Xác định các ưu tiên cho APEC 2017

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ.K
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đ.K
TP - Hội thảo APEC về ưu tiên của Năm APEC 2017 diễn ra sáng 8/12 tại Hà Nội để các đại biểu đóng góp ý tưởng, sáng kiến và biện pháp để APEC duy trì vai trò là diễn đàn giải quyết các thách thức cấp bách nhất, giúp châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Đây là sự kiện khởi động cho các hoạt động của APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) sẽ diễn ra trong năm 2017 tại Việt Nam. Tham dự hội thảo có gần 350 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều khách mời cao cấp từ các tổ chức quốc tế cùng đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC; đại diện các bộ, ban ngành, tỉnh, thành phố thành viên của Ủy ban Quốc gia APEC 2017, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và khu vực.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, nhấn mạnh, tình hình thế giới đang có nhiều biến chuyển nhanh, phức tạp khó lường, nhất là trong lĩnh vực kinh tế toàn cầu. Đây sẽ là thách thức lớn đối với việc thực hiện ba trụ cột của APEC, đòi hỏi các nền kinh tế phải cùng chung sức giải quyết. Với thế và lực sau 30 năm đổi mới, Việt Nam mong muốn và sẽ đóng góp thiết thực hơn cho APEC, mang lại những lợi ích thực chất cho doanh nghiệp và nhân dân trong khu vực. Việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế và xây dựng nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế thành viên là minh chứng sinh động cho cam kết của Việt Nam đối với APEC cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, APEC cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực; các hoạt động hợp tác và liên kết của APEC cần được mở rộng và thực chất hơn. Phó Thủ tướng chỉ ra bốn vấn đề lớn cần tập trung giải quyết trong Năm APEC 2017. Đó là phải phát huy những thành quả đạt được, nhất là thực hiện các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và dịch vụ. Bên cạnh đó, các nền kinh tế cùng đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và hoàn thành các Mục tiêu Bogor vào năm 2020; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Đối phó xu thế bảo hộ, hướng nội

Các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về cục diện thế giới và khu vực, nhận diện những cơ hội, thách thức đang đặt ra đối với tăng trưởng và liên kết kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vai trò của Diễn đàn trong cục diện mới. Các đại biểu đều chia sẻ đánh giá của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh là tình hình thế giới và khu vực đang biến chuyển nhanh hơn, khó lường hơn, đặc biệt xu thế bảo hộ và hướng nội nổi lên ở một số nơi, làm tăng tính phức tạp của tình hình.

Các đại biểu cho rằng, đây là thời điểm APEC cần phát huy vai trò dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, liên kết sâu rộng, củng cố hệ thống thương mại đa phương. Đồng thời, APEC cần khẳng định vai trò đi đầu khởi xướng ý tưởng và điều phối các cơ chế hợp tác kinh tế khu vực, đặc biệt là trong các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới.

Chiều cùng ngày, các đại biểu dự cuộc Đối thoại của các thành viên APEC với các doanh nghiệp theo sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam. Ngày 9/12 diễn ra Hội nghị không chính thức của các quan chức cao cấp APEC, với sự tham dự của quan chức cao cấp 21 nền kinh tế thành viên cùng đại diện các tổ chức quan sát viên của APEC và Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC.

Chủ tịch SOM (hội nghị quan chức cao cấp) APEC 2016, Đại sứ Peru Luis Quesada, đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam, nhấn mạnh 2017 và những năm tới có ý nghĩa then chốt đối với định hướng phát triển của Diễn đàn.

MỚI - NÓNG