Vì sao thẩm phán Mỹ dừng lệnh hạn chế nhập cư của Trump?

Thẩm phán James Robart, người ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cư của Trump. Ảnh: ST
Thẩm phán James Robart, người ra phán quyết đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cư của Trump. Ảnh: ST
Thẩm phán Mỹ ra phán quyết có ảnh hưởng lớn nhất tới sắc lệnh hạn chế nhập cư của Trump sau khi nhận đơn kiện từ Tổng chưởng lý bang Washington.

Thẩm phán liên bang Mỹ James Robart ở Seattle, bang Washington, ngày 3/2 ra phán quyết yêu cầu hoãn thi hành các điều khoản chính của sắc lệnh hạn chế nhập cư mà Tổng thống Donald Trump ký ban hành sau khi nhậm chức, theo Seattle Times.

Phán quyết này được đưa ra sau khi ông Bob Ferguson, thành viên đảng Dân chủ, Tổng chưởng lý Washington, hôm 30/1 nộp đơn kiện sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Trump ký ba ngày trước đó. Trong đơn kiện này, ông Ferguson cho rằng lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump nhắm vào người Hồi giáo, vi phạm quyền hiến định của người nhập cư và gia đình họ.

Trong đơn kiện dài 19 trang, ông Ferguson cáo buộc sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump vi phạm các điều khoản đảm bảo quyền tự do tôn giáo và bình đẳng được quy định trong Hiến pháp Mỹ.

Đơn kiện còn trích dẫn những câu nói mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử, chẳng hạn như cam kết "đóng cửa toàn bộ đối với người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ". Nguyên đơn cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump "mang động cơ thù hận và nhằm mục đích gây hại cho một nhóm người cụ thể".

"Các tòa án liên bang không có vai trò nào thiêng liêng hơn là bảo vệ các nhóm thiểu số chống lại sự phân biệt đối xử", đơn kiện của Ferguson có đoạn viết. Đơn kiện này nhận được sự hậu thuẫn của nhiều tập đoàn lớn ở Mỹ, trong đó có Amazon và Expedia. Các tập đoàn này cho rằng lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, giáo dục, kinh doanh cũng như các gia đình và công dân bang Washington.

Trong phiên điều trần trước tòa diễn ra hôm qua, đại diện trường Đại học Washington nói rằng việc nhiều sinh viên, giảng viên của họ bị mắc kẹt tại nước ngoài do lệnh hạn chế nhập cư đã gây hậu quả "trực tiếp và tức thời".

Sau khi Ferguson nộp đơn kiện, các luật sư đại diện cho chính quyền của Trump hôm 2/2 nộp bản kháng nghị, cho rằng đơn kiện thiếu cơ sở pháp lý, rằng Tổng thống đã thực thi quyền lực của mình một cách phù hợp để bảo vệ người dân Mỹ.

"Bất cứ tổng thống nào trong 30 năm qua đều sử dụng quyền lực này để đình chỉ hoặc hạn chế việc nhập cảnh của những công dân nước ngoài nhất định, trong một số trường hợp dựa trên quốc tịch", bản kháng nghị có đoạn. Văn bản này cũng trích dẫn những phán quyết trước đây của tòa án cho rằng hiến pháp Mỹ không có quy định nào về quyền của các công dân nước ngoài được nhập cảnh vào Mỹ.

Trong một cuộc họp báo trước đó, Susan Hutchison, người đứng đầu đảng Cộng hòa ở bang Washington, cáo buộc ông Ferguson nộp đơn kiện chỉ vì mục đích chính trị, nhằm phục vụ cho nỗ lực tranh cử vị trí thống đốc bang trong tương lai.

"Tôi cho rằng ông ấy biết rõ đơn kiện của mình có cơ sở pháp lý rất yếu", bà Hutchison nói. "Tôi không phải luật sư, nhưng tôi đã trao đổi với các luật sư và họ đều nói rằng lập luận của đơn kiện rất thiếu vững chắc".

Tuy nhiên, thẩm phán Robart bác bỏ điều này. Trong phán quyết miệng của mình được đưa ra vào chiều ngày 3/2, thẩm phán được cựu tổng thống George W. Bush bổ nhiệm này đã vô hiệu hóa nhiều điểm chủ chốt trong sắc lệnh hành pháp của Trump. Phán quyết bằng văn bản được ông Robart ban hành vào tối cùng ngày.

Vì sao thẩm phán Mỹ dừng lệnh hạn chế nhập cư của Trump? ảnh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp. Ảnh: AP

Phán quyết của thẩm phán Robart cấm "các nhân viên liên bang thực thi sắc lệnh của Trump" và ông này nói rõ rằng phán quyết được áp dụng trên toàn quốc.

Theo thông báo được ông Ferguson đưa ra ngay sau đó, phán quyết này của thẩm phán Robart sẽ khiến lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump bị đình chỉ tạm thời, cho đến khi thẩm phán Robart ra phán quyết cuối cùng để xác định đơn kiện có hợp pháp và hợp hiến hay không. "Nếu Ferguson thắng, sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh của ông Trump sẽ bị vô hiệu hóa vĩnh viễn trên toàn quốc", bản thông báo nhấn mạnh.

Trước đó, nhiều thẩm phán khác trên khắp nước Mỹ cũng đã ra những phán quyết khác nhau liên quan đến lệnh cấm nhập cảnh của Trump. Victoria Roberts, Thẩm phán Detroit, đã ra phán quyết bảo vệ những người mang thẻ xanh trước lệnh cấm của Trump, dù sau đó Nhà Trắng xác nhận những người này không phải là đối tượng bị áp dụng lệnh cấm.

Ở Boston, thẩm phán Nathaniel Gorton lại từ chối gia hạn một lệnh tạm thời cho phép một số người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Trump được nhập cảnh. Lệnh tạm thời này được một thẩm phán New York đưa ra, yêu cầu chính phủ Mỹ không trục xuất những người đang bị tạm giữ tại các sân bay vì lệnh cấm của Tổng thống.

Theo giới quan sát, đến nay phán quyết của thẩm phán Robart là có ảnh hưởng sâu rộng hơn cả, thậm chí có thể coi là một bước lùi lớn trong chính sách Tổng thống Trump. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ đã cho phép những người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump được lên máy bay tới Mỹ sau khi nhận được phán quyết của thẩm phán Robart.

Trong tuyên bố được đưa ra sau phán quyết, Nhà Trắng cho biết Bộ Tư pháp đang lên kế hoạch bảo vệ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống, cho rằng ông Trump có quyền hạn hợp pháp được quy định trong Hiến pháp để "bảo vệ người dân Mỹ". Theo luật, Nhà Trắng có thể khiếu nại lên Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ Khu vực 9 đề nghị bãi bỏ phán quyết của thẩm phán Robart và khôi phục sắc lệnh hạn chế nhập cư.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.