác trên chính trường Nga, kể cả những nhân vật được coi là sẽ kế nhiệm ông như hai Phó Thủ tướng thứ nhất Sergey Ivanov và Dmitri Medvedev.                                                                

 Ngọc Thoa
Theo “Sự thật thanh niên”

MỚI - NÓNG