Úc: Lao động nước ngoài bị đối xử như nô lệ

Lao động nước ngoài chủ yếu thu hoạch rau quả hoặc làm việc trong các nhà máy chế biến. Ảnh: ABC
Lao động nước ngoài chủ yếu thu hoạch rau quả hoặc làm việc trong các nhà máy chế biến. Ảnh: ABC
TP - Bị trả công thấp, làm 22 giờ mỗi ngày và phải ngủ trên chỗ dành cho chó, nhiều người còn phải chấp nhận quan hệ tình dục để được gia hạn visa hoặc nghỉ làm. Thực trạng lao động nước ngoài, chủ yếu đến từ châu Á và châu Âu, bị đối xử như nô lệ ở Úc vừa bị báo chí nước này phơi bày.

Cuộc điều tra của chương trình truyền hình Four Corners phát hiện ra tình trạng lạm dụng lao động nước ngoài trên khắp các trang trại cung cấp thực phẩm cho những siêu thị lớn nhất của Úc. Những đối tượng trung gian trên thị trường đen chuyên cung cấp nhân công nước ngoài cho các trang trại, nhà máy sản xuất ở Úc, nơi họ thường xuyên bị trả công dưới mức quy định, bị bóc lột và lạm dụng khi làm công việc tay nghề thấp.

Các thương hiệu lớn ở Úc như Coles, Woolworths, Aldi, Costco, IGA hay chuỗi ăn nhanh KFC và Red Rooster đều dính dáng những cáo buộc này. “Đây thực sự là vấn đề phổ biến cả nước”, phóng viên đài ABC Caro Meldrum-Hanna, trưởng nhóm điều tra, nói.

Đài truyền hình quốc gia Úc cho rằng, mỗi năm, hàng trăm triệu đô la Mỹ lẽ ra phải trả cho các lao động này đã bị ăn quịt. Nhưng một trong những cáo buộc nghiêm trọng nhất mà cuộc điều tra phát hiện ra là tình trạng đối xử tệ hại với lao động nữ.

Theo báo cáo, các lao động nữ nhập cư bị tấn công và phải chấp nhận quan hệ tình dục để được gia hạn visa hay đơn giản là không phải làm quá nhiều giờ. Những người nhập cư bị lạm dụng thường là những người dễ bị tổn thương, vốn tiếng Anh ít ỏi và sợ mất việc. “Nếu họ nói ra hay phàn nàn, họ sẽ bị sa thải hoặc trục xuất”, bà Meldrum-Hanna nói.

Nhà báo Meldrum-Hanna nói rằng, trong một số trường hợp, người lao động bị ép phải làm việc đến 22 giờ mỗi ngày và thường xuyên không được đi vệ sinh hay nghỉ uống nước. “Có những người tè cả ra quần mà băng chuyền vẫn cứ chạy”, bà Meldrum-Hanna nói.

Trong một trang trại ở bang Queensland, một nhóm người lao động xuất hiện trong phóng sự cho biết họ bị ép phải ngủ trên giường chó. Trong một trường hợp khác, một phụ nữ đáng lẽ phải được trả 20,9 USD/giờ nhưng thực tế chỉ được trả 3,9 USD/giờ.

Chính quyền làm ngơ

Các lao động di cư hợp pháp vào Úc theo diện visa kỳ nghỉ làm việc 417 - một chương trình có mục đích ban đầu là tăng cường giao lưu văn hóa. Loại visa này cho phép người lao động được đi lại và làm việc trong 6 tháng tại một địa điểm, làm những việc tay nghề thấp như thu hoạch rau quả hay làm trong các nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm ở một vài khu vực.

Úc đón 150.000 lao động nhập cư mỗi năm, và ngành công nghiệp nước này phụ thuộc nhiều vào họ. Nhưng những đối tượng trung gian cung cấp lao động cho các trang trại đang bớt xén tiền công của người lao động và đẩy thị trường đen phát triển mạnh. Các đối tượng cung cấp lao động hoạt động theo 2 cách. Một số có quan hệ với các tổ chức nước ngoài chuyên cung cấp lao động rồi quản lý người lao động từ khi họ vào Úc. Cách thứ hai là người lao động được tuyển thông qua các trang web cung cấp việc làm cho người mang visa 417.

Theo phóng sự điều tra, chính tình trạng thiếu giám sát từ cơ quan nhập cư đã dẫn tới tình trạng lạm dụng và vi phạm diễn ra phổ biến. Không chỉ các lao động nhập cư trở thành nạn nhân của hệ thống này. Tình trạng lạm dụng lao động nhập cư tràn lan đang đẩy nông dân và chủ lao động làm việc tử tế ra khỏi thị trường và cũng làm tổn hại uy tín của Úc.

Phóng viên Four Corners đã phỏng vấn tổng giám đốc một trong những nhà cung cấp khoai tây lớn nhất ở Úc. Vị tổng giám đốc này nói rằng, gần đây, hãng bị hai siêu thị lớn từ chối để nhận khoai tây giá rẻ hơn nhờ sử dụng lao động bị bóc lột. 

Cơ quan di trú bị cáo buộc đã nhắm mắt làm ngơ cho hoạt động lạm dụng lao động di cư. Nhóm điều tra cho rằng, tình trạng này có thể chấm dứt chỉ với một vài sửa đổi, như tăng cường giám sát những người được cấp visa 417. Sau khi phóng sự điều tra của Four Corners được phát sóng, chính quyền bang Victoria nói rằng, họ sẽ cho điều tra tình trạng lạm dụng lao động trong nửa cuối năm nay.

Theo ABC, News
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).