Việt Nam sẽ cụ thể hóa quan hệ với các nước lớn

Việt Nam sẽ cụ thể hóa quan hệ với các nước lớn
TP - Năm 2013, châu Á - Thái Bình Dương trở thành điểm nóng cạnh tranh giữa các nước lớn, nhiều quốc gia đẩy mạnh chạy đua vũ trang. Trong tình hình thế giới phức tạp, Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu ngoại giao quan trọng, đặc biệt là thiết lập khuôn khổ quan hệ với các nước lớn. Năm 2014, Việt Nam sẽ cụ thể hóa những mối quan hệ này, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí chiều 31/12.

> Ngoại giao nhân dân góp phần bảo vệ chủ quyền
> Ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc (*)

Xin Phó Thủ tướng - Bộ trưởng cho biết những vấn đề chính trị nổi cộm nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2013?

Trước đây, Trung Đông - Bắc Phi là khu vực cạnh tranh lợi ích chiến lược, nhưng giờ trọng tâm đã chuyển sang châu Á - Thái Bình Dương. Trước đây, chúng ta nhận định châu Á - Thái Bình Dương là nơi phát triển kinh tế năng động và hòa bình, ổn định. Nhưng trong năm 2013 có thể thấy, khu vực này có nhiều điểm nóng với sự cạnh tranh giữa các nước lớn, cụ thể là giữa Trung Quốc với Mỹ khi Trung Quốc đang vươn lên, còn Mỹ xoay trục chuyển sang châu Á - Thái Bình Dương. Điều này làm tăng cạnh tranh chiến lược, thể hiện rất rõ ở những vùng Hoa Đông, biển Đông.

Nhìn lại bức tranh của năm 2013, tình hình kinh tế đã phục hồi triển vọng, nhưng tình hình chính trị xảy ra nhiều bất ổn. Châu Á - Thái Bình Dương trở thành nơi chạy đua vũ trang ngày càng tăng với việc các nước trong khu vực tăng cường mua sắm vũ khí. Ngay cạnh Việt Nam là vấn đề biểu tình ở Thái Lan, Campuchia - những nơi mà chúng ta phải quan tâm.

Nâng cao vị thế Việt Nam

Xin Phó Thủ tướng - Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, ngành đối ngoại của Việt Nam đã triển khai những việc gì về kết quả ra sao?

Hoạt động đối ngoại năm 2013 mang tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm nhưng chiến lược. Trong năm 2013, Việt Nam đã hoàn thành một khuôn khổ quan hệ với các nước láng giềng, các nước có vị thế quan trọng trên thế giới. Trong 13 đối tác chiến lược từ năm 2011 đến nay, chúng ta xác lập 11 đối tác toàn diện riêng trong năm 2013. Các khuôn khổ quan hệ đó liên quan đến lợi ích chiến lược của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư... Giá trị thương mại của Việt Nam với 13 nước đối tác chiến lược lên tới 148 tỷ USD (chiếm gần 80% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam). ODA từ Nhật Bản chiếm tới 30% tổng ODA của các nước dành cho Việt Nam.

Chúng ta xác định khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với các nước quan trọng nhất, đặc biệt là 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đối tác chiến lược của Việt Nam tập trung cả hai khu vực là châu Á và châu Âu, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Nga, Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Chưa có một năm nào mà toàn bộ các nước trong đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam đều trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao. Điều này thể hiện mức độ quan hệ về chính trị cao, lợi ích về kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng.

Đáng chú ý là chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau 7 năm, chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin sang Việt Nam. Thủ tướng Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau khi lên cầm quyền. Tổng thống Hàn Quốc cũng chọn Việt Nam là nước châu Á đầu tiên đi thăm sau khi trúng cử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sang thăm Ấn Độ, Anh, Ý và EU (Liên minh châu Âu). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Pháp...

Một trong những tính chất nổi bật của hoạt động năm 2013 là hoạt động ngoại giao đa phương, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện ở việc Chủ tịch nước, Thủ tướng nước ta có những phát biểu rất quan trọng tại các diễn đàn quốc tế, truyền đi những thông điệp lớn về phát triển hòa bình và xây dựng lòng tin chiến lược giữa các nước với nhau, tạo ra môi trường hòa bình, ổn định. Vị thế của Việt Nam được nâng lên khi trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc với số phiếu rất cao. Điều này thể hiện mối quan hệ cả chiều rộng lẫn chiều sâu với các nước. Việt Nam cũng rất tự tin tham gia vào các diễn đàn đa phương, nên đã được bầu làm Chủ tịch của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), lần đầu tiên đảm nhận vai trò chủ tịch trong năm 2014.

Về ngoại giao kinh tế, Việt Nam thương lượng các hiệp định thương mại tự do với các khu vực. Chúng ta đã bắt được xu thế của thế giới là liên kết khu vực, tiểu khu vực, liên kết trong các hình thức tự do thương mại. Vì thế, chúng ta cùng lúc tham gia đàm phán cùng lúc 6 hiệp định thương mại tự do với TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực), EU, Liên minh Thuế quan và một số đối tác khác.

