Việt Nam tiếp thu kinh nghiệm từ Fukushima

Diễn đàn quốc tế về công nghiệp hạt nhân AtomExpo 2014 khai mạc ngày 9/6 ở Mátxcơva. Ảnh: Nhật Nga
Diễn đàn quốc tế về công nghiệp hạt nhân AtomExpo 2014 khai mạc ngày 9/6 ở Mátxcơva. Ảnh: Nhật Nga
TPO - Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế về công nghiệp hạt nhân AtomExpo 2014 khai mạc ngày 9/6 ở Nga, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, Việt Nam tích cực nghiên cứu, tiếp thu các kinh nghiệm từ sự cố Fukushima (Nhật Bản) để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên an toàn, hiệu quả.

Thứ trưởng Quang cho biết, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tài liệu, hồ sơ thiết kế dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (gồm 2 nhà máy), dự kiến phát điện vào năm 2025 với tổng công suất 4.000 MWt.

Phát biểu trong phiên khai mạc AtomExpo 2014 tại Mátxcơva, ông Quang nói rằng, đây là diễn đàn quan trọng, hữu ích để các quốc gia cùng thảo luận cách tháo gỡ những thách thức toàn cầu, thông qua việc sử dụng năng lượng hạt nhân để đảm bảo phát triển an toàn, bền vững với chi phí hợp lý.

Tại phiên họp toàn thể với chủ đề “Năng lượng hạt nhân - điều kiện cho năng lượng bền vững”, ông Luis Echávarri, cựu Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Hạt nhân của Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ ra ba thách thức toàn cầu, gồm mất an ninh năng lượng, biến động giá nhiên liệu và biến đổi khí hậu.

Tại phiên họp toàn thể, 68% số đại biểu bỏ phiếu nhận định, thị trường năng lượng hạt nhân sẽ tăng tới năm 2030 và 58,8% cho rằng, mối quan tâm ưu tiên của các nước khi cân nhắc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là chi phí giá năng lượng.

AtomExpo 2014 (kéo dài đến 11/6) bao gồm các hội nghị bàn tròn về “Quy hoạch và tối ưu hóa chi phí điện của nhà máy điện hạt nhân ở giai đoạn thiết kế và xây dựng”, “Hỗ trợ tài chính các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân”, “Khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp điện hạt nhân so với các dạng năng lượng khác”, “Giai đoạn cuối của chu trình nhiên liệu hạt nhân - các công nghệ mới”, “Hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp hạt nhân”, “An toàn môi trường và việc phát triển văn hoá an toàn trong các tổ chức của Tập đoàn Rosatom”, “Luật hạt nhân quốc tế: Vấn đề về sự hình thành khung pháp lý quốc tế cho phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân trong thế kỷ 21”, “Kiểm soát nội bộ và kiểm toán: Các kinh nghiệm thực hành tốt nhất” và “Thiết bị chuyển đổi năng lượng và cảm biến cho ngành công nghiệp”.

AtomExpo được tổ chức thường niên bởi Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Nga Rosatom từ năm 2009.

Theo từ Mátxcơva
MỚI - NÓNG