Vụ khống chế con tin ở Úc: Thủ phạm không liên quan nhóm Hồi giáo nào

Vụ khống chế con tin ở Úc: Thủ phạm không liên quan nhóm Hồi giáo nào
TP - Các luật sư từng bào chữa và nguồn tin thân với các nhóm Hồi giáo ở Sydney nói rằng, thủ phạm vụ khống chế con tin tại quán café Lindt ở trung tâm thành phố là kẻ không bình thường, không thuộc bất kỳ nhóm cực đoan nào và bị các lãnh đạo tôn giáo rất coi thường. 

Cảnh sát Úc đang điều tra động cơ của Man Haron Monis, một người Iran tị nạn mang tư tưởng cực đoan và nhiều lần bị buộc tội. Luật sư Adam Houda, người đại diện cho Monis trong vụ ông ta gửi thư chỉ trích đến nhiều gia đình binh lính Úc tử trận tại Afghanistan, mô tả thân chủ của mình là một người cô đơn không bình thường. “Ông ta là người rất, rất, rất không bình thường và không có liên quan gì đến bất kỳ nhóm nào. Ông ta hoạt động một mình. Ông ta là một con sói cô đơn”, Reuters dẫn lời luật sư Houda làm việc tại Sydney. Gần đây, Monis ngụ ý trong thông báo trên trang web cá nhân rằng, ông ta đã cải đạo từ dòng Hồi giáo Shi’ite sang dòng Sunni. Điều này phần nào giải thích tại sao ông ta yêu cầu cảnh sát mang một lá cờ của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) của các tay súng thuộc dòng Sunni đến quán café. 

  

Một luật sư bào chữa cho Monis trong vụ cáo buộc giết người cho biết, người đàn ông này rời khỏi Iran, nơi mà dòng Hồi giáo Shi’ite chiếm đa số, từ cuối những năm 1990 sau khi xung đột với chính quyền ở đó. Sau khi được cấp quy chế tị nạn tại Úc năm 2001, Monis bị ám ảnh bởi tình trạng bạo lực đối với dân thường Hồi giáo ở nước ngoài. Trang web của ông ta có nhiều hình ảnh trẻ em được mô tả là đã thiệt mạng bởi các cuộc không kích do lực lượng liên minh Mỹ thực hiện. Trang web cũng đăng những bài báo viết về sự xuất hiện và phát biểu của Monis tại tòa về cộng đồng Hồi giáo… Monis tự ví mình như nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, rằng đều bị bức hại bởi niềm tin chính trị. 

Hôm qua, trong cuộc họp báo sau khi chiến dịch giải cứu con tin kết thúc đêm 15/12, Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết, chính phủ sẽ kiểm tra xem tại sao Monis lại được bảo lãnh trong các vụ án trước đây. Ông Abbott nói: “Làm sao mà ai đó có quá khứ nhiều vấn đề như vậy lại không bị đưa vào danh sách bị theo dõi? Làm sao một kẻ như vậy lại có thể tự do hoạt động trong cộng đồng? Những câu hỏi này chúng ta cần xem xét cẩn thận, bình tĩnh và có phương pháp”. Tuy nhiên, ông Abbott cho rằng, vụ khống chế con tin vẫn có khả năng xảy ra, ngay cả khi tên Monis bị đưa vào danh sách theo dõi. Trong cuộc họp báo, phó cảnh sát trưởng bang New South Wales Catherine Burn không cho biết có phải Monis đã bắn chết 2 con tin hay không. Bà Burn nói rằng, cảnh sát đang điều tra chi tiết. Cuộc điều tra như vậy thường được thực hiện khi cảnh sát tham gia vụ việc có người chết và thường mất vài tuần hoặc vài tháng mới xong. 

Hai con tin và hung thủ Monis thiệt mạng khi lực lượng đặc nhiệm Úc tấn công quán café ở tòa nhà Martin Place sáng sớm 16/12 (giờ Úc), chấm dứt 16 giờ vây hãm. Hai người thiệt mạng là quản lý của quán, anh Tori Johnson, 34 tuổi và nữ luật sư 38 tuổi Katrina Dawson, làm việc ở Sydney. Nhiều người dân và vợ chồng Thủ tướng Úc đã đến trước tòa nhà Martin Place để ký vào sổ tang, đặt hoa tưởng niệm. Một cảnh sát bị đạn sượt qua mặt trong lúc tấn công đã được ra viện. Ba người khác bị thương cũng đã ổn định sức khỏe. Hai con tin đang mang thai không bị thương nhưng vẫn được đưa đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Khu vực cấm vào vẫn được duy trì quanh nhiều tòa nhà gần hiện trường và nhiều tuyến đường vẫn bị đóng. Cảnh sát cho biết sẽ điều thêm lực lượng xuống phố trong kỳ nghỉ cuối năm.


MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.