Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi lãnh thổ Việt Nam

 Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc
Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc
TP - Ngày 5/5, tại buổi họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) yêu cầu Trung Quốc phải đưa giàn khoan ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

“Hiện, Bộ Ngoại giao cũng đã có ý kiến chính thức phản đối việc Tổng Cty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan bất hợp pháp vào vùng lãnh thổ Việt Nam. Đây là vấn đề liên quan đến nhiều bộ ngành, là việc của cả đất nước, lãnh đạo cao nhất sẽ có biện pháp”, ông Hải nói.

Trước đó, ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc nói rằng giàn khoan HD-981 sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc-111o12’06” kinh Đông từ ngày 2/5 đến 15/8/2014. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.

Bước leo thang được tính toán

Trao đổi với báo chí, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng, đây là một bước đi vô cùng nguy hiểm, vi phạm đến lợi ích kinh tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (Công ước) đã quy định.

“Cách đây mấy năm, Trung Quốc đã rùm beng công bố và đầu tư hàng tỷ USD để sản xuất giàn khoan này. Họ đặt giàn khoan khổng lồ khác hoàn toàn những hành động trên giấy tờ, phát ngôn hoặc gây hấn như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí”, ông Trục nói.

Cũng theo ông Trục, vị trí được chọn để hạ giàn khoan cho thấy Trung Quốc đã tính toán rất kỹ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là rất nguy hiểm. Vì như vậy, Trung Quốc sẽ khai thác toàn bộ số dầu trong thềm lục địa của Việt Nam. Đây là hành động không thể chấp nhận được, cần phải lên tiếng tố cáo.

“Tôi hy vọng Chính phủ sẽ có những bước đi mạnh mẽ, cương quyết để ngăn chặn việc này. Nếu việc này không làm được sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về sau này”, ông Doanh nói.

Ông Lê Minh Hồng, Phó Tổng giám đốc, kiêm người phát ngôn PVN cũng xác nhận, ngày 4/5, Tổng giám đốc PVN đã có thư gửi cho Chủ tịch và Tổng Giám đốc CNOOC Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN, việc làm của CNOOC Trung Quốc đi ngược lại tinh thần hợp tác giữa hai tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

MỚI - NÓNG