AVG ký chuyển giao bản quyền truyền hình cho VPF

Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ (trái) quyết định trao lại thương quyền bản quyền truyền hình cho VPF và VFF Ảnh: VSI
Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ (trái) quyết định trao lại thương quyền bản quyền truyền hình cho VPF và VFF Ảnh: VSI
TP - Quá trình bàn giao diễn ra “nhanh gọn và tốt đẹp” như ý kiến các thành viên có mặt trong cuộc làm việc ba bên sáng qua: VFF-VPF và AVG. Bắt đầu từ vòng đấu thứ 15 của giải VĐQG, VPF có thể triển khai việc khai thác thương quyền truyền hình các giải đấu do mình tổ chức.

> AVG chính thức bàn giao thương quyền V-League cho VPF

Các giải đấu này bao gồm: Giải VĐQG (V.League), giải hạng Nhất và cúp quốc gia. Riêng thương quyền truyền hình các trận đấu của ĐTQG vẫn thuộc về Liên đoàn bóng đá VN (VFF).

Theo tìm hiểu thì AVG (Công ty nghe nhìn toàn cầu) cũng chấp thuận biếu không cả thương quyền truyền hình ĐTQG, nhưng VPF chỉ nhận ba giải đấu trên.

Trao đổi với Tiền Phong, Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vui vẻ cho biết: “Ở góc độ của VFF, chúng tôi rất vui khi tranh chấp giữa đôi bên đã được giải quyết dứt điểm.

Điều này rất có lợi cho bóng đá VN. VFF sẽ hỗ trợ tối đa để VPF khai thác tốt thương quyền các giải đấu. Chúng tôi cũng đánh giá cao đóng góp của AVG.

Chỉ riêng sự tham gia của họ đã giúp cho giá trị thương quyền các giải đấu tăng lên. Riêng bản quyền truyền hình các ĐTQG vẫn thuộc VFF”.

Trong khi đó, theo Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, cuộc làm việc giữa các bên đã kết thúc tốt đẹp, với việc VPF chính thức giành quyền khai thác thương quyền các giải đấu do mình tổ chức. Ông Thắng cũng bày tỏ ý kiến cảm ơn những đóng góp của AVG cho bóng đá VN.

Được biết, trong cuộc làm việc sáng qua, ba bên đã nhất trí ký thỏa thuận với nội dung chính: AVG đồng ý thanh lý hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG về việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá VĐQG giữa đôi bên trên cơ sở cam kết của VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN) về việc khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu do VPF tổ chức với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm, bắt đầu từ năm 2013.

VPF sẽ có trách nhiệm làm việc với Đài truyền hình VN (VTV) và Đài truyền hình kỹ thuật số VN (VTC) để thực hiện phát hình rộng rãi phục vụ đông đảo người hâm mộ trên cơ sở tôn trọng những thỏa thuận của AVG với hai đài nói trên.

Bắt đầu từ vòng đấu thứ 15, VPF sẽ có thể triển khai việc khai thác thương quyền truyền hình các giải đấu.

Để đi đến thỏa thuận trên, AVG đã đưa ra ba yêu cầu đối với VPF. Một, việc chuyển nhượng thương quyền từ AVG sang VPF phải được sự đồng ý của VFF, do AVG chỉ là một bên trong bản hợp đồng trên. Hai, do AVG đã thỏa thuận với VTV và VTC về việc chia sẻ 70% thương quyền truyền hình cho hai đài này nên sau khi tiếp quản hợp đồng, VPF cần giữ nguyên cam kết này. Và ba, VPF phải đảm bảo mỗi năm đem lại tối thiểu 50 tỷ đồng cho bóng đá VN từ bản quyền truyền hình các giải đấu.

Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ hôm qua tái khẳng định, AVG không nhận một đồng nào từ việc chuyển nhượng thương quyền truyền hình cho VPF. “VPF nếu có thể đem lại lợi ích cho bóng đá VN tốt hơn là điều AVG mong muốn. Chúng tôi không cần đền đồng nào cho những thiệt hại của mình”. Theo ông Vũ, AVG vẫn sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao khác, như wushu hay điền kinh... Riêng V.League cùng giải hạng Nhất và cúp quốc gia, nếu muốn phát AVG sẽ phải mua lại của VPF.

Nhà đài dè dặt

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về quan điểm đối với việc AVG chuyển nhượng hợp đồng bản quyền truyền hình cho VPF cũng như triển vọng hợp tác với VPF trong tương lai, Phó Giám đốc VTC kiêm Giám đốc kênh thể thao VTC3 Vũ Quang Huy cho biết: “Tạm thời chúng tôi chưa thể đưa ra phát biểu cụ thể bởi chưa làm việc với VPF. Dĩ nhiên VTC rất mong muốn hợp tác giữa đôi bên thuận lợi. Nhưng như thế nào thì còn phụ thuộc vào VPF”.

Đối với thỏa thuận chia sẻ 30% thương quyền truyền hình với AVG, theo ông Huy, VTC chưa chính thức ký kết nên kết quả như thế nào phụ thuộc vào các buổi làm việc sắp tới với VPF.

Trong khi đó, một đại diện của Đài truyền hình VN (VTV) đã xin phép không đưa ra bình luận do lãnh đạo VTV hiện tại đang công tác nước ngoài. “Đây là vấn đề nhạy cảm bởi như mọi người đều biết, tranh chấp giữa các bên kéo dài trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cần thiết phải thống nhất ý kiến trong nội bộ cơ quan trước khi đưa ra quan điểm chính thức”-đại diện VTV trên cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong về khả năng khai thác thương quyền truyền hình các giải đấu của VPF, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ nói: “Thực tế là vừa qua AVG không hề lãi, nếu không muốn nói vẫn phải bù lỗ. VPF nếu muốn sinh lợi từ bản quyền truyền hình thì buộc phải triển khai các bước đi thật sự bài bản. Bản thân AVG khi làm đã phải qua một thời gian nghiên cứu nghiêm túc. Kinh doanh bản quyền truyền hình nếu có lãi cũng phải khoảng 4-5 năm tới”. - N.P

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.