Vì sao Israel cố giữ quan hệ 'gần gũi' với Nga

Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp.
Các tên lửa S-400 có thể là rào cản lớn đối với các chiến dịch của Không quân Israel, bởi vậy, Israel cần sự đảm bảo từ phía Nga rằng các tên lửa S-400 sẽ không cản trở hoạt động của máy bay Israel trên không phận Syria.

Dù ủng hộ hay phản đối Tổng thống Vladimir Putin, người ta đều phải thừa nhận một thực tế là chiến dịch không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của Nga tại Syria đã gây ảnh hưởng tới chính trường Trung Đông.

Có lẽ cũng không quá khi cho rằng chiến dịch quân sự này đã tác động không nhỏ tới hầu hết các quốc gia trong khu vực, song giới phân tích nhiều khi đã bỏ sót một nhân tố rất quan trọng trong bối cảnh này là Israel. Lợi ích của nhà nước Do Thái trong việc duy trì mối quan hệ đối với Nga lớn và sâu sắc tới mức Israel không thể bỏ qua.

Lịch sử quan hệ giữa Nga và Israel vốn rất phức tạp. Liên bang Xôviết ủng hộ sự thành lập nhà nước Israel năm 1948, song lại quay sang hậu thuẫn phe Arập trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, và thậm chí còn đe dọa tấn công Israel trong Chiến tranh 1967 và Chiến tranh Yom Kippur 1973. Tuy nhiên, sau khi ông Putin lên nắm quyền, có thể nói Israel đã tìm thấy “một người bạn” ở Moskva.

Israel và Nga cùng chia sẻ những quan ngại về chủ nghĩa khủng bố. Năm 2014, ông Putin là một trong những nhà lãnh đạo ủng hộ Chiến dịch Vành đai Bảo vệ (Operation Protective Edge) chống phong trào Hamas của Israel, với tuyên bố: “Tôi ủng hộ cuộc chiến bảo vệ người dân của Israel”. 

Năm 2005, ông Putin trở thành nhà lãnh đạo Nga đầu tiên tới Israel, tới thăm Bức tường Than khóc- một điểm linh thiêng của người Do Thái, tới bảo tàng tưởng niệm diệt chủng Yad Vashem. 

Ông Putin quay trở lại Israel vào năm 2012 với tư cách khách mời danh dự và dự lễ khánh thành tượng đài ghi công các binh sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến chống phát xít hồi Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tuy nhiên, lợi ích quốc gia vẫn là mối ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Nga. Với việc hiện đại hóa quân đội và triển khai lực lượng tới Trung Đông, Moskva đã tự tạo cho mình những năng lực đáng kể, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của Israel.

Thứ nhất, mặc dù Israel vẫn cương quyết đứng ngoài cuộc chiến ở Syria, có một “giới hạn đỏ” mà Israel kiên định giữ vững là không cho phép các loại vũ khí tân tiến được từ Iran tới Syria hay tới lực lượng Hezbollah ở Liban. 

Lực lượng Không quân Israel đã triển khai triệt để chính sách này, và trong suốt cuộc chiến ở Syria họ đã nhiều lần tấn công các đoàn xe chở vũ khí. Bởi vậy, việc Nga triển khai tên lửa đất đối không S-400 là mối lo ngại đặc biệt lớn đối với Israel. 

Với tầm bắn 250 dặm và khả năng tấn công 36 máy bay cùng lúc, S-400 có thể trở thành nhân tố thay đổi đáng kể cuộc chơi. Một sỹ quan cấp cao của Israel thậm chí còn miêu tả loại tên lửa này là “cơn ác mộng”. 

Các tên lửa S-400 có thể là rào cản lớn đối với các chiến dịch của Không quân Israel, bởi vậy, Israel cần sự đảm bảo từ phía Nga rằng các tên lửa S-400 sẽ không cản trở hoạt động của máy bay Israel trên không phận Syria.

Xuất phát từ những lo ngại này, cũng như mong muốn tránh va chạm với quân đội Nga, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới thăm Nga để gặp ông Putin ngay khi Moskva đưa ra các cam kết quân sự với Syria. 