Khả quan vấn đề biên giới, COC

Vấn đề biên giới lãnh thổ trong năm 2013 cũng đạt được nhiều kết quả. Việt Nam đã tăng dày, tôn tạo cột mốc biên giới trên 2.067km biên giới với Lào, hoàn thành gần 80% xây dựng cột mốc với Campuchia. Với Trung Quốc, Việt Nam đang thực hiện 3 văn kiện về quản lý biên giới. Trên thực tế, biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng đã ổn định.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc gặp báo chí chiều 31/12 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh
Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc gặp báo chí chiều 31/12 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Trong năm 2013, chúng ta tiếp tục duy trì tình hình ổn định ở biển Đông, mặc dù trong năm 2012 và đầu 2013 diễn biến phức tạp, do những hành động ngăn chặn ngư dân của chúng ta đánh cá trên những vùng đặc quyền kinh tế và những vùng biển đánh cá truyền thống của chúng ta, hoặc những hành động tuyên bố chủ quyền quá mức gây ra tranh chấp chủ quyền như vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Trong năm 2013, chúng ta đã bảo vệ được các quyền, hoạt động của mình trên vùng đặc quyền kinh tế. Quan trọng hơn là Việt Nam cùng các nước ASEAN bắt đầu tham vấn với Trung Quốc về COC (Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông).

Xin Phó Thủ tướng - Bộ trưởng cho biết trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm 2014?

Với tình hình kinh tế tiếp tục phục hồi, tình hình chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và triển khai đường lối hội nhập của đất nước, năm 2014 là năm Việt Nam tiếp tục phải duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện thì phải làm sao để những quan hệ đó thực sự có hiệu quả. Nghĩa là về kinh tế, thương mại, đầu tư phải có biện pháp thúc đẩy với các nước đó, đồng thời không được quên quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước ở khu vực khác. Năm 2013 tập trung vào quan hệ nước lớn, sang năm 2014, Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa những quan hệ này, nhưng đồng thời phải mở rộng quan hệ với các nước khác một cách hiệu quả.

Một trong những vấn đề nổi bật trong năm qua là việc Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Một số ý kiến so sánh ADIZ với “đường lưỡi bò” trên biển Đông. Ý kiến của Phó Thủ tướng - Bộ trưởng như thế nào? Ông đánh giá như thế nào về tình hình biển Đông?

Tranh chấp trên biển Hoa Đông là tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Trước đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố ADIZ, sau đó đến Trung Quốc, dẫn đến việc các vùng nhận dạng chồng lấn nhau. Việt Nam và một số nước trong ASEAN đã bày tỏ quan ngại rằng, nếu ở biển Đông có vùng nhận dạng như thế sẽ khiến tình hình rất phức tạp cho việc duy trì an ninh tại khu vực này. Nếu có vùng nhận dạng tại biển Đông sẽ gây ra căng thẳng tại khu vực, dẫn đến những vấn đề không thể lường trước được. Vùng nhận dạng trên biển Đông khác với các tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Vấn đề biển Đông là những tranh chấp trên biển đảo chứ không phải trên vùng trời. Năm 2014, Việt Nam và các nước ASEAN kỳ vọng ký được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với Trung Quốc.

Tránh lãng phí công tác nước ngoài

Tại Hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng báo cáo với Chính phủ là trong năm 2013, số lượng đoàn công tác ra nước ngoài giảm hơn 30%. Liệu có phải đó chỉ là cắt giảm cơ học về số lượng, chứ chưa siết chặt hiệu quả? Làm thế nào để đảm bảo hiệu quả của các đoàn công tác?

Năm 2012, con số các đoàn đi nước ngoài là 3.780, năm 2013 là khoảng 2.300, nghĩa là giảm 30%. Từ đầu năm, Chính phủ ra nghị quyết phải giảm các chuyến đi nước ngoài. Các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghị quyết này, và đã giảm được 30%. Việc triển khai các hoạt động đối ngoại toàn diện và hội nhập không chỉ ở cấp trung ương, mà còn ở cấp địa phương. Đó là điều cần thiết, vì các địa phương cũng thu được nhiều kết quả trong quan hệ với các địa phương khác. Tuy nhiên, điều cần rút kinh nghiệm là có những đoàn chưa hiệu quả. Nếu đi học tập kinh nghiệm thì phải học nhiều thứ, nhưng nhiều đoàn của Việt Nam chỉ học một thứ, nghĩa là nhiều đoàn cùng đến một nơi và hỏi cùng câu hỏi, tuy rằng không phải tất cả 2.300 đoàn đều dùng ngân sách nhà nước, vì có những đoàn được tài trợ theo các dự án. Chúng ta không có đầu mối, cơ quan điều phối chung để tổng kết các kinh nghiệm học được. Vì thế, việc cần làm là chúng ta cần xây dựng một cơ sở dữ liệu để mọi người có thể học tập kinh nghiệm của các đoàn đã đi trước để tránh tình trạng lãng phí.

Bộ Ngoại giao có thể sẽ giao cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài, các đoàn sang phải báo cho cơ quan đại diện để tránh hỏi lại những vấn đề các đoàn trước đã hỏi. Các cơ quan đại diện sẽ bố trí chương trình đi để phục vụ đúng yêu cầu, nhưng với điều kiện các bộ, ngành, địa phương khi đi công tác phải báo cho Bộ Ngoại giao, Cục Ngoại vụ địa phương, các cơ quan đại diện ở nước ngoài để cố vấn xây dựng chương trình hiệu quả khi đi học tập kinh nghiệm.

TRÚC QUỲNH
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG