Từ cái USB

Từ cái USB
TP - Chính phủ mới của Ấn Độ đánh dấu 100 ngày tồn tại bằng một chiến dịch chấn hưng kinh tế rầm rộ mang tên “Make in India” (“Sản xuất tại Ấn Độ”) do Thủ tướng Narendra Modi phát động hôm 25/9 nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và đưa Ấn Độ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới.

Ngay từ khi trở thành thủ tướng cách đây hơn 3 tháng, thủ tướng Modi đã cam kết tái thiết nền kinh tế và an ninh quốc phòng. Bằng quyết tâm cắt giảm tình trạng quan liêu, internet hóa các thủ tục đầu tư và hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề, Ấn Độ đã lấy lại được đà tăng trưởng kinh tế. 21 cụm công nghiệp mới đã được phê duyệt và xây dựng. Tăng trưởng công nghiệp đạt 4,2% so với mức – 0,4% của năm 2013.

Đặc biệt, với sự khích lệ của thủ tướng Modi, ngày 24/9 vừa qua, Ấn Độ đã phóng thành công chiếc tàu vũ trụ do chính mình chế tạo lên sao Hỏa với giá rất rẻ, một khởi đầu tốt đẹp cho sự khôi phục ngành hàng không vũ trụ.

Thế nhưng, trong ngày phát động chiến dịch “Make in India” đã xảy ra một sơ suất nhỏ không đáng có trong một sự kiện lớn được chuẩn bị công phu. Đó là chiếc thẻ nhớ máy tính (USB) lưu trữ sách điện tử quảng bá chương trình “Make in India” lại là hàng “Made in China” (“Sản xuất tại Trung Quốc”).

Trang kinh tế của tờ The Wallstreet Journal đã chụp được hình ảnh này và cho rằng đây là cái giá mà Ấn Độ phải trả cho sai lầm của 35- 40 năm trước, khi bỏ rơi ngành sản xuất điện tử. Hậu quả, nhu cầu phần cứng điện tử ở Ấn Độ dự kiến là 400 tỷ USD vào năm 2020, trong khi sản xuất trong nước chỉ đạt 104 tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu này, Ấn Độ phải nhập khẩu 296 tỷ USD. 

Điều đáng nói, không phải Ấn Độ không sản xuất được USB, mà do không được chú trọng đầu tư nên cung không đủ cầu. Nếu như năm 2013, Ấn Độ xuất khẩu USB đạt 39 triệu USD, thì phải nhập khẩu tới 120 triệu USD, trong đó phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đó là chưa kể, trong số 39 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, chi phí vận chuyển đã tiêu tốn 17,2 triệu USD. Trong khi, thủ tướng Modi phát động chiến dịch này với tuyên bố: “Với Make in India, các bạn có thể bán ở bất kỳ nơi đâu, nhưng hãy sản xuất tại đây…”, vậy mà chiếc USB cho chiến dịch này lại là hàng nhập khẩu thì thật mất điểm.

Trước thực tế này, một số chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi: “Nên chăng bắt đầu lại từ cái USB?”

MỚI - NÓNG