Người Đức và cuộc cách mạng dở dang

Người Đức và cuộc cách mạng dở dang
TPO - Cuộc cách mạng toàn diện về triết lí của bóng đá Đức vẫn chưa thể đến đích. Một lần nữa, người Đức lại dang dở trong hành trình đi đến tận cùng khám phá ở một giải đấu lớn.

> Hất đổ 'xe tăng' Đức, Italia vào chung kết 

Những giọt nước mắt đau xót lại rơi trên khóe mắt của các CĐV. Nhưng xét cho cùng, đấy cũng không phải điều quan trọng nhất…

Đội tuyển Đức (áo trắng) không thể vượt qua Italia
Đội tuyển Đức (áo trắng) không thể vượt qua Italia.

Mannschaft đã phải nhận một thất bại tâm phục khẩu phục trước người Italia. Đấy là điều không ai có thể phủ nhận. Song rõ ràng, người Đức vẫn có lí do để tiếc nuối.

Họ đã nhập cuộc không tệ. Trước một đối thủ mang theo nỗi ám ảnh kị giơ, các học trò của Joachim Loew đã chơi rất chủ động, mạch lạc và sắc sảo trong khoảng 15 phút đầu tiên.

Bóng đá là cuộc chơi phụ thuộc rất nhiều diễn biến bất ngờ trên sân. Và nếu các học trò của Joachim Loew tận dụng được một trong những thời cơ đã có trong khoảng thời gian ấy (điển hình như tình huống Pirlo phá bóng ngay trên vạch vôi) thì rất có thể tình thế của người Đức đã khác.

Ai đó có thể cho rằng, chính tâm lí chủ quan tưởng rằng có thể ăn tươi nuốt sống được Italia đã khiến nhà đương kim á quân phải trả giá trước những nhát kiếm sắc lạnh của đối thủ.

Tuy nhiên, thực tế thì cũng chẳng phải vậy. Với những con người hiện có trong tay, với những gì bóng đá Đức đã theo đuổi suốt từ năm 2006 đến nay, Mannschaft không có bất kì sự lựa chọn nào khác.

Chắc chắn, ở thời điểm này, trước bất kì đối thủ nào, ĐT Đức cũng sẽ chơi với phong cách như thế. Nó tương tự như Barca hay Tây Ban Nha dù thế nào cũng sẽ chạy theo vũ điệu tiqui-tacca.

Thậm chí, ở khía cạnh nào đó, HLV Joachim Loew còn tỏ rõ sự thận trọng, tôn trọng đối thủ bằng cách để Kroos đá hộ công, đưa Oezil ra đá cánh. Bởi, Kroos có khả năng hỗ trợ phòng ngự tốt hơn. Ngoài nhiệm vụ tấn công, tiền vệ của Bayern còn thường xuyên kèm cặp ngòi nổ Pirlo ngay từ phần sân đối phương.

Chỉ có điều, ĐT Đức hiện tại vẫn thiếu những tố chất cần thiết của một nhà vô địch. Dù ngày càng hoàn thiện về lối chơi, đội bóng này vẫn chưa cho thấy sự trưởng thành về bản lĩnh thi đấu. Có lẽ, đây chính là điểm vẫn còn khuyết để Mannschaft có thể bước qua giới hạn của bản thân.

Họ đã không đủ khả năng để giữ tập trung trong những trận đánh lớn, để rồi mắc những sai lầm chết người như bàn mở tỉ số của Balotelli.

Sau khi bị dẫn bàn, cầu thủ Đức lại không đủ bình tĩnh, mà tự bắn vào chân mình bằng một lối đá vội vàng, nôn nóng thậm chí sau đó còn chuyển sang thái độ hời hợt, chán nản ở nửa cuối hiệp 2.

Sự non nớt, thiếu bản lĩnh được thể hiện rất rõ trong việc các cầu thủ áo trắng phung phí cơ hội. Hầu hết những pha dứt điểm của họ đều có chút gì đó nóng vội, hấp tấp, khiến bóng đi không chính xác, hoặc không đủ khó để hạ gục Buffon.

Ở khía cạnh nào đó, ĐT Đức hiện nay đã không còn cho thấy được sự lạnh lùng và chính xác như một nét tính cách đặc trưng của dân tộc mình, thứ đặc sản giúp họ được ví như “cỗ xe tăng” trong quá khứ.

Thế nhưng, xét cho cùng, đây chính là mặt trái của cuộc cánh mạng mà người Đức đã lựa chọn.

Khi một đội bóng hướng tới lối đá cởi mở hơn, rõ ràng rất khó để đòi hỏi họ duy trì sự chắc chắn như khi vẫn khoác lên mình bộ mặt thực dụng, vô cảm.

Chẳng đường nào trải bước trên hoa hồng; chẳng có cuộc cách mạng nào mà không có mất mát. Khi người Đức đã tự chọn cho mình một triết lí mới thì họ buộc phải chấp nhận đánh đổi. Họ phải học cách khỏa lấp những điểm yếu ấy, để biến mình thực sự trở nên mạnh nhất, đủ sức cuốn phăng mọi chướng ngại.

Hành trình của người Đức trong 6 năm qua kể từ khi Klinsmann xây dựng lại Mannschaft đã để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng đẹp về một đội tuyển tuơi mới, hấp dẫn. Chỉ có điều, một hành trình cũng không thể cứ mãi chẳng đến đích; mãi để những người yêu mến họ phải rơi lệ. Đấy là thứ Joachim Loew và các học trò nợ những người hâm mộ họ trong một cuộc phiêu liêu khác, có thể là Brazil 2014!

Theo Viết
MỚI - NÓNG