Vắng mặt tại tòa, cựu Thủ tướng Thái Lan bị truy nã

Cựu Thủ tướng Yingluck xúc động khi được nhận hoa từ người ủng hộ trong phiên tòa trước đó. Ảnh: AP
Cựu Thủ tướng Yingluck xúc động khi được nhận hoa từ người ủng hộ trong phiên tòa trước đó. Ảnh: AP
TPO - Tòa án Tối cao Thái Lan vừa ban hành lệnh truy nã cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau khi bà Yingluck bất ngờ vắng mặt trong phiên tòa sáng 25/8.

Theo Bangkok Post, trong phiên tòa sáng 25/8, các thẩm phán của tòa án Tối cao Thái Lan đã bác bỏ lời giải thích của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra rằng bà gặp vấn đề về sức khỏe và bị chóng mặt.

Luật sư của bà Yingluck cũng thất bại trong việc trình giấy chứng nhận y khoa nhằm chứng minh cho lí do vắng mặt của thân chủ.

Ngay sau đó, tòa Tối cao Thái Lan ban hành lệnh truy nã cựu Thủ tướng, đồng thời tịch thu khoản tiền bảo lãnh 30 triệu baht của bà Yingluck. Tòa tuyên bố hoãn việc công bố bản án tới ngày 27/9.

Trước đó, hôm 24/8, bà Yingluck đã kêu gọi những người ủng hộ tránh xa tòa án vì những lí do an ninh.

Báo cáo cho biết bà Yingluck được nhìn thấy lần cuối tại Wat Rakhang Kositaram ở Bangkok vào thứ Tư, 23/8.

Khoảng 4.000 cảnh sát đã được triển khai khắp các đường phố ở Bangkok hôm nay, 25/8 để đảm bảo an ninh cho phiên xét xử cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra với cáo buộc lơ là, thiếu trách trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo. Khoảng 1.000 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa án để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Yingluck

Nếu bị kết án, bà Yingluck có thể sẽ phải ngồi tù 10 năm và bị cấm tham gia chính trị suốt đời.

Năm 2014, bà Yingluck bị cáo buộc sơ suất trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi. Chương trình này là nội dung chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck cùng đảng Pheu Thai, đã giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011.

Theo kế hoạch cam kết lúa gạo của bà Yingluck, chính phủ đã mua lúa ở mức giá gần gấp đôi so với giá thị trường. Đây là chính sách quan trọng nhằm tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp nông dân Thái Lan đối với Yingluck. Chính nhờ vậy mà Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo số một thế giới.

Tuy nhiên, chương trình này cũng đã dẫn đến việc Thái Lan trở thành kho dự trữ gạo chưa bán khổng lồ. Số lượng gạo trong kho không bán được, hoặc cũng có thể là chính quyền mới chưa muốn bán. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình của giới tinh hoa ở Bangkok. Kết quả, bà Yingluck bị lật đổ vào năm 2014 và bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm.

Theo chính quyền quân sự Thái Lan, chính sách sai lầm này đã gây thiệt hại khoảng 8 tỷ USD.

Sau đó, bà Yingluck trở thành tâm điểm cuộc điều tra của Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia (NACC) về vấn đề trợ cấp gạo và bị đưa ra xét xử. Quá trình tố tụng kéo dài hơn hai năm.

Theo Theo Bangkok Post
MỚI - NÓNG