Vũ khí lợi hại của ông Trump

Ông Donald Trump sẽ vẫn sử dụng Twitter sau khi vào Nhà Trắng. Ảnh: Vanity Fair.
Ông Donald Trump sẽ vẫn sử dụng Twitter sau khi vào Nhà Trắng. Ảnh: Vanity Fair.
TP - Từ tòa tháp ở Manhattan, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gửi một thông điệp lúc 7h30 sáng đến 18,9 triệu người theo dõi trên Twitter: “General Motors đang chuyển những chiếc xe Chevy Cruze sản xuất ở Mexico đến các nhà bán xe ở Mỹ - qua biên giới được miễn thuế. Hãy sản xuất ở Mỹ hoặc phải trả thuế biên giới cao”.

Yêu cầu của ông Trump lập tức lan truyền trên mạng xã hội với 18.000 lượt chia sẻ. Điều xảy ra sau đó là số lượt tìm kiếm về General Motors (GM) trên Google tăng vọt lên 200%. Giá cổ phiếu của hãng này sụt 24% xuống 34,6 USD/cổ phiếu. Tại trụ sở của tập đoàn ở Detroit, các nhà điều hành GM lập tức hành động. Họ có danh tiếng phải cứu vãn, và những thông tin cần đính chính.

Đến 9h10 cùng ngày, một tuyên bố được đưa ra từ một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới: “Tất cả những chiếc sedan Chevrolet Cruze bán ở Mỹ đều được sản xuất trong nhà máy lắp ráp của GM ở Lordstown, bang Ohio (Mỹ)”.  Nhà sản xuất xe hơi này cũng nói thêm rằng, họ sản xuất mẫu xe hatchback Cruze ở Mexico nhưng để bán trên thị trường toàn cầu, và chỉ có 4.500 chiếc, tương đương 2%, được bán ở Mỹ.

Những việc đó xảy ra vào sáng thứ Ba tuần trước. Đến cuối tuần, ông Trump lại gây sốc với đoạn tweet tấn công các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Hạ viện, một tweet khác khen ngợi ca sĩ Jackie Evancho- người sẽ hát trong lễ nhậm chức của ông Trump, một tweet nói về việc hãng Toyota sản xuất xe Corolla ở Mexico, một tweet chê diễn viên-người dẫn chương trình Arnold Schwarzenegger đạt thứ hạng thấp trong chương trình “The Celebrity Apprentice” và những thứ khác nữa.

Ông Trump đã tận dụng Twitter rất lâu trước khi ông tranh cử tổng thống. Trong thời gian tranh cử, ông dùng Twitter để lên án đối thủ và tấn công những người mà ông nghĩ là coi thường ông, như cựu Tổng thống Mexico Vicente Fox. Nhưng giờ đây, khi chỉ còn 2 tuần trước thời điểm tuyên thệ, những điều ông đăng trên mạng xã hội gây tác động khủng khiếp hơn nhiều lên thị trường.

Thứ Bảy vừa qua, ông Trump viết trên Twitter rằng, việc những cuộc tấn công tin tặc từ Nga nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 không liên quan gì đến chiến thắng của ông, bất chấp báo cáo từ các cơ quan tình báo Mỹ kết luận chiến lược của Nga là nhằm tăng cơ hội chiến thắng cho ông. Ông Trump cũng viết trên mạng xã hội rằng, “quan hệ tốt với Nga là điều tốt, không phải điều xấu”.

Cách thức truyền đạt quan điểm của ông Trump khiến lãnh đạo các tập đoàn, nghệ sĩ, chính trị gia, nhà ngoại giao nước ngoài và quan chức an ninh quốc gia lo không biết ông lại sắp nói về điều gì. “Đó là một phép thử thời gian thực rất thú vị để xem các công ty sẽ hành động ra sao khi chịu sức ép nhất thời từ bàn tay của con người quyền lực nhất thế giới”, báo Mỹ Washington Post dẫn lời ông Ari Fleischer, cựu thư ký báo chí Nhà Trắng và nay là cố vấn xử lý khủng hoảng truyền thông cho nhiều công ty và tập đoàn. Ông Fleischer cho rằng, các công ty sẽ phải đối mặt với lựa chọn: “Điều chỉnh ngay lập tức để đáp ứng yêu cầu của ông Trump” hoặc “nghĩ về lâu dài và chấp nhận áp lực tạm thời sẽ qua, vì rồi sẽ có những tweet khác được đăng lên”.

Ông Corey Lewandowski, cựu quản lý nhóm tranh cử của ông Trump, gọi Twitter là “vũ khí rất, rất mạnh” của tổng thống đắc cử. “Tài khoản Twitter của ông Donald Trump là công cụ tấn công mạnh nhất từng có”, ông Lewandowski nhận xét. “Chỉ với 140 từ, ông ấy có thể đổi hướng của một công ty nằm trong nhóm Fortune 100, ông ấy có thể thông báo đến các lãnh đạo thế giới và cũng có thể nói với các cơ quan chính phủ rằng, thời làm ăn theo cách thông thường đã qua rồi”.

“Hemingway trên Twitter”

Các trợ lý của ông Trump cho biết, ông sẽ tiếp tục sử dụng Twitter khi đã vào Nhà Trắng. Những thông điệp ngắn của ông cũng đã khiến một số chính phủ nước ngoài không yên. Ở Trung Quốc, báo chí nhà nước gần đây nói rằng, việc ông Trump dùng “chính sách ngoại giao Twitter” giống như “trò chơi của trẻ con”. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc gần đây phân công một người thuộc Vụ Bắc Mỹ chuyên giám sát tài khoản Twitter của ông Trump, nhật báo Hàn Quốc Joongang đưa tin.

Ngay cả những trợ lý gần nhất cũng không biết ông Trump sắp nói gì trên mạng xã hội. Mỗi sáng khi thức dậy, ông Sean Spicer, thư ký báo chí Nhà Trắng sắp được bổ nhiệm, đều phải kiểm tra Twitter ngay lập tức để xem sếp mình vừa viết gì. “Tôi nhìn vào đó trước tiên, vì đó sẽ là điều dẫn dắt tin tức”, ông Spicer nói như vậy tại Viện Chính trị thuộc ĐH Chicago hôm thứ Tư tuần trước. Hầu hết các chính trị gia đều dựa vào một ban cố vấn để soạn thông điệp đưa lên Twitter, nhưng ông Trump không như vậy. “Tôi không nhận được thông báo nào. Trong việc này, ông ấy là người lái tàu”, ông Spicer cho biết.

Đối với ông Trump, việc “chiếm sóng” trên mạng là niềm tự hào. Ông ấy khoe với bạn bè, các trợ lý và báo chí về kỹ năng viết sắc nhọn, sâu cay và khó quên của mình, và ông cũng khoe rằng, mọi người phong cho ông danh hiệu “Ernest Hemingway trên Twitter”.

Nhưng ông cũng không ít lần bị cười nhạo vì viết sai. Trong một đoạn tweet đăng vào tháng 12/2016, ông viết: “Việc Trung Quốc vớt một thiết bị lặn không người lái của Hải quân Mỹ là một hành động “unpresidented”. Sau khi bị cười chê, ông Trump đã xóa đoạn này để đăng đoạn mới với từ “unprecedented” (chưa có tiền lệ).

Theo Theo Washington Post, BBC
MỚI - NÓNG