Xung quanh vụ tử hình oan nghiệt nhất Trung Quốc

Cha và chị gái của Nhiếp Thụ Bân bật khóc khi biết tin anh được minh oan.
Cha và chị gái của Nhiếp Thụ Bân bật khóc khi biết tin anh được minh oan.
Mặc dù Toà án nhân dân Tối cao Trung Quốc đã đưa ra bản tuyên án hôm 2/12, theo đó bị cáo Nhiếp Thụ Bân, tại thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, vô tội và huỷ toàn bộ những bản án đã tuyên trước đó, nhưng dư luận vẫn có những phản ứng khác nhau xung quanh vụ án này.

Hơn 21 năm trước (1995), Nhiếp Thụ Bân đã bị tử hình vì bị kết tội giết người và hiếp dâm. Và hung thủ của vụ án đã bị bắt giữ từ đầu năm 2005, nhưng mãi tới thượng tuần tháng 12/2016, Nhiếp Thụ Bân mới chính thức được minh oan.

Cũng trong ngày 2/12, đại diện Toà án tỉnh Hà Bắc đã xin lỗi cha mẹ và người thân của Nhiếp Thụ Bân, và bắt đầu tiến hành các trình tự bồi thường cho gia đình nạn nhân. 

Đa số người dân hoan nghênh quyết định của Toà án nhân dân Tối cao, nhưng nhiều người đề nghị phải truy cứu trách nhiệm đối với những người có liên quan tới cái chết oan khiên của Nhiếp Thụ Bân.

Cha của Nhiếp Thụ Bân, ông Nhiếp Học Sinh, từng tự tử nhiều lần nhưng bất thành, sau khi con trai bị tử hình. Sau khi Nhiếp Thụ Bân được tuyên án vô tội, ông Nhiếp Học Sinh nói với báo giới "cuối cùng chính nghĩa cũng đến, đây là ngày vui nhất của tôi trong hơn 20 năm qua". 

Trả lời phỏng vấn tờ Beijing News, ông Nhiếp Học Sinh cho biết, chấp nhận lời xin lỗi của Tòa án tỉnh Hà Bắc hôm 2/12. "Dù muộn nhưng công lý vẫn là công lý", ông Nhiếp Học Sinh nói.

"Xin cảm ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ trong vụ án của Nhiếp Thụ Bân", bà Trương Hoán Chi, mẹ của nạn nhân nói với giới truyền thông sau khi Toà án nhân dân Tối cao đưa ra tuyên bố kể trên. 

"Tôi hi vọng ngày này từ rất lâu rồi, nhưng con trai tôi không thể sống lại. Và tôi sẽ đến thăm mộ nó để an ủi con trai khi trở về nhà", bà Trương Hoán Chi nghẹn ngào, nói không nên lời. Luật sư của gia đình liên tục vỗ vào lưng bà Trương Hoán Chi, trong khi cũng rơi nước mắt sau cặp kính.

Đoạn clip quay cảnh gia đình Nhiếp Thụ Bân bật khóc khi nghe tin về quyết định của Toà án nhân dân Tối cao, được chia sẻ hàng ngàn lần trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất ở Trung Quốc. Trong suốt quá trình nghe tòa đọc thông báo, bà Trương Hoán Chi vẫn giữ được vẻ bình tĩnh. Nhưng sau đó bà bất ngờ bật khóc nức nở và đập liên tiếp vào bàn khi nghe tòa đọc đến 2 chữ "vô tội".

"Tôi thật sự nuối tiếc vì không thể gặp con trai lần cuối. Điều duy nhất tôi có thể làm là cố gắng chứng minh nó trong sạch để xoa dịu nỗi đau". Và điều mong ước của bà Trương Hoán Chi đã thành sự thật, khi ngày 2/12, Tòa án nhân dân Tối cao thông báo quyết định xóa tội cho Nhiếp Thụ Bân.

Nỗi oan khiên của Nhiếp Thụ Bân sẽ không được nhắc tới nếu Vương Thư Kim không bị bắt (tháng 1/2005) trong một vụ án khác, và khai nhận mình là hung thủ trong vụ án mà Nhiếp Thụ Bân đã bị tử hình năm 1995. Bởi theo phán quyết tại toà sơ thẩm và trung thẩm hồi tháng 3 và tháng 4/1995, Toà án thành phố Thạch Gia Trang và Toà án tỉnh Hà Bắc đều tuyên án tử hình đối với Nhiếp Thụ Bân vì phạm tội giết người và hiếp dâm. Và bản án tử hình đã được thi hành trong năm 1995. 

Vương Thư Kim đã thừa nhận là hung thủ trong vụ án, mà Nhiếp Thụ Bân bị tử hình, bởi hắn cũng bị tuyên án tử hình về một số vụ cưỡng hiếp và giết người khác.

Về phần gia đình Nhiếp Thụ Bân, ngay sau khi biết tin con trai bất ngờ bị bắt với cáo buộc phạm tội hiếp dâm và giết người, cha mẹ anh đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, điều tra, làm rõ vụ án. 

Bởi mặc dù thời gian, cách thức và động cơ gây án không được thừa nhận, các tài liệu chính liên quan tới nhân chứng và lời khai của bị cáo đều biến mất, nhưng Nhiếp Thụ Bân vẫn bị kết tội giết người, hiếp dâm và ra pháp trường ngày 27/4/1995. Khi đó, Nhiếp Thụ Bân mới 21 tuổi và cha mẹ anh không được thông báo về vụ tử hình và gặp con trai lần cuối.

Vì quá sốc nên ông Nhiếp Học Sinh đã bị liệt một bên chân, do đó bà Trương Hoán Chi là người "chạy án". Năm 2007, cha mẹ và chị gái của Nhiếp Thụ Bân đã gửi đơn lên Toà án tỉnh Hà Bắc, cùng các ban ngành liên quan đề nghị trả lại sự trong sạch cho nạn nhân.

Nhưng phải 7 năm sau (tháng 12/2014), Toà án nhân dân Tối cao mới chỉ định Toà án tỉnh Hà Bắc xem xét lại vụ án. Và sau khi tái điều tra, xác minh, Toà án tỉnh Hà Bắc kết luận, đa số bằng chứng để buộc tội Nhiếp Thụ Bân đều thiếu căn cứ.

"Chồng tôi và tôi luôn tự nhủ với nhau, phải cố gắng sống đến ngày con trai được minh oan", bà Trương Hoán Chi đã nói như vậy khi trả lời phỏng vấn với Tân Hoa xã năm 2014.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).