Sau cuộc gặp này, cũng như một cuộc gặp bên lề hội nghị khí hậu ở Paris, Thủ tướng Netanyahu đã nhận được cam kết đảm bảo từ phía ông Putin. Tuy nhiên, sáu tuần sau đó, tình hình đã có những thay đổi tiêu cực. Theo một nguồn tin, Nga đang vận chuyển vũ khí trực tiếp tới Hezbollah, bởi Moskva cho rằng Hezbollah là lực lượng chiến đấu hiệu quả hơn quân đội Syria. 

Nếu thông tin này là xác thực, chắc chắn sẽ có hai câu hỏi nảy sinh. Một là liệu các loại vũ khí này có cùng loại với những gì Hezbollah nhận được từ Iran, hay đây là những vũ khí tân tiến hơn? Và liệu Nga có cho phép Hezbollah sử dụng các loại vũ khí này chống lại Israel cũng như quân nổi dậy Syria hay không. Dù thế nào đi nữa, ông Netanyahu cũng cần đảm bảo rằng lo ngại của Israel đối với Hezbollah được Nga lưu tâm.

Thứ hai, Israel không hài lòng với việc Nga cung cấp vũ khí cho Iran. Sau thỏa thuận ký hồi năm 2007 để cung cấp các tên lửa phòng không S-300 cho Iran, Nga đã hoãn thực thi thỏa thuận dưới sức ép của phương Tây và do tôn trọng lo ngại của Israel. 

Tuy nhiên, sau khi cùng các cường quốc và Iran ký thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 7 vừa qua, Nga lại công bố ý định hoàn tất thỏa thuận nói trên. Cựu Giám đốc chương trình phòng thủ tên lửa của Israel lưu ý rằng “đã có những thay đổi đáng kể trong năng lực của Iran và điều kiện hiện tại không phù hợp để lực lượng phòng không triển khai bất kỳ một chiến dịch nào”. 

Israel đang tìm cách tận dụng mối quan hệ tốt đẹp với ông Putin để hạn chế những tác động tiêu cực từ quyết định này của Moskva, nhất là đảm bảo Hezbollah không bao giờ sở hữu hệ thống tên lửa S-300.

Vì sao Israel cố giữ quan hệ 'gần gũi' với Nga ảnh 1 Ông Putin trong chuyến thăm Israel năm 2012. Ảnh: Reuters 

Cuối cùng, một trong những vấn đề chi phối mối quan hệ song phương giữa Nga và Israel là khoảng 200.000 người Do Thái hiện đang sinh sống ở Nga. Trên thực tế, những suy nghĩ tích cực của ông Putin đối với Israel xuất phát từ quan điểm tôn trọng các tín ngưỡng và tư tưởng Do Thái của chính ông.

Ở trong nước, ông Putin có rất nhiều bè bạn là doanh nhân và quan chức người Do Thái. Ông cũng nhận thức được những ảnh hưởng tích cực từ tư tưởng Do Thái đối với thời niên thiếu của mình. Nhà lãnh đạo Nga còn ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng Do Thái tại Moskva, và thậm chí còn đóng góp tài chính cho công trình này. 

Ông từng nhấn mạnh “kịch liệt phản đối mọi hình thức bài Do Thái và bài ngoại”, đảm bảo trao trả lại cho người Do Thái nhiều thánh đường từng bị chiếm đóng dưới thời Xôviết và ban hành luật cấm bình luận phỉ báng Do Thái. Giới lãnh đạo Israel biết rằng bất chấp những quan điểm cá nhân tích cực đối với Do Thái của ông Putin, sự suy yếu trong quan hệ song phương có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của cộng đồng Do Thái tại Nga, và điều này càng khiến giới chức Israel kiên trì đảm bảo quan hệ hữu hảo với Kremlin.

Chính sách đối ngoại của Israel trong cuộc khủng hoảng Ukraine phản ánh rõ nét quan điểm tránh mâu thuẫn và thù địch với ông Putin. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Israel đã tránh bỏ phiếu về một nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm lên án hành động của Nga, và Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman chỉ nhấn mạnh: “Lập trường của chúng tôi là hy vọng Nga và Ukraine sẽ tìm cách nhanh chóng bình thường hóa quan hệ, tìm cách đối thoại và giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình”. 

Israel còn bất chấp sự phản đối của Mỹ để thiết lập một đường dây liên lạc mã hóa giữa hai văn phòng tổng thống Netanyahu và Putin, một tín hiệu cho thấy mong muốn duy trì quan hệ bền chặt với Moskva.

Theo Theo TTXVN/Tin Tức
MỚI - NÓNG