Vòng đàm phán vì sao sụp đổ?

Vòng đàm phán vì sao sụp đổ?
TP - Ngày 22/3, sau một hồi tranh cãi với phía Mỹ về số tiền 25 triệu USD bị phong tỏa tại ngân hàng Banco Delta Asia, Trưởng đoàn đàm phán CHDCND Triều Tiên Kim Kye Gwan đã ra sân bay về nước.
Vòng đàm phán vì sao sụp đổ? ảnh 1
Trưởng đoàn Nhật Bản Kenichiro Sasae tại cuộc đàm phán 6 bên trong vòng vây các nhà báo. Ảnh: Từ Internet

Trước khi ông Kim Kye Gwan rời Bắc Kinh, đoàn CHDCND Triều Tiên đã hai ngày liền không ra phòng họp tham dự hội nghị.

Không có sự tham dự của đoàn CHDCND Triều Tiên, 5 bên còn lại gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc không thể tiếp tục vòng đàm phán.

Vì thế vòng thứ 6 đàm phán 6 bên tại Bắc Kinh về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã bất ngờ sụp đổ.

Sự thất bại của vòng đàm phán lần này rất có thể dẫn đến việc Bình Nhưỡng không thực hiện đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon vào ngày 14/4 – thời hạn nêu trong thỏa thuận 6 bên ký kết ngày 13/2 vừa qua.

Trước thái độ đột ngột bỏ hội nghị để về nước của Trưởng đoàn CHDCND Triều Tiên, tại Tokyo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ trích Bình Nhưỡng là thiếu tinh thần xây dựng.

Sau khi đoàn CHDCND Triều Tiên rời Bắc Kinh, ngày 22/3, Trưởng đoàn Nga Alexander Losyukov cũng lên đường về nước. Hãng tin Nga Itar-Tass dẫn lời trưởng đoàn Nga Alexander Losyukov nói rằng tất cả sự rắc rối này là do phía Mỹ gây ra.

Nga cho rằng Mỹ đã không thuyết phục được phía Bắc Kinh để cho Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tiếp nhận khoản tiền 25 triệu USD của CHDCND Triều Tiên chuyển từ các tài khoản của Bình Nhưỡng tại ngân hàng Banco Delta Asia ở Macau.

Ngân hàng Trung Quốc không muốn tiếp nhận khoản tiền này vì sợ rằng do một phần trong số tiền nói trên đã từng bị Mỹ cho là kiếm được từ nguồn bất hợp pháp như buôn bán tiền giả, rửa tiền, v.v. Ngân hàng nào tiếp nhận khoản tiền bị Mỹ cho là bất hợp pháp đó rất có thể sẽ bị áp dụng lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap nói rằng sở dĩ việc chuyển số tiền 25 triệu USD nói trên bị trì hoãn là vì chính các nhà chức trách ở Macau cũng không khẳng định được ai là người sở hữu 50 tài khoản của CHDCND Triều Tiên.

Phần lớn trong số các tài khoản này đứng tên Cty Thương mại Zokwang của CHDCND Triều Tiên hoạt động kinh doanh tại Macau. Chính Cty Thương mại Zokwang đã từng trong một thời gian dài bị phía Mỹ nghi ngờ là có liên quan đến các hoạt động rửa tiền.

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh,  Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Liu Jianchao thừa nhận những khó khăn nói trên vượt quá dự liệu của phía Trung Quốc. Trước đây không ai tính đến những khó khăn mang tính chất kỹ thuật và thủ tục như vậy.

Đ.P
Theo AP, Chinadaily

MỚI - NÓNG