UAE lên kế hoạch táo bạo xây núi để tăng lượng mưa

Tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới xuyên qua những đám mây tại UAE . (Ảnh: Pinterest)
Tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới xuyên qua những đám mây tại UAE . (Ảnh: Pinterest)
Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đang nghiên cứu một kế hoạch đầy táo bạo, theo đó một ngọn núi lớn sẽ được xây nhằm giúp tăng tối đa lượng mưa cho vương quốc Trung Đông này.

Lâu nay, UAE vẫn luôn nổi tiếng với những dự án quy mô lớn đầy tham vọng. Có thể kể tới những “siêu dự án” như tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa, hay đảo nhân tạo hình cây cọ Palm Jumeirah, vươn ra biển gần Dubai.

Dù vậy thì ngay với những người UAE, việc xây một ngọn núi nhân tạo cũng là một kế hoạch đầy tham vọng, với một mục tiêu duy nhất: đem mưa đến với vương quốc trên sa mạc này.

Theo tờ Arabian Business, UAE đang trong giai đoạn đánh giá sơ bộ tác dụng tăng lượng mưa nếu một ngọn núi nhân tạo được xây dựng tại nước này. Chính quyền địa phương đang tham vấn các chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia (NCAR) tại Mỹ, về tính khả thi của ý tưởng.

“Những gì chúng tôi đang xem xét về cơ bản bao gồm đánh giá tác động đối với thời tiết mà dạng núi này tạo ra, độ cao của nó khoảng bao nhiêu và sườn núi sẽ thế nào”, nhà nghiên cứu Roelof Bruintjes tại NCAR chia sẻ với tờ Arabian Business. “Chúng tôi sẽ công bố báo cáo giai đoạn một trong mùa hè này, và đó là bước đi khởi đầu”.

Trong tự nhiên, các ngọn núi có vai trò quan trọng đối với lượng mưa. Khi những luồng không khí ẩm di chuyển tới một ngọn núi nó sẽ buộc phải bay lên cao, và nhiệt độ của khối khí giảm xuống. Khi đó khối khí có thể ngưng tụ và chuyển thành dạng lỏng, rơi xuống đất tạo thành mưa.

Về cơ bản, điều đó có nghĩa là lượng mưa thường cao hơn tại các khu vực có sườn núi đón gió, trong khi ở sườn núi đối diện sẽ khô hơn.

Mưa là vấn đề rất quan trọng với UAE. Mỗi năm, nước này chỉ có vài ngày có mưa, trong khi vào mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 43 độ C và rất khô nóng. Lượng mưa hàng năm tại quốc gia này về cơ bản chỉ khoảng 127mm. Trong khi đó tại Washington, con số này là gần 1010 mm/năm, và ở các nước nhiệt đới như Việt Nam là từ 1500 – 2000mm/năm.

Để ứng phó với tình trạng này, những năm qua, UAE đã có một chiến dịch tạo mưa nhân tạo khắp cả nước. Theo Arabian Business, trong năm ngoái vương quốc này chi 558.000 USD để tạo ra 186 đám mây nhân tạo, giúp gây mưa.

Đến nay, chiến dịch này có vẻ đang phát huy hiệu quả khi lượng mưa đạt cao hơn kỳ vọng. Dù vậy có một hệ quả không mong muốn đó là trong tháng 3, lượng mưa cao kỷ lục 280mm trong vòng 24 giờ, một phần do hoạt động tạo mây nhân tạo, đã khiến quốc gia này hỗn loạn vì ngập lụt.

Những ngọn núi có thể đem đến tác động lớn đối với lượng mưa, và có thể, ít nhất về mặt lý thuyết, được dùng để giữ mưa lại tại một số khu vực. Đến nay UAE đã chi 400.000 USD để nghiên cứu ý tưởng này.

Dù vậy chuyên gia Bruintjes tại NCAR không che giấu sự e ngại rằng, chi phí cho dự án có thể là quá cao ngay cả đối với UAE. "Xây dựng một ngọn núi không phải vấn đề đơn giản", ông Bruintjes nói.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG