<FONT face=Arial size=2>Trước lượt trận vòng 8 V-League 2005:</FONT>

“Trận thư hùng” trên sân Cao Lãnh

“Trận thư hùng” trên sân Cao Lãnh
Trước khi V-League 2005 khai màn, HLV Nguyễn Ngọc Hảo nói rằng, mục tiêu của Sông Đà Nam Định là... trụ hạng.

Khi ấy, nghe câu trả lời của ông Hảo, ai cũng cười, ngỡ rằng ông Hảo nói đùa vì SĐNĐ đang đường đường là đương kim á quân V-League. Thế nhưng, thật oái oăm, lời dự báo của ông Hảo đang hiển hiện thành sự thật khi SĐNĐ phải vật lộn với cuộc chiến trụ hạng...

Một tuần trước, ông Hảo đã phải nhờ đến bàn thắng của Alfredo ở phút bù giờ, SĐNĐ mới không bị Bình Dương qua mặt và giữ lại 1 điểm may mắn. Bàn thắng của Alfredo kéo dài sự ổn định của SĐNĐ mỗi khi chơi trên sân nhà Thiên Trường. Tuy nhiên, cái biệt danh “Vua sân khách” mà SĐNĐ tạo dựng ở mùa trước đã tan biến như bọt xà phòng ngay khi họ thất thủ trước HPHN trong trận mở màn V-League 2005. Thậm chí, cứ rời khỏi “căn cứ địa” Thiên Trường là lập tức, SĐNĐ rơi rụng hết nanh vuốt để dễ dàng bị bắt nạt, bất kể đối thủ của họ chỉ là những tân binh như HPHN hay TMN.CSG.

Phong độ tệ hại của đội bóng từng được gán biệt danh “Vua sân khách” ấy khiến ông Hảo thừa hiểu rằng, chuyến làm khách tại Cao Lãnh lần này “lành ít, dữ nhiều”. Năm ngoái, SĐNĐ cũng không mất điểm trước D.Đồng Tháp tại sân Cao Lãnh. Nhưng chính từ sau trận hòa với SĐNĐ, D.Đồng Tháp đã quật khởi một cách bất ngờ để cập bến trụ hạng an toàn.

SĐNĐ là... “vật hên” cho D.Đồng Tháp? Với tình thế hiện nay, D.Đồng Tháp chỉ còn cách là phải thắng, trong khi SĐNĐ ít nhất là phải cố gắng kiếm được 1 điểm. Sau khi Alfredo “nổ súng” ở trận gặp Bình Dương, ông Hảo đã bớt lo lắng với bài toán “hậu Amaobi”. Tuy nhiên, vấn đề của SĐNĐ bây giờ là họ gặp khó ở hàng tiền vệ chứ không phải là họ yếu ở khâu dứt điểm. Trong trận gặp Bình Dương, ông Hảo đã chơi ván bài liều khi bỏ 2 cựu thần là Văn Sỹ, Trung Kiên ra ngoài, nhường chỗ cho Ngọc Linh và Ngọc Lung. Điều ngạc nhiên là ván bàn “liều” ấy lại giúp lối chơi của SĐNĐ khởi sắc hơn hẳn. Chính vì vậy, không loại trừ khả năng SĐNĐ chấp nhận mạo hiểm dùng sức trẻ của mình để đấu với sức trẻ của đội chủ nhà.   

Phía D.Đồng Tháp không gặp khó về vấn đề tổ chức lối chơi như đối thủ, nhưng họ bị “tắc” ở khâu ghi bàn: cặp tiền đạo Phan Thanh Bình - Sydorenko tịt ngòi, bỏ phí quá nhiều cơ hội. Bởi thế, không ngạc nhiên gì ở trận trước, D.Đồng Tháp vây hãm HLBĐ nhưng rốt cục họ vẫn chịu thất bại.

Ai thắng, ai thua trong trận chung kết ngược? Mỗi bên có một điểm mạnh, điểm yếu riêng biệt, bởi vậy, có lẽ yếu tố quyết định ở cuộc “đại chiến” này sẽ là tinh thần. ở mặt này, SĐNĐ có vẻ vẫn nhẹ gánh hơn đội chủ nhà, vì họ không phải chịu áp lực thắng bằng mọi giá như D.Đồng Tháp. Nhiều khả năng SĐNĐ sẽ có điểm, thậm chí là 3 điểm, nếu họ biết kiềm tỏa sự nóng vội của D.Đồng Tháp.

ở 5 cặp đấu còn lại (GĐTLA- HPHN, M.Hải Phòng- HLBĐ, LG HN ACB- HAGL, Bình Dương - Đà Nẵng và TMN.CSG- P.SLNA), đáng xem hơn cả là 2 cặp Bình Dương - Đà Nẵng và TMN.CSG- P.SLNA. ở cặp Bình Dương - Đà Nẵng, người xem được chứng kiến cuộc đấu trí giữa 2 ông thầy từng so kè từng ly một thời họ còn là cầu thủ. Song, điều gây hấp dẫn nhất là cả hai đều đang có phong độ cực tốt, đặc biệt là những tay săn bàn (Kesley - Bình Dương và Amaobi của Đà Nẵng). Ngang phân nhau từ thực lực lẫn tham vọng, nhưng với lợi thế sân nhà, có vẻ Bình Dương sẽ lấn lướt đội khách Đà Nẵng.

Đối với cặp đấu TMN.CSG- P.SLNA, sự thú vị nằm ở chỗ: nó là cuộc so tài giữa những “ông già” (TMN.CSG) và “đám trẻ” (P.SLNA). Quan trọng hơn, nó là liều thuốc thử thực sự cho tham vọng của TMN.CSG: vô địch hay trụ hạng? Bề ngoài TMN.CSG có vẻ “trên cơ” P.SLNA, nhưng nếu chủ nhà mất đi sự cẩn trọng, không loại trừ khả năng đội khách sẽ lấy điểm, thậm chí là 3 điểm. Bởi cách đây 2 mùa, chính Văn Quyến và “đám nhóc tì” đã gây sốc trước TMN.CSG ngay trên sân Thống Nhất (P.SLNA thắng 2-0) với cú ngã vờ trong vòng cấm của Văn Quyến...

MỚI - NÓNG